LTS: Mùa thi đại học 2013, Sài Gòn Tiếp Thị có đăng thư một bạn đọc ở quận 10 viết cho con với lời nhắn nhủ: kết quả thi cử thế nào cũng không thay đổi tình yêu mà các bậc cha mẹ đã dành cho con cái. Lần này, chúng tôi xin giới thiệu thư của một sinh viên 20 tuổi gửi cho mẹ với những trăn trở khi phải ép mình đi theo con đường gia đình đã chọn. Cả hai lá thư đều có một điểm chung: cha mẹ đừng gây áp lực học hành, thi cử lên chính con cái mình!
Xin cho con tự đi trên đôi chân mình
SGTT.VN - Thưa má, năm học mới bắt đầu cả mươi ngày rồi, sáng nay như bao buổi sáng khác con đến trường với tâm trạng bất định, và cũng như bao buổi sáng đã qua, con tần ngần trước cổng trường cả tiếng đồng hồ với câu hỏi: vào hay không vào? Cuối cùng con như kẻ chạy trốn rời khỏi ngôi trường và lang thang giữa phố xá đông người.
Trước cửa phòng thi: mỗi cá nhân có quyền tự chọn con đường vào đời (ảnh chỉ mang tính minh hoạ, không liên quan đến nhân vật trong bài viết. Ảnh: Thiên Thư |
Nhớ ngày nào con đã phải gạt nước mắt bỏ đi mơ ước từ tấm bé là được đi theo con đường của má, đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho đàn em. Hôm nhận được giấy báo trúng tuyển, má đã ôm con vừa khóc vừa lặp đi lặp lại câu nói “Má cám ơn con, con đúng là con ngoan của má”. Hai năm trôi qua, chuyện học hành của con đã làm má hài lòng, cả việc làm thêm trong nhóm event mà con tham gia, niềm hãnh diện hiện rõ lên gương mặt của má khi gặp bạn bè, thầy cô giáo và cả “nhóm đồng nghiệp” của con. Mỗi lần nghỉ hè về quê, má “tha” con đi hết nơi này đến nơi khác để khoe thành tích, mọi người chung quanh không tiếc lời khen ngợi má – khen má chứ không phải là con, vì đã định hướng tương lai đúng đắn cho con cái. Thấy má rạng ngời hạnh phúc, con cũng thấy an ủi vì cố gắng của mình không vô ích.
Cũng chính vì những thứ đó mà con như một con mọt sách, như một bà cô già giữa đám bạn trẻ trung, sôi động. Các bạn học lần lượt rời xa con vì con không thích hợp với họ, với con họ cũng chẳng hợp lắm vì mỗi khi gặp nhau các bạn dành rất ít thời giờ bàn thảo chuyện học hành mà toàn nói đến chuyện đang xảy ra chung quanh; rồi chuyện đi ăn chỗ này, đi chơi chỗ kia. Bạn học đã vậy, nhóm bạn làm event cũng không khác. Khi con gia nhập nhóm này con thấy mình rất may mắn vì toàn người giỏi, những dự án mà tụi con làm đều được khen ngợi, tiền kiếm được cũng không ít. Nhưng rồi con lại thấy mình cũng chẳng hoà hợp vì họ sống theo khẩu hiệu “làm ra làm, chơi ra chơi”, mà chơi thì như má dạy: tuổi trẻ nên toàn tâm toàn ý đầu tư vào việc học!
Thưa má, giờ con thấy mình lạc lõng giữa bạn bè, thấy cuộc sống mình sao như một cái máy. Con ghét giờ lên lớp, chỉ cần bước chân đến cổng trường là thấy như sắp bước vào nhà tù riêng dành cho mình. Nhiều hôm con cố gắng vào giảng đường, cố gắng tập trung nghe lời giảng của thầy cô nhưng tai con cứ ù ù, đầu thì tê buốt. Con biết mình đã đến giới hạn cuối cùng, nếu cố gắng thêm nữa con sẽ bứt. Đã có những ngày con trốn học đi lang thang kiếm ai đó tâm sự, nhưng tìm hoài chẳng ai là bạn bè để chia sẻ. Một hôm con đi ngoài đường như người mộng du, vô tình thấy một trung tâm tư vấn và con bước vào. Chưa có khi nào con được trò chuyện một cách thoải mái, gần gũi đến như vậy trong suốt gần bốn tiếng đồng hồ. Con rất lấy làm hổ thẹn khi được hỏi về những điều đơn giản, những diễn biến thời sự gần đây của xã hội, của đất nước, của thế giới… Hoá ra con chẳng biết gì hết ngoài những kiến thức chuyên ngành! Khi con ra về, người ta nói với con rằng: “Hãy sống cho đúng tuổi của mình”. Là sao? “Là học ra học, chơi ra chơi – dĩ nhiên là chơi phải theo con đường đúng đắn – và tham gia công tác xã hội. Những thứ đó sẽ giúp ích cho việc học lẫn việc làm”. Người ta cũng khuyên nên nói hết với má những gì con đã nói với họ ngày hôm đó. Để má con hiểu nhau hơn, để giảm áp lực tâm lý giúp con có thể bước tiếp trên con đường đang đi.
Thưa má, trong những ngày trốn học lang thang con đã suy nghĩ rất nhiều: nói với người ta thì dễ nhưng với má có được như vậy không? Bởi tất cả hoài bão của má, sự hãnh diện của gia đình đều đặt vào một mình con, giờ nói hết sự thật thì má sẽ thế nào? Con lo lắm. Nhưng nếu không thì con sẽ ra sao? Má ơi giờ này con cần lắm sự thông cảm, sự sẻ chia từ má, cần bờ vai của má để tựa vào. Xin má tha thứ cho con, xin má hãy để con được đi theo con đường mà mình mơ ước.
Mong rằng những trải lòng này má sẽ đọc, sẽ hiểu và chấp nhận cho con.
Con của má,
Nguyễn Lê Ý Hảo (tên đã được đổi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét