Lối thoát cho nền kinh tế
Phải làm rõ nguyên nhân của sự yếu kém
SGTT.VN - Trước thềm kỳ họp Quốc hội cuối năm (khai mạc hôm nay 21.10), nhiều vấn đề nóng của nền kinh tế nước nhà cũng như các vấn đề an sinh xã hội được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Chia sẻ với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc ngân hàng Nhà nước, cho biết mối quan tâm lớn nhất của ông tại kỳ họp Quốc hội cuối năm là biện pháp thực hiện kế hoạch kinh tế từ nay đến năm 2015. Ông Kiêm đánh giá, đây là vấn đề rất lớn, cụ thể là bội chi ngân sách, tháo gỡ khó khăn để phục hồi sản xuất, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp lại doanh nghiệp, ngân hàng…
Trước thực trạng nền kinh tế cứ “là đà” khá lâu, ông Kiêm mong muốn kỳ họp này sẽ phân tích được nguyên nhân để thoát ra, đặc biệt các khuyết điểm cần được làm rõ địa chỉ. Như vậy mới mong có giải pháp. Ông Kiêm tin tưởng sẽ có nhiều đại biểu quan tâm chất vấn mổ xẻ vấn đề này.
ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc ngân hàng Nhà nước, cho biết mối quan tâm lớn nhất của ông tại kỳ họp Quốc hội cuối năm là biện pháp thực hiện kế hoạch kinh tế từ nay đến năm 2015. |
Dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế, theo ông Kiêm, kinh tế muốn lên được phải cần có thời gian, nếu thực sự giải quyết. Cần phải gỡ các nút thắt hiện nay như nợ xấu, tồn kho, thay đổi mô hình tăng trưởng, phân bổ vốn, hoàn chỉnh hạ tầng, thể chế, nhân lực… Làm tốt được những khâu này thì chắc chắn nền kinh tế sẽ có chuyển biến. Tuy nhiên, phải làm đồng bộ. Ông nói: “Làm một chỗ không có biến chuyển đâu”.
Đề cập tới thông tin Chính phủ sẽ bảo lãnh các khoản nợ của Vinashin, ông Kiêm nhận định, nếu nợ do chính sách, cơ chế, môi trường thì Chính phủ có thể chịu trách nhiệm. Nhưng nợ do khuyết điểm cá nhân gây nên, do vi phạm nguyên tắc, do bổ nhiệm sai… thì phải quy trách nhiệm và xử lý cá nhân.
Ông Kiêm cũng bày tỏ “quá lo ngại” trước thực trạng tham nhũng ở các doanh nghiệp nhà nước, gần đây nhất là việc Dương Chí Dũng bị phát hiện tham ô để mua nhà tặng “bồ nhí”. Tiền của nhà nước sử dụng không hiệu quả mà không phải do thiên tai, do thế giới tác động, chính sách sơ hở… sẽ làm mất lòng tin của dân.
Đồng tình về vấn đề này, bà Bùi Thị An (đại biểu đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, số tiền thất thoát lớn như thế là do quản lý quá lỏng lẻo. Thực tế, khái niệm kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo vẫn là “mong muốn” thôi. Và như vậy cần phải tìm hiểu tại sao, chỉ ra nguyên nhân là gì.
Trước thềm kỳ họp mới, bà An bày tỏ mối quan ngại đặc biệt là đời sống của người dân các tỉnh miền Trung sau bão lũ vừa qua. Thiệt hại tài sản lớn, phải có chính sách để người dân gượng dậy được sau thiên tai. Nhất là vấn đề giá cả, vệ sinh môi trường… Qua đợt thiên tai vừa qua mới thấy cần phải triệt để hơn nữa trong việc chống lãng phí, tiết kiệm dành cho những nơi người dân cần. Bà An đề xuất Chính phủ cần rà soát, đánh giá thực trạng từng vùng, những nơi đặc biệt khó khăn để tập trung hồi phục lại.
Việt Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét