Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Phan Khôi, một con người rất Tú Sơn(*)

Phan Khôi, một con người rất Tú Sơn(*)

Đọc sách


Phan Khôi, một con người rất Tú Sơn(*)


SGTT.VN - Cuốn Nắng được thì cứ nắng – Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn do người con út của ông là Phan An Sa biên soạn, cung cấp thông tin về 23 năm cuối đời của Phan Khôi (1936 – 1959).











Có lẽ thời gian làm tờ Sông Hương ở Huế là lúc Phan Khôi tỏ rõ được cái tự tại của mình nhiều nhất. Một mình ông gần như viết hết các mục trên tờ báo.


Những phát hiện của Phan Khôi dọc theo suốt tập sách cho thấy sự nghiên cứu của ông thật phong phú. Về Tư Mã Thiên, Phan Khôi đánh giá cái “biểu” của ông này sáng tạo đem áp dụng đầu tiên trong Sử ký, có thể coi là ngang hàng với sáng chế ra điện, ra máy hơi nước. Ông gọi đó là một thứ “văn học không cú đậu”, nghĩa là đọc không thành câu. Thời đó, Phan Khôi đã nhìn ra được sức mạnh thông tin của đồ hoạ thông tin mà báo chí rất thường sử dụng, mặc dầu biểu bảng của Tư Mã Thiên còn sơ khai (trang 79).


Ngày đó, Phan Khôi cho đăng nhiều kỳ cuốn tiểu thuyết Làm đĩ của nhà văn lớn một thời bị cho là theo tự nhiên chủ nghĩa Vũ Trọng Phụng, đã là một sự quả quyết khác người. Ông còn tranh luận luôn cả với người viết báo can ngăn đừng đăng là ông linh mục chủ bút tờ báo Vì Chúa J.M. Thích (trang 34).


Về sau, nhân sự kiện giỗ Vũ Trọng Phụng, ông viết một bài với tựa đề rất Phan Khôi: Không đề cao Vũ Trọng Phụng, chỉ đánh giá đúng, trong đó có câu: “Cái thói tục ấy là tôi hiểu rằng ở trong xã hội này đừng ai nói đến ai hết, hễ nói đến, tức là đề cao, mà đề cao là một cái lỗi, vì không có người nào đáng đề cao hết”. Câu này được viết cách không lâu khi Hoàng Cầm viết về Trần Dần.


Phan Khôi trước đó cũng nổi tiếng khi dịch Kinh Thánh cho hội Tin Lành trong thời gian năm năm. Ông cho đó là một nguồn văn hoá lớn cần giới thiệu với người Việt. Nhưng sau chỉnh huấn ở Việt Bắc, ông kiểm thảo rằng làm như vậy chỉ vì vô tình, nhưng ông cũng đã gieo rắc thêm mê tín cho người trong nước, thực ra là ông đã làm một việc phản khoa học…


Về lịch sử, Phan Khôi có nhiều nghiên cứu và công trình đáng kể. Ông là người đính chính cho vai trò chính của Thái Phiên thay vì là Trần Cao Vân như người đời bị thực dân Pháp thông tin gây nhiễu, mặc dầu cả hai đều có tham gia vụ Duy Tân khởi nghĩa (trang 485).











Nhận xét về Phan Thanh Giản, ông viết: “… tuy bị mang tiếng là một trong hai tên “mại quốc”, nhưng ông vốn là người liêm chính, cương trực, cái chết của ông đủ tỏ ra cái nhân cách của ông” (Nguyễn Đình Chiểu, một nhà nho chân chính miền Nam – 30.7.1956) (trang 517).


Phan Khôi là một con người độc lập trong suy nghĩ và hành động của mình. Con ông nghĩ về ông: Cùng yêu nước cùng vì nhân dân mình, nhưng ông hành động khác các anh, đó là quyền của ông bởi vì ông có cái quyền đó (trang 520).


Cái bi kịch của ông là nhận lời làm chủ nhiệm báo tư nhân Nhân Văn, vì những người làm tờ này thực sự đều là đảng viên, không được ra báo tư nhân. Rồi đến bài viết trên Giai phẩm mùa Thu: Phê bình lãnh đạo văn nghệ.


Chẳng những bi kịch cho bản thân ông, mà còn bi kịch cho người thân, nhất là các con luôn luôn kính yêu ông. Chẳng hạn như Phan Thao, con trưởng của ông lúc đó là trưởng phòng bí thư (tổng thư ký toà soạn), rồi trưởng ban văn nghệ báo Nhân Dân, phải đăng những bài mạ lỵ cha mình một cách hèn hạ sau bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ.


Sau thời gian đó, ông giam mình trong không gian văn chương của Lỗ Tấn, lấy nhân sinh quan Lỗ Tấn làm lý tưởng sống cho mình, bỏ qua những búa rìu bên ngoài. Một nhận xét độc đáo của ông về nhà văn lớn này: “Lỗ Tấn thông hiểu chủ nghĩa Marx lắm, nhưng trong văn chương của ông không hề dùng những danh từ mác xít, mỗi khi đọc, làm tôi nghĩ đến thân phận con tằm: con tằm ăn dâu rồi nhả ra tơ, nếu nhả ra dâu thì không phải là con tằm” (trang 496). Nguyễn Tuân quy ông là ám chỉ ai đó.


Sự suy sụp của ông sau cùng được xua đi khi ông ngồi ngắm nắng chiều thu Hà Nội và làm bốn câu thơ: Nắng chiều đẹp có đẹp/ Tiếc tài gần chạng vạng/ Mặc dù gần chạng vạng/ Nắng được thì cứ nắng (trang 533).


Phan Khôi còn có một số công trình nghiên cứu về ngôn ngữ học tiếng Việt, cũng như dựa trên tiếng Việt, nghiên cứu lịch sử. Cuối đời, sau bài thơ Nắng chiều, ông còn có bài Những con số không nhất định trong từ ngữ; trong đó ông bàn về số 3 và số 9 như ông ba phải, ba cọc ba đồng, chín suối, ruột đau chín chiều..., số ba – bốn và số chín – mười, v.v. (trang 568).


Tóm lại, Phan Khôi và nhiều người khác vẫn cho rằng ông là sản phẩm cựu học. Nhưng để có được một sản phẩm cựu học uyên bác và tài tình như thế, quả là hiếm. Thực ra, sau khi từ bỏ con đường theo đòi cựu học, đáp ứng ý muốn của ông nội và cha ông, Phan Khôi đã chuyển sang học chữ quốc ngữ. Và sự thành đạt của ông trên lĩnh vực báo chí, sử học, ngôn ngữ học và văn chương hầu hết là nhờ tự học. Từ tự học và nghiên cứu cách nhau chỉ có một bước.


Ông từng dặn con ông: “Nhưng con phải tự học thêm, chớ chỉ có kiến thức ở trường không thì chỉ làm được anh giáo thôi...” (trang 551).


Công Khanh


(*) Một trong những bút danh của ông mà nhà phê bình Thiếu Sơn giải thích nó phiên âm từ tiếng Pháp là tout seul (một mình) (trang 527).






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ