Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Chủ động đào tạo cán bộ quản lý bệnh viện trước khi bổ nhiệm

Chủ động đào tạo cán bộ quản lý bệnh viện trước khi bổ nhiệm

TS.BS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc sở Y tế TP.HCM


Chủ động đào tạo cán bộ quản lý bệnh viện trước khi bổ nhiệm


Thưa ông, từ kết quả thanh tra ba bệnh viện tại TP.HCM vừa rồi, có ý kiến cho rằng giám đốc bệnh viện công nước ta giỏi về chuyên môn nhưng chưa giỏi về quản lý. Ông có thừa nhận điều này?


Cũng như mọi ban, ngành khác, ngành y tế thành phố vẫn thực hiện tốt việc quy hoạch cán bộ từ cấp khoa, phòng đến lãnh đạo bệnh viện. Nhưng ra được danh sách này chỉ mới là bước đầu, bước quan trọng tiếp theo phải là giúp cán bộ quy hoạch có đủ năng lực để họ thực hiện tốt nhiệm vụ khi được giao phó.










Bệnh viện là nơi dành cho mọi người, ai cũng được đối xử như nhau... Ảnh: Thanh Hảo



Với cán bộ lãnh đạo y tế hiện nay, ngoài phẩm chất chính trị, họ còn phải có bằng cấp chuyên ngành tuỳ theo nhiệm vụ được giao. Nhưng qua vụ việc vừa rồi, lãnh đạo sở Y tế rút ra một điều là cán bộ quản lý bệnh viện chưa thực hiện đúng chức năng quản lý ở vị trí mà họ đảm nhiệm. Vì thế, sắp tới sở Y tế sẽ phối hợp với đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức khoá huấn luyện chuyên đề quản lý bệnh viện cho những cán bộ quy hoạch.


Đại học Phạm Ngọc Thạch cũng từng mở lớp quản lý bệnh viện do chuyên gia nước ngoài giảng dạy, vậy khoá huấn luyện của sở Y tế có khác gì với lớp học của trường hay không?


Sở Y tế thành phố và đại học Phạm Ngọc Thạch đang khẩn trương xây dựng một chương trình đào tạo “sát sườn”, kéo dài trong một năm, chú trọng thực tế chứ không lý thuyết, dành cho người được quy hoạch làm cán bộ quản lý bệnh viện từ thấp đến cao.


Chẳng hạn, người trưởng khoa ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn phải biết được công việc quản lý mà bộ Y tế quy định. Trước nay, những trưởng khoa sau khi được bổ nhiệm đều phải tự mình tìm hiểu công việc rồi tự làm, chứ không được ai huấn luyện. Nếu ai có tinh thần tự học, họ sẽ làm tốt công việc được giao, ai chỉ lo chuyên môn, không biết nhiều về quản lý sẽ gặp sự cố khi làm việc. Có thể xem khoá huấn luyện này là bước chuẩn bị chủ động cho những cán bộ quy hoạch, thay vì bổ nhiệm họ rồi mới cho đi học như trước nay.


Để không xảy ra những vụ việc vừa qua, ông có nghĩ rằng ban giám đốc bệnh viện từ đây phải tập trung cho công việc quản lý, không được làm chuyên môn?


Ban giám đốc sở Y tế hoàn toàn thống nhất quan điểm này. Về lâu dài, sở Y tế sẽ có quy định buộc những thành viên lãnh đạo bệnh viện phải tập trung vào quản lý, chứ vừa làm quản lý vừa làm chuyên môn sẽ không xuể, hoặc họ sẽ thiên về chuyên môn mà xao nhãng quản lý. Tuy nhiên, trước mắt sở Y tế sẽ đề nghị giám đốc bệnh viện làm gương trước, ai còn kiêm nhiệm công tác chuyên môn phải dừng ngay công việc này để lo quản lý. Thực tế cho thấy, bệnh viện nào làm tốt là ở đó ban giám đốc thực hiện tốt việc giám sát hoạt động bệnh viện, vì qua giám sát mới phát hiện được những sai sót để khắc phục. Bài học từ đợt thanh tra bệnh viện vừa rồi là từ nay cơ sở phải tăng cường hoạt động giám sát của mình, đồng thời sở Y tế tăng cường giám sát bệnh viện theo chuyên đề nhằm vừa hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vừa chấn chỉnh kịp thời những sai sót nhỏ.


Từng nhiều năm tham gia quản lý bệnh viện, ông có thấy việc quản lý bệnh viện công ở nước ta rất khó khăn hay không?


Nhìn chung, quản lý luôn là một công việc nhiều thách thức và khó khăn, đòi hỏi người quản lý phải xác định được nhiệm vụ và mục tiêu chính của đơn vị mình, chứ nếu không sẽ phát triển lệch. Thí dụ một bệnh viện công chỉ chú trọng phát triển dịch vụ thì một lúc nào đó sẽ đi lệch hướng. Bởi dù nói gì, bệnh viện công vẫn là bệnh viện dành cho mọi người, làm sao cho mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là người yếu thế, khi bước vào bệnh viện công không cảm thấy bị đối xử bất bình đẳng hay bị o ép một chiều, mà luôn được hưởng chất lượng điều trị như những người khác.


Bình Yên (thực hiện)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ