Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Chăn nuôi động vật hiếm: lợi nhưng hiếm lời

Chăn nuôi động vật hiếm: lợi nhưng hiếm lời

Kết nối thiên nhiên


Chăn nuôi động vật hiếm: lợi nhưng hiếm lời


SGTT.VN - Những năm gần đây, việc chăn nuôi thương phẩm một số loài động vật hiếm ở Việt Nam khá sôi động: đà điểu, gà sao, trĩ đỏ, nhím, cầy hương, dông cát, kỳ đà, heo rừng... Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, việc này còn giúp giảm áp lực săn bắt động vật hoang dã, bảo vệ nhiều loài quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, không phải cơ sở chăn nuôi động vật hiếm nào cũng thành công, nhiều cơ sở đầu tư thất bại, vướng nợ nần.










Nuôi đà điểu. Ảnh: Dịu Hằng



Do nhận thức sai lầm của người nuôi


TS Võ Văn Sự, chi hội Động vật quý hiếm thuộc hội Chăn nuôi Việt Nam, nguyên trưởng bộ môn Động vật quý hiếm và đa dạng sinh học thuộc viện Chăn nuôi quốc gia, cho biết nguồn gốc sâu xa khiến người dân tìm đến các loài vật nuôi hiếm là nhiều người – đặc biệt ở châu Á – tin rằng ăn động vật hoang dã giúp họ mạnh mẽ, chữa được bệnh, lại an toàn. Lý do khác là giá thức ăn tăng cao cộng chi phí thuốc phòng dịch bệnh (cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng…) khiến giá thành chăn nuôi bị đội lên, đặc biệt từ khi các nguồn thịt ngoại giá cực thấp được nhập vào, người chăn nuôi không trụ nổi nên phải xoay đủ kiểu, trong đó có việc tìm nuôi những con vật mới. Hơn nữa, những loài vật đó dẫu năng suất thấp nhưng không đòi hỏi cám công nghiệp, thức ăn bổ sung vitamin... “Các loại này hầu như ít bệnh, nếu nuôi đúng quy trình thì có lẽ chẳng bao giờ cần đến thuốc. Thêm nữa chăn nuôi loại này không cần đến điện, mà vì thiếu nó đã làm chết 15.000 con gà, 3.000 heo công nghiệp ở các trang trại trong mùa hè 2008…”, TS Sự lý giải.


Cũng theo TS Sự, nhiều cơ sở nuôi thất bại có thể do nhận thức sai lầm của người chăn nuôi, tưởng động vật hiếm dễ nuôi: “Heo rừng Việt Nam là một điển hình. Việc thuần hoá nó không đơn giản, 95% là chết. Vì thế, người dân không nên tự làm. Con hon (don) cực kỳ khó sinh trong môi trường nhân tạo. Cầy hương từ miền Nam đưa ra miền Bắc đẻ rất ít…” Nhiều người nuôi cho rằng các con vật này không bệnh tật. Thực tế thì nuôi ít không sao, nhưng khi nuôi nhiều với mật độ lớn, khả năng nhận bệnh từ các loài vật nuôi khác và từ chúng với nhau cao hơn nhiều. Vậy nên việc vệ sinh phòng bệnh không thể xem thường. TS Sự nói: “Thường họ nuôi một vài cặp, và như thế nguy cơ đồng huyết rất cao, khó có thể chọn lọc được giống tốt. Chưa kể thức ăn đơn điệu, như có khi cả tháng cho nhím ăn mỗi ngô. Họ không biết rằng trong rừng, nhím có thể ăn rất nhiều loại cây, củ quả, giun dế... để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho nó”.


Cần tổ chức chăn nuôi bài bản


Theo TS Sự, so với thế giới thì số loài vật được nuôi ở nước ta mới hơn phân nửa. Tuy nhiên cách thức của chúng ta chủ yếu là tự phát, người dân phải tự mày mò tìm hiểu kỹ thuật. “Cơ quan khoa học cần đi trước. Khốn nỗi, các cơ quan khoa học chỉ được giao nhiệm vụ khi thấy người dân đã làm ồ ạt nhằm khẳng định liệu chăn nuôi con vật đó có được không, có nguy hiểm đến môi trường hay không, và nếu được là nên như thế nào...”, TS Sự lý giải.


Với góc nhìn của một chuyên gia đã nhiều năm nghiên cứu về việc chăn nuôi động vật hiếm và bản thân từng khởi xướng việc chăn nuôi này, TS Sự cho rằng nên nhìn nhận mặt tích cực của việc chăn nuôi động vật hiếm là tạo nên sản phẩm mới cho xã hội, cho xuất khẩu và cơ may tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là khu vực miền núi nơi đất rộng, nguồn thức ăn từ cây cỏ, củ quả nhiều và rẻ. “Nhưng để có hiệu quả thì ta cần tổ chức chăn nuôi hệ thống, bài bản, đặc biệt hướng tới sản phẩm hữu cơ. Mặt khác, Nhà nước cũng phải ngăn chặn nạn “hàng giả” trong lĩnh vực này. Hàng giả vốn là tai vạ cho nhiều ngành kinh tế, đối với các loại động vật mới “được giá” này lại càng tai vạ”, TS Sự nói. Ngoài ra, cũng nên công nhận chúng là giống vật nuôi, bởi “thực ra nhiều loài đều vừa là hoang dã, vừa là thuần hoá: bò rừng – bò nhà, heo rừng – heo nhà... Như vậy ta sẽ có nhím rừng – nhím nhà, trĩ đỏ rừng – trĩ đỏ nhà. Nhân đây cũng cần nói đến con hươu. Hươu sao hầu như không thấy trong rừng từ năm 1975, nhưng hàng trăm ngàn con hươu hiện tại đều từ hươu nhà nuôi từ năm 1920 tại Hương Sơn vẫn bị coi là động vật hoang dã”, TS Sự nhận định.


Linh An – Hoàng Tuấn









Theo TS Sự, trên thế giới hiện có 5.675 loài động vật có vú và khoảng 10.000 loài chim. Loài người đã thuần hoá và sử dụng 40 loài động vật trong hai nhóm trên cho mục đích cung cấp thực phẩm, nông nghiệp và các mục đích khác. Con số đó ở nước ta là 27 loài, trong đó có 12 loài thuộc loại hiếm. Các loài mới được du nhập: đà điểu, gà sao, trĩ đỏ, chồn nhung đen, lợn rừng, kỳ đà, hon... Một số mới tự nhân nuôi là nhím, cầy hương, dông cát, kỳ đà…







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ