Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Ngân hàng chọn mặt gửi lãi suất

Ngân hàng chọn mặt gửi lãi suất

Ngân hàng chọn mặt gửi lãi suất


SGTT.VN - Mặc dù các tổ chức tín dụng kỳ vọng từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể giảm thêm 1%, song rất khó để lãi suất giảm đồng đều, thay vào đó, ngân hàng sẽ chọn cách âm thầm lựa khách để thoả thuận lãi suất.










Các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định luôn là ưu tiên một của ngân hàng trong cho vay. Ảnh: Lê Quang Nhật



Từ đầu tháng 10, ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhong Bank) dành ra 2.500 tỉ đồng cho vay doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi, từ 9% với VND hoặc 4,8% với USD trong ba tháng đầu tiên. Doanh nghiệp có thể vay tới 90% giá trị hợp đồng, ngoài ra còn được miễn giảm tới 100% phí chuyển tiền trong nước và quốc tế tương ứng với doanh số giải ngân.


Đây là một trong nhiều chương trình kích thích tín dụng được các ngân hàng triển khai nhằm chuẩn bị cho vụ kinh doanh dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán sắp tới.


Vẫn là công cụ lãi suất


Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tăng chưa đầy 6% trong tám tháng đầu năm, lãi suất vẫn là một công cụ quan trọng để tạo sức hút, được nhiều ngân hàng lựa chọn. Như ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), cũng trong tháng 10 triển khai chương trình “Mùa vàng kinh doanh” nhắm đến các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ 8,5%/năm trong ba tháng đầu tiên, nhằm tháo gỡ vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trong mùa cao điểm dịp cuối năm.


Hay ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) vừa triển khai chương trình lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp, còn từ 8,2%/năm đối với VND và từ 3,8%/năm đối với USD, kéo dài đến hết 31.12.2013 (hoặc đến khi hết hạn mức của chương trình)...


Cùng với việc giảm liên tục trần lãi suất huy động để tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay, các chương trình tín dụng ưu đãi liên tục được các ngân hàng tung ra cũng góp phần giảm đáng kể mặt bằng lãi suất cho vay vốn. Theo đánh giá của ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính từ giữa năm 2011 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm 7 – 10%, lãi suất cho vay đã giảm 9 – 12%/năm. Hiện lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 7 – 9%/năm, lĩnh vực sản xuất kinh doanh 9 – 11%/năm.


Với mức giảm tương đối nhanh, mạnh suốt thời gian qua, liệu rằng mặt bằng lãi suất còn có cơ hội giảm từ nay đến cuối năm? Một trong những cơ sở quan trọng để điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất là lạm phát – theo đánh giá của uỷ ban Giám sát tài chính – đã được kiểm soát ở mức thấp trong chín tháng đầu năm và ổn định hơn trong nhiều năm trở lại đây (4,63%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trong một vài tháng qua, chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh hàng hoá cơ bản, dịch vụ công và một phần yếu tố mùa vụ, mà không chịu nhiều tác động của những yếu tố cơ bản như mở rộng chính sách tiền tệ, tài khoá. Tốc độ tăng CPI trong những tháng cuối năm chủ yếu phụ thuộc vào việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản và theo nhận định của cơ quan này, lạm phát cả năm nay xoay quanh mức 7%. Do vậy, lãi suất điều hành của NHNN khó có thể giảm thêm.


Tuy nhiên, thị trường tín dụng mùa kinh doanh cuối năm vẫn chuyển động ì ạch – là một điều kiện để các ngân hàng buộc phải tính toán câu chuyện lãi suất. Không khó để thấy rằng, cuộc đua giảm lãi suất tín dụng vừa qua nhằm thu hút khách hàng vay vốn cũng quyết liệt, không kém những cuộc đua tăng lãi suất huy động nhằm hấp dẫn khách gửi tiền trong hệ thống ngân hàng trước đó.


Bởi vậy, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tại TP.HCM, cho rằng, lãi suất cho vay vốn từ nay đến cuối năm sẽ còn có cơ hội giảm, nhất là khi các ngân hàng đang còn xa mục tiêu, kế hoạch kinh doanh của năm. Kết quả điều tra được NHNN vừa công bố cho thấy, các tổ chức tín dụng đặt kỳ vọng lãi suất có thể giảm thêm 1%/năm từ nay đến cuối năm.


Chọn khách để giảm


Dẫn chứng về việc lãi suất ngân hàng đã và sẽ tiếp tục hạ, phó tổng giám đốc ngân hàng OceankBank Nguyễn Văn Hoàn, nói: “Nếu chúng ta để ý, nhóm khách hàng hộ kinh doanh trước đây thường vay nóng chợ đen để lấy vốn kinh doanh ngắn hạn trong những mùa cao điểm. Nhưng hai năm trở lại đây, các ngân hàng, trong đó có OceanBank đã hướng mạnh về nhóm đối tượng này”. Theo đó, ông Hoàn cho biết, OceanBank không chỉ cho vay, mà xây dựng một gói sản phẩm dành riêng với lãi suất hợp lý, và đặc biệt là tư vấn sử dụng các dịch vụ gia tăng để làm lợi cho chính họ. Tính đến hết tháng 8.2013, tăng trưởng tín dụng của OceanBank là 9,7%, đạt 93% kế hoạch năm 2013.


Tuy nhiên, một lãnh đạo ngân hàng tại TP.HCM nhận định, cuộc đua giảm lãi suất cho vay vốn sẽ không rầm rộ như những cuộc đua tăng lãi suất huy động, mà được thực hiện âm thầm, có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, các ngân hàng sẽ chọn khách, chọn dự án để giảm lãi suất. Như ngân hàng vị giám đốc này vừa cho vay một doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vay gần 100 tỉ đồng, lãi suất chỉ xấp xỉ 8%/năm. Trong khi đó, nhiều khách hàng khác cũng của ngân hàng này đang phải vay lãi suất 9 – 11%/năm, có khách hàng phải vay 13%/năm. “Với mức lãi suất cho vay vốn 8%/năm này, chúng tôi có thể lỗ. Tuy nhiên, đổi lại, chúng tôi sẽ duy trì được một khách hàng thân thiết, sử dụng các dịch vụ khác như bảo lãnh, thanh toán, trả lương qua tài khoản…”, ông nói.


Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng, tại Hà Nội, cho biết, mặc dù không công khai, rộng rãi, song trên thực tế, ngân hàng đang phải âm thầm giảm lãi suất cho nhiều khách hàng đang vay vốn. Ông này giải thích: “Không công bố, nên chúng tôi vẫn thu đủ từ những khách hàng làm ăn được. Trong khi đó, những doanh nghiệp thua lỗ, chúng tôi phải âm thầm giảm, miễn lãi, thậm chí chỉ mong họ trả đủ gốc đã là tốt rồi”.


Thảo Nguyễn









Chị Lưu Hải Anh, giám đốc tài chính một công ty may mặc tại Đức Giang, Hà Nội cho biết, chưa bao giờ nhận được nhiều lời chào vay vốn như vừa qua. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể về lãi suất cho vay vốn, giữa các khách hàng của cùng một ngân hàng cũng như giữa các ngân hàng khác nhau. Cùng vay vốn để nhập một dây chuyền may công nghiệp, song tại một ngân hàng chuyên về xuất nhập khẩu, chị phải trả lãi suất vay vốn 11%/năm, trong khi phải trả một ngân hàng khác 13%/năm. Cũng tại ngân hàng chị đang vay vốn lãi suất 11%/năm, có khách hàng được vay lãi suất chỉ 8 – 9%/năm. “Ngân hàng chọn mặt để gửi lãi suất thì khách hàng cũng có cơ hội chọn ngân hàng để vay vốn, hay sử dụng dịch vụ. Mặc dù nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp không lớn, chỉ 3 – 5 tỉ đồng/năm, song chúng tôi vẫn duy trì quan hệ thường xuyên với 3 – 4 ngân hàng khác nhau, để có điều kiện so sánh, lựa chọn”, Hải Anh nói.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ