Mưu sinh mùa nước nổi
SGTT.VN - Trận mưa lúc sáng sớm khiến hầu hết các hoạt động tại chợ cá Trường Xuân (huyện Tháp Mười – Đồng Tháp) như dừng hẳn lại. Khi mưa ngớt hạt, chiếc xuồng máy đầu tiên vừa ghé bến chợ, anh Lê Đức Tuấn ở xã Thạnh Lợi buông lái, xốc nhanh bao cua đồng lên bờ cân bán cho nhà vựa.
Nước đổ xuống đột ngột, rút đi nhanh, khai thác của người dân vì vậy cũng ít hơn. |
“Giá mua cua mùa này 9.000 đồng/kg, tui bán bao cua hồi nãy được hơn 200.000 đồng”, Tuấn chia sẻ. Đôi môi tái mét, nhét vội tiền vô túi rồi chạy trở lại chiếc xuồng nổ máy, anh nói với lại: “Tui chạy riết giờ phải về nhà thay đồ mới được, lạnh lắm rồi, mai gặp nữa mà…” Ông Nguyễn Hữu Tính, kinh doanh cá, cua, lươn, chuột… ở chợ Trường Xuân giải thích giùm cho Tuấn: “Mấy người đó họ lặn hụp cả đêm rồi, sáng ra lại mang những thứ gì bắt được ra đây bán lấy tiền rồi chạy về nghỉ ngơi để tối lại đi tiếp”.
Chợ Trường Xuân là chợ tự phát từ lâu đời, nhưng nhờ địa bàn giáp ranh, nơi đây gần như là chợ đầu mối thu gom thuỷ sản từ các huyện vùng lũ tỉnh Đồng Tháp như: Tam Nông, Thanh Bình, Tân Hồng… và các huyện lân cận thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang… Từ đây, các sản phẩm từ đồng nước lại đi TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ... Theo ông Nguyễn Văn Dũng, ban quản lý chợ Trường Xuân, cua đồng chiếm sản lượng lớn nhất ở chợ Trường Xuân, mỗi ngày phải có tới 5 – 6 tấn cua từ chợ này được cung cấp đi các nơi. Đầu mùa (tháng trước) giá cua dớn – bắt được bằng cách đặt dớn nên cua có nhiều kích cỡ khác nhau – chỉ khoảng 5.000 đồng/kg, cua lọp (đặt lọp bắt được) con lớn hơn thì giá khá hơn khoảng 9.000 – 10.000 đồng/kg… “Tội nghiệp, có người vác cả bao cua (20kg) ra tới chợ chỉ bán được khoảng 100.000 đồng”, ông Tính nói.
Ăn theo mùa lũ bằng 50 cặp lọp đặt cá lóc và khoảng 500m lưới 3 màng, ông Nguyễn Văn Nhiễu ở xã Phú Cường (huyện Tam Nông) cùng mấy người con trai cứ chống xuồng đi mỗi khi chiều xuống và trở về khi mặt trời mọc trở lại. Sản phẩm mang về thường là các loại cá, đôi khi còn có cả một bao rắn mối. Ông Nhiễu xoa xuýt mô tả: “Thấy ham lắm, nước ngập cao, rắn mối, chuột… chỉ còn đường lên cây để thở, mùa này bắt chuột, rắn mối giống như bắt ốc vậy”.
Hơn tháng trước, người dân vùng lũ đánh giá năm nay Đồng Tháp sẽ đón mùa lũ đẹp.
Đầu tháng 8, cá linh non đầu mùa về chợ Trường Xuân rất nhiều với giá khoảng 50.000 đồng/kg. Đến cuối tháng 9, tổng lượng cá đồng các loại về chợ mỗi ngày ước khoảng 6 – 7 tấn, cá lóc đẹp (loại 1 khoảng nửa ký/con) cũng có giá 90.000 – 100.000 đồng/kg, cá linh giữa mùa cũng khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg… dân nghèo vùng lũ cũng kiếm sống được. Nhưng đỉnh lũ dâng đột ngột trong con nước vừa rồi đã khiến sản lượng đánh bắt sụt giảm suốt cả tuần. Theo kinh nghiệm, lão nông Lê Minh Kha ở xã Tân Kiều (huyện Tháp Mười) cho rằng: “Nước đổ xuống “nột” (đột ngột) như vậy thường cũng rút đi nhanh nên thời gian nước cầm đồng ngắn lại, khai thác của người dân vì vậy cũng ít hơn”. Hớp một ngụm trà, nhìn ra cánh đồng ngập nước trắng xoá trước nhà, ông Kha lẩm bẩm: “Coi vậy chứ hổng phải dễ ăn đâu nhe!”
Ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp), lũ dâng cao trên đồng đã tạo điều kiện để nông dân nuôi gần 528ha tôm càng xanh. Giá tôm đang ở mức cao, nhưng người nuôi vẫn lo lắng diễn biến lũ thất thường: nước dâng cao đột ngột nhưng rút nhanh… và giá tôm thương phẩm mùa thu hoạch vì thế vẫn bấp bênh.
bài và ảnh: Ngọc Tùng
Mối nguy rập rình Nước lũ đột ngột đổ về mạnh từ giữa tuần rồi không chỉ làm gián đoạn mạch ăn theo mùa nước nổi của cư dân vùng lũ, làm giảm nhịp độ mua bán các sản vật mùa nước nổi tại chợ Trường Xuân, mà còn đang và sẽ tiếp tục đe doạ hơn 1.000ha lúa vụ 3 (2 – 3 tuần tuổi) của những nông dân chân lấm tay bùn tại xã này. Nông dân Nguyễn Đăng Nghĩa có 6 công lúa ba tuần tuổi đang lo về nguy cơ lũ tấn công, thở dài nói: “Khả năng mất trắng là rất lớn”. Dù nằm trong các tiểu vùng sản xuất có đê bao khép kín, nhưng chiều cao nước lũ hiện chỉ còn cách mặt đê 40 – 50cm, nếu mực nước trong nội đồng tiếp tục tăng như vài ngày gần đây, nước sẽ tràn qua rất nhiều đoạn đê. Theo ông Dương Văn Kiệt, cán bộ thống kê UBND xã Trường Xuân (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), bắt đầu từ sự chủ quan do đầu mùa lũ nước đổ về không nhiều nên người dân đã mạnh tay xuống giống lúa vụ 3, khi vừa thu hoạch xong vụ trước đó. Bên cạnh đó, những nông hộ có bảo hiểm nông nghiệp xuống giống cũng là động lực khiến nhiều nông dân khác làm theo. Ước tính trong tổng số diện tích đang bị lũ đe doạ có khoảng 40% có bảo hiểm nông nghiệp. Toàn xã Trường Xuân có cả thảy 167 hộ nghèo, trong tổng số 2.434 hộ. Tuy nhiên, mùa nước nổi chưa thực sự đem lại lợi ích cho người dân ở đây. Sản phẩm mùa nước nổi tập trung về chợ Trường Xuân, nhưng oái oăm thay nó không thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân xứ này. Thật bất công khi thương buôn chỉ ngồi một chỗ thu mua sản phẩm từ đồng nước của dân nghèo với giá rẻ, rồi ngay sau đó bán sang tay cho thương lái liên tỉnh với giá gấp đôi. Chính ông Dương Văn Kiệt (UBND xã Trường Xuân) cũng thừa nhận thực tế này, nhưng thị trường vốn là vậy. Hơn nữa, “chợ Trường Xuân không thuộc quản lý của UBND xã mà do một doanh nghiệp tư nhân đã nhận thầu khai thác toàn khu thương mại này từ huyện Tháp Mười”, ông Kiệt nói. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét