Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Người dân loay hoay vẽ lại…“bản đồ di chuyển”!

Người dân loay hoay vẽ lại…“bản đồ di chuyển”!

TP.HCM


Người dân loay hoay vẽ lại…“bản đồ di chuyển”!


SGTT.VN - Để thích nghi được với nạn ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm, từ lâu, không ít người dân đã tự lập cho mình một phương án di chuyển từ nhà đến cơ quan, trường học, quán xá… một cách hợp lý nhất. Họ coi đó là bửu bối với tên gọi là “bản đồ di chuyển” để có thể truyền lại “bí kíp” cho anh em, con cháu trong nhà, mỗi khi ra đường vào giờ cao điểm.










Cầu Thị Nghè – bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đang được sửa chữa.



Thế nhưng với những diễn biến gần đây, nhiều “bản đồ di chuyển” đã bị phá sản. Không ít chủ nhân của những tấm “bản đồ di chuyển” cá nhân đó phải vò đầu, bứt tai thử nghiệm để vẽ lại tấm bản đồ mới. Tuy nhiên, tấm bản đồ mới ấy vẫn không dám chắc sẽ áp dụng được lâu dài.


Tự tìm lối thoát


Kể từ khi kẹt xe trên đường Cộng Hoà, chuyển từ ngã tư Hoàng Hoa Thám, xuống đến đường Ngô Bệ giao với Cộng Hoà, ông Phạm Đức Nhuận (nhà ở đường Lê Tấn Quốc, phường 13, quận Tân Bình), đã phải bỏ ra hơn tuần lễ để tìm hướng thoát khỏi cung đường Cộng Hoà, nhằm hình thành một hướng đi mới cho bản thân và gia đình trong giờ cao điểm. “Trong suốt một tuần, cứ tầm 8 giờ tối là tôi lại lên xe đi khảo sát tất cả các con đường ngang, đường hẻm dọc hai bên đường Cộng Hoà, đoạn từ Lê Tấn Quốc đến Hoàng Hoa Thám. Cuối cùng cũng tìm được hướng đi riêng là lòn vào đường Nhất Chi Mai, băng qua các tuyến đường nội bộ ven sân bay, qua trường Nguyễn Chí Thanh về Hoàng Hoa Thám và ngược lại”, ông Nhuận nói.


Tương tự ông Nhuận, khi TP.HCM thông báo sẽ đóng ba cây cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và một cầu bắc qua kênh Tân Hoá – Lò Gốm là cầu Hậu Giang (hiện đã đóng cầu Bông và Hậu Giang, tháng 11 sẽ đóng hai cầu còn lại), ông Lê Huỳnh Hải, nhà ở đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận đã gấp rút “họp” các thành viên trong gia đình để tìm lối thoát khi phải lưu thông qua hướng cầu Lê Văn Sỹ hay cầu Kiệu. “Đúng là các cơ quan chức năng đã công bố các hướng đi mới khi thực hiện đóng cầu, nhưng nếu mình không tìm phương án dự phòng khi các hướng đi đó bị “nghẽn” thì lỡ đủ mọi việc. Thực tế là trong các ngày đóng cầu Hậu Giang và cầu Bông vừa qua, cảnh ùn ứ đã xảy ra ở các hướng đi theo chỉ dẫn của cơ quan chức năng. Vì thế, phương án tôi chọn vẫn là đường hẻm, đường ngang để “chui” ra các tuyến đường lớn mà không ít người còn chưa biết nếu không đi khảo sát trước”, ông Hải phân tích.


Theo ông Hải, sở dĩ ông phải làm vậy vì khi đóng cầu, các tuyến đường theo như hướng dẫn của cơ quan chức năng khó tránh khỏi quá tải.


Chuyện tìm lối thoát khi đóng cầu hay ở những điểm thường xuyên xảy ra ùn ứ không chỉ là câu chuyện thời sự của gia đình ông Hải, ông Nhuận mà thực tế đang là chuyện phải nghĩ, phải làm của hàng vạn gia đình mỗi ngày phải lưu thông qua các cây cầu chuẩn bị đóng hay đã đóng. Ngay cả bản thân người viết, khi thực hiện bài viết này cũng đã bỏ ra hai ngày để tìm hướng đi từ nhà đến cơ quan cho mình, thay thế cho hướng đi theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Mục đích không đâu khác nhằm né được cảnh ùn ứ (nếu có xảy ra) khi các cơ quan chức năng đóng cầu Lê Văn Sỹ, chuyển làn xe qua cầu tạm và hướng đường bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Nếu không có phương án dự phòng trong di chuyển ở một đô thị mà cảnh ùn ứ giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào như TP.HCM thì quả là khó… sống!


Sợ ôtô “chèn” lối thoát!


Theo ông Huỳnh Hải, dù đã tìm được hướng đi mới làm phương án dự phòng khi đóng cầu Lê Văn Sỹ hay cầu Kiệu, nhưng đến nay ông vẫn lo những hướng đi mới kể trên sẽ ngày càng trở nên đông đúc, bởi chắc sẽ có rất nhiều người như ông “quyết chui vào ngõ hẻm”. Tuy nhiên, sợ nhất là ôtô bốn bánh cũng lủi vào dù không biết ở giữa hay cuối hẻm có đủ diện tích cho xe lưu thông.


Lo ngại của ông Hải hoàn toàn có lý, bởi trong thực tế, ở thời điểm từ năm 2009 – 2011 – thời điểm mà hàng chục lôcốt án ngữ trên các trục đường chính ra vào khu trung tâm thành phố – đã có hàng vạn người chọn hẻm làm lối thoát. Để rồi, các con hẻm trở nên quá tải, khiến chủ nhân của các ngôi nhà trong hẻm không ngớt lời ca thán.


Ông Nhuận thì chia sẻ: “Nói thật, hướng thoát bằng cách chui hẻm thì trước sau gì nhiều người cũng biết”. Do đó, để hạn chế tối đa tình trạng kẹt xe trong hẻm do ôtô cố tình chui vào – không chạy được – rồi đành phải quay đầu, gây ra cảnh kẹt xe thì ngay bây giờ, ngoài việc phân luồng mới, thành phố cũng nên yêu cầu chính quyền địa phương ở các cung đường có khả năng xảy ra ùn ứ khi đóng cầu nhanh chóng lên danh sách các con hẻm, đường ngang có thể lưu thông để thoát ra các tuyến đường khác được. Đặc biệt, cũng phải phân loại các con hẻm, đường ngang nào cho ôtô bốn bánh lưu thông được. Từ đây, gắn bảng chỉ dẫn cũng như hạn chế loại xe.


Đồng tình với ông Nhuận, ông Hải nhấn mạnh, nếu làm được như vậy, không ít thì nhiều cũng giải toả bớt được lượng xe ở các trục đường đã được phân luồng theo kế hoạch. Và hơn hết, sẽ không xảy ra tình trạng kẹt hẻm khi các loại ôtô cố tình chui vào.


Đào Lê









Trong tháng 11, sửa chữa và thay thế ít nhất sáu cây cầu ở nội đô


Sau thời gian đóng trước hai cầu Bông và Hậu Giang, mới đây, sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đã chính thức công bố và triển khai phương án đảm bảo giao thông phục vụ thi công tiếp dự án hai cây cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè còn lại là cầu Kiệu và cầu Lê Văn Sỹ. Trong đó, ngày 9.11 cầu Lê Văn Sỹ sẽ bị đóng, ngày 23.11 sẽ tiếp tục đóng thêm cầu Kiệu. Tương tự, như ở lần đóng cầu Bông, để phục vụ việc đi lại cho người dân qua hai hướng lưu thông trên, sở GTVT cùng với chủ đầu tư dự án nên xây các cầu tạm song song với hai cầu hiện hữu.


Để phục vụ thi công bốn cây cầu trên, sở GTVT cũng đưa ra hàng loạt phương án phân luồng, phân tuyến, thay đổi biển báo, treo băngrôn, đăng trên trang thông tin của sở để người dân nắm được thông tin. Đặc biệt, khi tiến hành đóng cầu Hậu Giang và cầu Bông, sở GTVT đã thử nghiệm phân luồng và luôn theo sát để phát hiện các bất cập nếu xảy ra, đồng thời nhanh chóng điều chỉnh cho phù hợp.


Lý giải vì sao phải cùng lúc đóng bốn cây cầu – những cây cầu này đều nằm trên những tuyến đường huyết mạch của nội đô – tại cuộc họp báo 29.10 vừa qua, sở GTVT phân tích, hiện nguồn vốn ngân sách thành phố không đủ để thực hiện dự án nên sẽ lấy vốn từ dự án nâng cấp đô thị (đã được sự đồng ý của UBND TP.HCM và ngân hàng Thế giới). Theo hiệp định vay với ngân hàng Thế giới, nguồn vốn này sẽ hết hạn vào cuối tháng 12.2014, do đó thành phố giao sở GTVT phải hoàn thiện các cây cầu này trước tháng 10.2014, hai tháng còn lại là thời gian để thành phố hoàn thành các thủ tục giải ngân.


Cùng thời điểm này, ở hướng lưu thông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (hướng từ Bình Thạnh về quận 1), cầu Thị Nghè bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đang được sửa chữa. Vì thế, lượng xe qua khu vực này sẽ bị hạn chế. Đặc biệt, theo kế hoạch mà khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (thuộc sở GTVT – đơn vị quản lý cầu Sài Gòn) công bố, trong tháng 11, đơn vị này sẽ sửa chữa cầu Sài Gòn – đồng nghĩa với việc các phương tiện từ quận 2 vào Bình Thạnh và ngược lại sẽ lưu thông qua hướng cầu Sài Gòn 2.


Như vậy, trong tháng 11, khu vực nội đô TP.HCM ít nhất có sáu cây cầu phải thay thế hay sửa chữa.


Đ.T







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ