Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Thưởng người tố cáo tiêu cực – “của cho và cách cho”

Thưởng người tố cáo tiêu cực – “của cho và cách cho”

Thưởng người tố cáo tiêu cực – “của cho và cách cho”


LTS: Như tin đã đưa, ngày 16.8, lãnh đạo sở Y tế Hà Nội đã tiến hành khen thưởng cho ba cá nhân tố cáo sai phạm tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Đó là chị Hoàng Thị Nguyệt, Khuất Thị Định và Phan Thị Nam Đông. Hình thức khen thưởng là giấy khen cùng với số tiền 320.000 đồng cho mỗi cá nhân.


Cho dù việc khen thưởng này cũng đã khiến những người được khen xúc động. Chị Hoàng Thị Nguyệt cũng đã khóc. Nhưng với đa số những người hiểu chuyện, việc khen thưởng này gây nhiều thất vọng. Nhất là khi nó chỉ được làm sau khi có yêu cầu của bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị và theo tường thuật của phóng viên các báo, việc này được làm khá hời hợt: làm nhanh chóng, qua quýt, không tặng hoa, không chụp ảnh...


Như là không khuyến khích


Đa phần người đứng ra tố cáo một hành vi, việc làm tiêu cực của cơ quan, đơn vị nào đó không mong sẽ nhận được sự khen thưởng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhưng ngược lại, việc khen thưởng chậm trễ và ở mức quá thấp so với tính chất quan trọng của vụ việc, một mặt nào đó, sẽ không khuyến khích các cá nhân đứng ra chống tham nhũng, tiêu cực.










Sở Y tế Hà Nội trao thưởng cho các cá nhân tố cáo sai phạm vụ bệnh viện Hoài Đức.
Ảnh: VOV



Nếu chiếu theo quy định trong thông tư liên tịch số 03/2011/TTLT-BNV-TTCP của Thanh tra Chính phủ và bộ Nội vụ quy định về việc khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng (có hiệu lực từ ngày 21.6.2011), và coi vụ việc trên là một việc làm tố cáo hành vi có tính chất tham nhũng (có cơ sở coi đây là hành vi như vậy) thì mức thưởng nói trên đã thấp hơn quy định của Nhà nước.


Cụ thể, thông tư liên tịch 03 trên quy định việc khen thưởng tương đương với bốn mức thưởng: huân chương Dũng cảm có mức thưởng bằng 30 lần mức lương tối thiểu (tương đương 24,9 triệu đồng); bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, mức thưởng bằng 20 lần mức lương tối thiểu (tương đương 16,6 triệu đồng); bằng khen cấp bộ, mức thưởng bằng 10 lần mức lương tối thiểu (tương đương 8,3 triệu đồng) và mức thấp nhất là: giấy khen, mức thưởng bằng ba lần mức lương tối thiểu (gần 2,5 triệu đồng).


Số tiền thưởng mà sở Y tế Hà Nội trao đã không bằng số lẻ của mức thưởng thấp nhất.


Ở nhiều trên thế giới, ngoài việc có những cơ chế bảo vệ nghiêm ngặt cho người tố cáo, phần lớn đều quy định việc thưởng cho những người tố cáo hành vi tiêu cực, tham nhũng ở mức khá cao để khuyến khích, động viên người tố cáo. Đặc biệt, có nước như Thái Lan, người tố cáo hành vi tham nhũng được nhận 1/3 của số tiền tham nhũng mà tổ chức, hay cá nhân có hành vi tham nhũng đó gây ra. Bởi vì, người Thái có quan điểm là: thà chi mạnh như vậy để khuyến khích người tố cáo và vẫn còn thu lại được 2/3 số tiền và giá trị tài sản bị tham nhũng còn hơn mất không số tiền thuế của người dân, doanh nghiệp vào tay kẻ tham nhũng.


Ở nước ta thì trong những năm gần đây, việc tuyên dương, khen thưởng người tố cáo thực tế đã làm tốt hơn các năm trước. Năm 2012, UBND TP.HCM cũng đã có quy chế khen thưởng cho người tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực từ 1 – 10 triệu đồng; nếu tố cáo hành vi tham nhũng nghiêm trọng, có số tài sản tham nhũng thu hồi cao, cá nhân, tập thể tố cáo sẽ được xét thưởng cao hơn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


Trong ba năm trở lại đây, ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng cũng đã tổ chức các lễ khen thưởng cho các cá nhân tố cáo tham nhũng, tiêu cực với nhiều mức khen thưởng khác nhau, trong đó nhiều mức từ 5 – 10 triệu đồng.


Do đó, về mức thưởng cũng như cách thưởng cho người tố cáo của sở Y tế Hà Nội, có thể nói, chưa đạt “chuẩn”. Nó không thể hiện sự khuyến khích cho những người đã dũng cảm tố cáo mà dường như có ngầm ý: chúng tôi không khuyến khích các việc làm tố cáo như thế này!


Mạnh Quân









Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa


Khen thưởng là vì cả hệ thống


Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, phần thưởng cho người dũng cảm tố cáo lại cái xấu chỉ là tượng trưng, là tấm bằng khen, bức thư khen thôi, quan trọng hơn là cách trao cho họ để thể hiện sự ghi nhận công sức của họ.


Tôi không chứng kiến cuộc trao thưởng của sở Y tế Hà Nội cho chị Nguyệt, nhưng nếu đúng như báo chí tường thuật như thế thì quả là đáng buồn. Họ chống tiêu cực tham nhũng, nhiều người họ làm không vì tiền, danh hiệu khen thưởng mà họ làm thường vì lương tâm, vì đạo đức công vụ, vì cái tốt cho xã hội. Cho nên, khi họ đã đứng lên tố cáo thì chỉ vì hai mục đích: một là cái đúng phải được thừa nhận, cái sai phải được dẹp bỏ, xử lý.


Chuyện khen thưởng vì thế không phải vì họ mà vì cả hệ thống, cần khen thưởng để phát huy cái tốt, ca ngợi, khuyến khích họ đứng lên chống lại cái xấu. Khen thưởng là vì xã hội chính là ở chỗ đó.


Cũng vì vậy mà khen thưởng phải là trách nhiệm của người lãnh đạo chứ không phải vì người được khen thưởng.


Thứ nữa, một khi đã khen thưởng, thì ông bà ta hay nói: của cho không bằng cách cho. Hình thức thể hiện sự tôn trọng, trân trọng. Do vậy, nhiều khi chỉ là tấm bằng khen, bó hoa, kể cả không có đồng nào cũng thể hiện sự trân trọng. Cũng phải nói thêm, chính sách chế độ nhiều khi không có tiền, hoặc chỉ ít tiền, có khi chỉ là bức thư của tỉnh thành phố, người đứng đầu ngành.


Thế nên cách thưởng quan trọng hơn giá trị thưởng. Nếu không làm được thì mình phụ lòng họ và thể hiện không đầy đủ trách nhiệm với xã hội. Bởi như nói ở trên, khen thưởng cái tốt là vì lợi ích của xã hội, của chế độ, của Nhà nước, để nhân dân càng có niềm tin mà làm đúng làm tốt, chống lại cái xấu.


T. Đức (ghi)










Y đức giá rẻ


Cách trao thưởng không đầy đủ tư cách hành chính để khuyến khích, nhân rộng gương điển hình; không hề có một câu ra hồn về việc này trên phông màn ở hội trường; không gian trao thưởng như làm cho có và có phần nào đó muốn không trưng bày phần ghi nhận công lao của những con người dám vạch mặt “lũ quỷ” núp sau tấm áo trắng có sứ mệnh nhân đạo cứu người.


Việc khen thưởng nói cho cùng là hình thức, nhưng nó là mệnh lệnh hành chính đúng đắn trong lúc này, không thể để các chị bơ vơ với tấm lòng trung trinh mà chỉ nhận được 320.000 đồng. Một con số mà người ta dễ dàng suy nghĩ, đạo đức nghề y lẽ nào rẻ rúng như thế, phải chăng y đức đang bị “bức tử” với những lắt léo không chỉ từ lòng kẻ xấu mà từ cách cho và cả… của cho như thế này.


Quốc Nam







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ