Bảo hiểm y tế
Quyền lợi phải rõ ràng hơn
SGTT.VN - Đó là tinh thần chung của nhiều đại biểu tham gia hội thảo “Lấy ý kiến góp ý cho dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Bảo hiểm y tế” do đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM tổ chức vào ngày 19.9.
Một bệnh nhân xem lại kết quả xét nghiệm trong khi chờ tới lượt khám tổng quát tại khu vực BHYT, bệnh viện quận 3, TP.HCM. Ảnh: Thanh Hảo |
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Khôi, phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, đối với dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn phải can thiệp để cấp cứu bệnh nhân, theo quy định của luật Bảo hiểm y tế (BHYT) mức chi trả là tối đa 40 tháng lương cơ bản cho một lần thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tế, theo ông Khôi, có những dịch vụ chữa bệnh như đặt stent mạch vành, cách chi trả như hiện nay là không hợp lý. Ông nói: “Can thiệp mạch vành là cấp cứu. Trong một lần can thiệp, nếu bệnh nhân bị hẹp mạch máu 2 – 3 chỗ, bác sĩ phải đặt 2 – 3 stent để cứu bệnh nhân, nhưng sau đó bệnh nhân lại chỉ được BHYT chi trả một stent. Chúng tôi không thể chuyển bệnh nhân lên trại rồi lại chuyển xuống để làm lại”.
Cần quan tâm đến người hiếm muộn
BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ, cũng đồng tình rằng phải tăng cường quyền lợi của người tham gia BHYT. Cụ thể, bà đề nghị BHYT cần chi trả cho điều trị hiếm muộn: “Nếu BHYT không chi trả, người dân nghèo khó tiếp cận được việc điều trị hiếm muộn. Hiện nay bất kỳ chẩn đoán, điều trị nào dính đến hiếm muộn, BHYT đều không chi trả”. Trong thực tế, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT do Quốc hội đưa ra lần này, cũng đã bổ sung việc thanh toán BHYT cho việc điều trị lé, cận thị và tật khúc xạ mắt, trừ trẻ em dưới sáu tuổi; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm hoạ. Nhưng theo BS Diễm Tuyết, cần quan tâm đến bệnh nhân hiếm muộn, vì số đối tượng này hiện chiếm 7 – 10% dân số, mà chi phí điều trị lại rất cao.
Liên quan đến quyền lợi của người tham gia BHYT, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM, góp ý Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có chính sách khuyến khích người tự nguyện mua BHYT như mô hình nước ngoài. Thí dụ người mua BHYT sau năm, mười năm chưa sử dụng BHYT lần nào sẽ được thưởng đi tham quan nghỉ mát. Ông Thịnh cũng đề xuất phải xem lại điều 35 luật BHYT về việc sử dụng quỹ BHYT, theo đó quỹ BHYT được sử dụng cho nhiều mục đích, trong đó có chi phí quản lý bộ máy tổ chức BHYT, tuyên truyền và phát triển BHYT. Ông nói: “Người dân đóng tiền để được chi trả BHYT khi có bệnh tật, vậy quy định như thế có hợp lý hay không? Muốn tuyên truyền BHYT, bảo hiểm xã hội nên có ngân sách riêng khác. Tuy nhiên, nếu vẫn muốn giữ ý này thì phải xác định rõ bao nhiêu phần trăm, chứ sau này trích 5 – 10% trên một quỹ rất lớn sẽ làm cho người dân không đồng tình. Chúng ta phải quy định cho rõ ràng bởi luật là rõ ràng”.
Yếu ứng dụng công nghệ
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng tập trung góp ý về chuyện ứng dụng thông tin trong lĩnh vực BHYT, điều mà gần như mọi người thừa nhận còn rất yếu. BS Phan Quang Trí, phó giám đốc bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, nêu thực tế trong lĩnh vực điều trị này có những loại thuốc khá đặc biệt, một năm chỉ dùng một lần, hoặc thuốc có chế độ dùng đặc biệt, thế nhưng nếu bệnh nhân được bác sĩ cho sử dụng ở bệnh viện này, bệnh viện khác lại sử dụng mà BHYT… không hề biết!
Ông nói: “BHYT cần có một hệ thống thông tin liên kết trên cả nước, phục vụ cho việc nâng cao chất lượng điều trị. Vietnam Airlines có hệ thống thông tin liên kết cả nước, ở đâu tra cứu cũng được, ngồi nhà cũng có thể mua vé”.
BS Nguyễn Thanh Hùng, phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1, cũng đồng tình: “Tôi nói chị Huyền (phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM – PV) đừng buồn, so với những cơ quan nhà nước khác, trình độ quản lý bằng công nghệ thông tin trong BHYT còn quá chậm. Nói không phân biệt đối tượng khám BHYT, chứ theo tôi là có phân biệt đâu đó. Nội chuyện đi khám BHYT mà đến khâu nào cũng phải trình thẻ, làm bao nhiêu thủ tục rắc rối, ai cũng ngán ngại. Nếu đề án ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện, bệnh nhân khám BHYT đến đâu cũng chỉ cần quẹt thẻ thôi, ra về mới phải ký thanh toán một lần thì ai cũng hài lòng”.
Trước những ý kiến của đại biểu tham dự, bà Lưu Thị Thanh Huyền, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho rằng BHYT là một chính sách an sinh xã hội, và chính sách này chỉ bảo đảm được một phần nào, không thể bảo đảm tất cả nhu cầu khám chữa bệnh của con người. Bà nói: “Với gói BHYT cơ bản như hiện nay, việc cung ứng tài chính cho ngành y tế rất khó, vì thế chúng ta cần nghĩ đến một loại hình BHYT bổ sung, có thể do Nhà nước hoặc tư nhân thực hiện. Chúng tôi cũng tính đến chuyện xây dựng gói quyền lợi BHYT cho người tham gia liên tục. Càng tham gia lâu, họ càng nhận được quyền lợi phù hợp với thời gian tham gia”.
Phan Sơn
Phát hành thẻ BHYT có mã vạch Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, vào quý 4/2013, lần đầu tiên bảo hiểm xã hội sẽ phát hành thẻ BHYT có mã vạch để người dân tiện sử dụng và giảm bớt phiền toái cho cơ sở y tế. Nhưng theo bà, đề nghị scan hình người sử dụng dịch vụ BHYT lên thẻ là khó khả thi và tốn kém. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét