Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Huyền Chíp giải đáp nghi vấn về cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”

Huyền Chíp giải đáp nghi vấn về cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”

Huyền Chíp giải đáp nghi vấn về cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”


SGTT.VN - Khi đặt bút viết “Xách ba lô lên và đi” – “Đừng chết ở châu Phi”, cô gái sinh năm 1990 Huyền Chíp - tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền - có lẽ không ngờ, mình sẽ phải hứng chịu một cơn bão nghi vấn từ cộng đồng mạng. Để rồi, gần hết thời lượng buổi ra mắt sách sáng 19.9 tại Hà Nội, Huyền Chíp đã phải trả lời vô số câu hỏi chẳng hề liên quan đến nội dung sách, và có những lúc không kiềm chế được trước những truy vấn ráo riết của các “anh hùng bàn phím”.


Trước khi đến với buổi ra mắt sách, người viết đã vào trang web của Huyền Chíp, đọc những chương đầu của “Đừng chết ở châu Phi”, và bị cuốn vào chuyến phiêu lưu mới của Huyền, tại một vùng đất xa lạ, hoang sơ, bí hiểm và có phần khó lường hơn châu Á. Cũng như thời xách ba lô đi vòng quanh châu Á, máu liều của Huyền vẫn thế. Cô gái 22 tuổi bước vào hành trình khám phá châu Phi với hành trang duy nhất là một lô những lời cảnh báo của dân phượt xuyên lục địa, những kẻ vốn “coi trời bằng vung” đã từng phải tháo chạy khỏi “châu lục đen” chỉ sau ít ngày trải nghiệm. Mà Huyền, cho đến phút đó, hiểu biết về xứ sở này bằng không, thậm chí “Phần lớn tên các nước châu Phi chưa nghe đến bao giờ”. Cũng như thời viết Châu Á là nhà. Đừng khóc!, tập đầu tiên của Xách ba lô lên và đi, giọng văn của Huyền vẫn thế, mượt mà song giản dị. Đó không phải là thứ văn chương cầu kỳ hay nhiều kỹ năng của một người xác định đi để viết, và viết cho người khác đọc, mà là đi để khám phá, và viết để lưu giữ ký ức cho riêng mình. Chính vì thế, Huyền viết rất thật, cả về những khoảnh khắc tế nhị, những phút xao lòng, những khi sợ hãi tột độ vì phải nếm trải cảm giác cô độc đến cùng cực.










Tác giả Huyền Chíp. Ảnh: nhân vật cung cấp



Qua những trang viết, cũng có thể thấy tác giả đã lớn lên rất nhiều sau chuyến đi, một chuyến đi Huyền phải phá vỡ vô số giới hạn của sự chịu đựng, nhưng bù lại là những trải nghiệm đáng giá. Đó là lần nhắm mắt nhắm mũi thưởng thức món đặc sản cao cấp của Ethiopia: thịt bò sống, tươi sống hoàn toàn, còn nguyên vị máu tanh chứ không phải đã lên men; đó là khi lần mò trên những cung đường hoang vắng và đầy rẫy hiểm nguy, để tìm cho ra bộ tộc Mursi ở South Omo, thung lũng tận cùng phía Tây Nam Ethiopia, được đánh dấu trong sách hướng dẫn du lịch bằng lời răn đe: “Tự đi đến South Omo là một điều không tưởng!”. Cô gái bé nhỏ vốn sợ bẩn đã có nhiều ngày không tắm gội, người nồng nặc thứ mồ hôi quện lẫn phân bò, thần dược của người dân địa phương, cuối cùng đã tận mắt nhìn thấy những người phụ nữ bộ tộc Mursi với cái môi có kích cỡ khổng lồ, được nong dần ra bằng cách rạch sâu, rồi nhét vào những chiếc đĩa. Một chút nhanh trí, một chút tiền “lót tay”, cộng thêm một chút may mắn, đó là cách giúp Huyền góp mặt trong những lễ hội nội bộ vừa độc đáo, vừa khiến người ngoài kinh hãi. Cô được tham gia nghi lễ nhảy bò, nơi những cậu trai mới lớn phải vượt qua thử thách cam go nếu muốn giã từ thời niên thiếu, còn những người phụ nữ thì hào hứng chìa lưng cho người đàn ông của mình quất roi, cái lưng càng tứa máu, càng nhiều sẹo lại càng giá trị. Tất nhiên, không phải lúc nào Huyền cũng gặp may. Cô cũng bị đói, bị bỏ rơi, bị lừa đảo, bị cướp… “Châu Phi với tôi là một châu lục của những cảm xúc vô cùng mãnh liệt”, Huyền mở đầu cuốn sách bằng cảm nhận rất thật. Chưa bao giờ cô gái luôn tràn trề năng lượng lại thấy yếu đuối, đơn độc, tức giận, muốn đấm vào mặt ai như thế, nhưng cũng chưa bao giờ trái tim rung động mạnh như thế trước những người tốt cô đã gặp!










Tập 2 của cuốn Xách ba lô lên và đi của Huyền Chip.



Thật tiếc, trong buổi giới thiệu sách tại Hà Nội, Huyền không có cơ hội chia sẻ nhiều về thời gian khám phá châu Phi. Cô buộc lòng phải đáp ứng những tọc mạch chứa đầy nghi vấn của cử tọa về khoản kinh phí ít ỏi cho chuyến đi, về kinh nghiệm xin visa đến 25 nước, về cách mà cô dễ dàng kiếm được việc làm tại những vùng đất xa lạ. Cô cũng buộc lòng phải đưa ra tấm hộ chiếu chi chít dấu đỏ, như một bằng chứng không ai có thể phủ nhận về những đất nước Huyền đã đi qua. Nếu như không có sự lên tiếng của hai nhà giáo uy tín: GS Nguyễn Lân Dũng và TS Nguyễn Hoàng Ánh , những người khác thế hệ nhưng cùng chung niềm đam mê khám phá những miền đất mới, thậm chí còn đi qua nhiều quốc gia hơn Huyền, bằng cả hai con đường: công tác và du lịch bụi, e rằng, cô gái bé nhỏ đã phải rất vất vả mới thoát khỏi buổi giới thiệu sách của chính mình. Và những ai đến đây vì thực sự quan tâm tới cuốn sách của Huyền chứ không phải tin đồn trên mạng, đã lãng phí thời gian!


Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của Huyền tại buổi giới thiệu sách!


Có vẻ như dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng chị vẫn không lường được buổi giới thiệu sách lại diễn ra theo hướng này?


Tôi đã nghĩ đơn giản rằng, dù sao thì đây vẫn là một buổi ra mắt sách. Trước đó, khi biết được những nghi vấn của cộng đồng mạng, tôi cũng vẫn nghĩ đơn giản: Mình đâu làm gì sai, đâu cần phải phản ứng! Nhưng rồi, để tránh cho mình, và cho bạn bè của mình khỏi một cơn lũ những câu hỏi nghi ngờ, tôi quyết định sẽ giải thích rõ mọi chuyện tại buổi giới thiệu sách hôm nay. Dù sao, đó cũng là những độc giả quan tâm đến cuốn sách của tôi. Họ có quyền được đưa ra thắc mắc.


Và tôi xin trả lời cụ thể là, hãy nhìn lại 25 quốc gia tôi xin được visa như: Nepal, Kenya, Zimbawe…, nhiều nước trong số đó không hề bắt chứng minh tài chính. Hãy nhìn lại hành trình của tôi, sẽ thấy thiếu những cái tên như Palestin, Nam Phi…, vì tôi không thể xin được visa. Cũng không có các nước phát triển như Pháp, Anh…, vì thủ tục xin visa rất khó. Còn việc tôi nói “Xin visa bằng cách ăn vạ”, đấy chỉ là một câu nói đùa khi trò chuyện với nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan trong một cuộc hội thảo.


Con số 700 USD cho hành trình khám phá 25 quốc gia cũng chỉ là số tiền tôi ước tính một cách non nớt do chưa có kinh nghiệm trước chuyến đi vòng quanh châu Á. Các báo “giật tít”, và mọi người hiểu nhầm. Nếu bắt tôi đưa ra chi phí cho mỗi chuyến đi, tôi không làm được, vì tôi đi theo kiểu, hễ hết tiền là kiếm việc làm để có tiền đi tiếp. Tôi cũng không phải đi để lấy thành tích, mà đơn giản là đi vì muốn đi, nên không hề chú ý những chi tiết ấy. Mọi người cho rằng, một cô gái như tôi không thể dễ dàng xin được vị trí host ở sòng bài. Nhưng, sòng bài của châu Phi không có quy mô như sòng bài ở Las Vegas. Và host không chỉ là tổ chức sự kiện, mà còn là thông báo loa. Sau những gì đã trải qua, tôi thấy rõ một điều, có việc làm hay không không phụ thuộc vào viêc bạn đang ở nước nào, mà phụ thuộc vào năng lực và sự kiên trì của bạn. Tôi cũng đã từng phải xin việc qua 50 ông chủ, mới có người nhận tôi vào.


Trong sách, bạn không ngại chia sẻ những hành động liều mạng, như chuyến vượt biên vào cộng hòa Malauy. Và không thể trách khi có người nghi ngại, nó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nhiều bạn trẻ?


Thực ra, tôi đã cân nhắc nhiều về việc có nên kể câu chuyện đó hay không. Tôi không đổ lỗi cho tuổi trẻ bồng bột. Tôi đã xin visa vào Malauy nhưng không được, và phí cũng rất đắt. Khi đến biên giới Malauy, thấy người dân qua lại bình thường. Thế là tôi cũng đi qua. Sang đến Malauy rồi mới giật mình: Thôi chết, thế này là bất hợp pháp. Nhưng rồi tặc lưỡi: “Mình quay lại bây giờ hay quay lại sau hai tuần nữa thì cũng có sao đâu”. Nói rõ câu chuyện này, tôi cũng mong các bạn trẻ đừng làm theo tôi.


Rất có thể bạn sẽ trở thành nguồn cảm hứng khiến không ít giới trẻ xách ba lô lên đường khám phá thế giới với 700 USD. Nếu thế thì cũng hơi... nguy hiểm?


Xin mọi người đừng đánh giá tôi quá cao. Tôi không hề kêu gọi các bạn trẻ làm theo tôi. Mỗi người đều có một con đường để lựa chọn. Tôi chỉ là đang đi con đường của mình, để được sống cuộc đời của mình mà thôi. Tôi cũng không khuyên các bạn trẻ đừng vội học đại học mà lên đường khám phá thế giới. Mà đây là trường hợp cụ thể của tôi. Nếu chưa sẵn sàng học đại học, và nếu biết chắc mình muốn gì, đang làm gì, vì mục đích gì, thì khi đó, hãy xách ba lô lên đường.


Đọc hai cuốn sách thì thấy, bạn luôn lên đường trong tình trạng không hề chuẩn bị trước, không có sách hướng dẫn du lịch, thậm chí, không biết rõ mình đang đi vào vùng thời tiết nào? Đó là vì bạn muốn mình có cơ hội trải nghiệm tối đa?


Đó cũng là một trong những lý do. Nhưng cái chính là vì lịch trình của tôi thường xuyên thay đổi vì nhiều lý do khách quan. Và có những lúc, tôi không kịp chuẩn bị gì đã phải lên đường.


Trên hành trình khám phá châu Phi, bạn đã gặp vô số bất trắc và hiểm nguy. Bạn đã xoay sở thể nào trong những tình huống có thể nói là bế tắc đó?


Đúng, có những tôi hết sạch tiền, nhịn đói hai ngày liền. Có những lúc bị cướp mà hô hoán khan tiếng cũng không ai chịu giúp. Đó là khi tôi thấy cô độc đến tận cùng, cảm giác ấy còn đáng sợ hơn là mệt và đói. Nhưng tôi là đứa luôn có lòng tin ở con người. Tôi không bao giờ tin trong thế giới này, mình lại có thể bị chết đói!


Gia đình nói gì về những cuộc phiêu lưu của bạn?


Bố mẹ tôi hiện đang sống ở quê, và ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, và cũng không biết Nepal, Brunei… nằm ở đâu, như thế nào. Thường thì chỉ sau khi tôi đã trở về, bố mẹ mới biết con gái vừa trải qua những cuộc phiêu lưu. Lần nào tọi gọi về nhà từ những đất nước xa xôi, mẹ tôi cũng buồn, muốn con gái ổn định cuộc sống, và lấy chồng. Tôi đã nghĩ nhiều về điều ấy. Tôi thấy day dứt khi làm bố mẹ buồn phiền. Nhưng nếu như vâng lời, thì sau này có lẽ tôi sẽ hối tiếc cả đời. Nên, tôi lại xin bố mẹ cho tôi tự do vài năm nữa…


Sau hành trình châu Phi, bạn cũng vừa khám phá ba quốc gia châu Mỹ. Sẽ có một cuốn sách mới về châu Mỹ sắp ra đời chứ?


Tôi đang có cảm hứng viết sách, vì vừa kết thúc chuyến đi. Nhưng nghĩ tới những buổi ra mắt sách như thế này, thì cũng thấy ngại ngần!


Hương Lan (thực hiện)









Sau buổi ra mắt sách tại Hà Nội, Huyền Chíp sẽ tiếp tục có những buổi ra mắt sách và giao lưu: tại Đà Nẵng vào ngày 21.9; tại hội trường báo Mực Tím (số 12, Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP.HCM) vào ngày 22.9 và tại Hải Phòng vào ngày 28.9.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ