Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Lời kêu gọi thống thiết

Lời kêu gọi thống thiết

Bác sĩ trò chuyện


Lời kêu gọi thống thiết


SGTT.VN - Bộ ba ngôi sao bóng rổ Yao Ming, siêu sao bóng đá David Beckham và hoàng tử William nước Anh đã gởi một thông điệp phim video thúc giục mọi người trên toàn cầu đừng ủng hộ việc buôn bán sừng tê giác (báo Mirror News, 14.2.2014).










Yao Ming (trái), hoàng tử William (giữa) và David Beckham. (Mirror News, 14.2.2014)



Hoàng tử William nói: “Cùng hợp sức, chúng ta có thể cứu lấy các con tê giác hoang dại. Việc mua bán chấm dứt, việc giết hại cũng sẽ ngưng”. Beckham bổ sung: “Yêu cầu các bạn bè và gia đình đừng mua sừng tê”.


Giáo sư Harold Varmus, chuyên gia ung thư hàng đầu có một thông điệp rõ ràng: “Bột sừng tê giác không có tác dụng điều trị ung thư”. Y học cổ truyền Trung Quốc không dùng sừng tê giác trị ung thư. Buồn cho Việt Nam mang tiếng xấu giết hại loài vật kỳ lạ dễ thương này.











Sừng tê không phải vị thuốc


Thông điệp. Ngày Tê giác thế giới 22.9.2011 từ Úc đến Zimbabwe có thông điệp vang dội: “Sừng tê không phải là vị thuốc, không trị khỏi bệnh gì”. Lời nhắn dẫy đầy trên mạng của các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã.


Đâu là cơ sở? Nghiên cứu của công ty dược khổng lồ và uy tín Hoffman – La Roche, thực hiện từ năm 1980, với danh nghĩa của quỹ Thế giới hoang dã, cho kết quả công bố năm 1983: “Sừng tê giống như móng tay, lông, tóc, không có tác dụng chống đau, chống viêm, chống co thắt và cũng không có tác dụng kháng khuẩn để chống viêm mủ và vi khuẩn trong ruột” (tạp chí Environmentalist tháng 3.2011). Nghiên cứu thứ hai thường được trích dẫn là của hiệp hội Thảo cầm Luân Đôn năm 2005. Người phát ngôn, tiến sĩ Raj Amin nói: “Không có cơ sở cho thấy bất cứ chất cấu tạo nào trong sừng tê có dược tính. Về mặt y học thì cũng như bạn gặm chính móng tay mình”. Đại học Trung Quốc tại Hong Kong có nghiên cứu “Các tác dụng kháng nhiệt của sừng tê và sừng các động vật khác” được công bố năm 1990. Với chuột được gây sốt ở labô, chích liều có nồng độ thật đậm đặc của tinh chất sừng tê chỉ làm giảm nhiệt nhẹ tạm thời, không thấy có tác dụng giải nhiệt ở liều tương ứng ở người.


Không trị được ung thư


Tiếng nói của chuyên gia sừng sỏ. Giáo sư Harold Varmus đoạt giải Nobel Y học năm 1989 do những nghiên cứu về bệnh ung thư, hiện là viện trưởng viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ, khẳng định: “Chúng ta không có bằng chứng là bột sừng tê giác có ích lợi gì và không có cơ sở để dùng điều trị bệnh ung thư”, “Có điều chắc chắn là con vật lạ kỳ đẹp đẽ này sẽ chịu đau đớn rồi chết đi để sản xuất ra bột sừng tê”.


Y học cổ truyền Trung Quốc. Năm 2011 hội Y học cổ truyền Trung quốc và hội Châm cứu và y học Đông phương tại Hoa Kỳ có nhận định chống lại việc lạm dụng sừng tê: “Y học cổ truyền Trung Quốc có dùng sừng tê điều trị sốt thương hàn, động kinh… các xáo trộn khác từ hàng ngàn năm. Tuy nhiên, vài người và vài tổ chức đã gán các tác dụng y học quá đáng cho sừng tê. Không có chứng cứ là sừng tê có hiệu quả chữa ung thư” (Africa Check 22.9.2012). Huijun Shen, chủ tịch hiệp hội Y học cổ truyền Trung Quốc nước Anh đã giải thích cho tạp chí khoa học uy tín Nature: “Y văn Trung Quốc trong gần 2.000 năm không có ghi nhận sừng tê trị ung thư”. Từ năm 1993, Trung Quốc đã cấm dùng sừng tê trong y học cổ truyền và bày tỏ quyết tâm bảo vệ động vật hiếm quý.










Giáo sư Harold Varmus.



Người Việt Nam tin là sừng tê trị hết ung thư. “Dùng sừng tê để trị khỏi ung thư chỉ là từ lời đồn đại từ Việt Nam khoảng sáu, bảy năm nay. Bột sừng tê đã trị khỏi ung thư của một quan chức lãnh đạo. Bệnh nhân đặc biệt này không được nêu tên, cũng không có chi tiết nào về việc ung thư được trị khỏi. Lời đồn kéo dài đến nay, lan truyền nhanh chóng và giá cả sừng tê tăng vọt. Nhu cầu vượt mức phát xuất từ cách dùng không truyền thống và không cơ sở như là điều trị bệnh ung thư” (RhiNoremedy 2014).


Lời đồn ác hại. Dự luận báo chí quốc tế cho rằng “mê tín” sừng tê của người Việt Nam đã tạo nên sự gia tăng việc săn tê giác chưa từng có ở châu Phi và châu Á. Báo Guardian ngày 25.11.2011 chạy tít Lời đồn đãi trị khỏi ung thư đã giết tê giác ở Việt Nam. Việc mê tín bột sừng tê trị ung thư làm nhu cầu tăng vọt, đẩy mạnh sự diệt chủng loại thú này. Steve Broad thuộc nhóm TRAFFIC bảo vệ hoang dã, nói: “Chúng tôi ghi nhận nhu cầu lạ kỳ ở Việt Nam, chúng tôi nghĩ Việt Nam là điểm đến cuối cùng của sừng tê”. Bác sĩ Naomi Doak, điều phối chương trình TRAFFIC Mekong nhận định: “Có nhiều thuốc cổ truyền chứng tỏ có khả năng điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh, cứu sống hàng triệu người, nhưng sừng tê giác thì không. Đây là một huyền thoại nguy hiểm cho cả thế giới hoang dại lẫn con người”.


Ung thư biết sớm trị lành. Tôi có một thân chủ cũng là một người bạn. Ông bị ung thư tuyến tiền liệt, giai đoạn sớm. Có biết bao lời khuyên, bao nhiêu lời bày biểu thuốc này thuốc nọ. Tôi khuyên nên mổ ngay, ông hơi chần chờ: “Nán thêm vài tháng để dùng sừng tê giác được không?” Rồi ông cũng chịu mổ sớm. Đánh giá và xét nghiệm sau mổ tốt, tôi chia sẻ: “Thật mừng, như vầy đừng nghĩ kết quả chỉ năm năm, phải tính mười năm trở lên”. Tôi biết ông có dùng thêm sừng tê giác sau mổ. Quá năm năm ông vẫn khoẻ. Nghe đâu ông khoe là nhờ sừng tê giác mà khỏi bệnh luôn rồi. Nhiều người tin lắm. Tôi không chia sẻ chuyện này. Tôi có theo dõi các người bị các loại ung thư khác nhau. Không thấy ai chỉ dùng “thuốc thần sừng tê” mà khỏi bệnh. Có người biết bệnh sớm mà tin sừng tê nên để bệnh trổ trễ mới chịu điều trị chính quy bài bản. Thật uổng! Bác sĩ Albert Lim Kok Hooi, một chuyên gia ung bướu Malaysia, nhận định: “Cái gì có tác dụng đủ thứ thì chẳng có tác dụng gì cả”.


Ngày nay, nên biết các phương tiện chẩn đoán mới giúp định bệnh lúc còn sớm. Bây giờ các cách điều trị hiện đại đã sẵn trong tầm tay. Ung thư biết sớm trị lành mà.


Lời nhắn gởi thống thiết: Đừng để Việt Nam mang thêm tiếng xấu diệt chủng loài tê giác. Bị ung thư mà mê tín sừng tê thì hại mình và góp phần giết hại loài vật dễ thương.


GS.BS Nguyễn Chấn Hùng









Không phải ở Trung Quốc mà là Việt Nam có cơn thèm khát sừng tê vô cùng lớn. Giá sừng tê là 100.000 USD/kg, mắc hơn vàng (theo The Atlantic, đầu năm 2014). Năm 1998, giá chỉ có 200 – 500 USD/kg. Trong khoảng 1990 – 2007, mỗi năm chỉ có khoảng 15 con bị săn giết tại Nam Phi, nơi có 2/3 số tê giác ở Phi châu. Chuyện đã đổi thay, năm 2008 có 83 con bị giết, năm sau 122 con. Ở Nam Phi, 668 con bị săn giết năm 2012, tăng gấp rưỡi so với năm 2011. Giữa năm 2013 Nam Phi mất thêm 290 con, tính ra hai con mỗi ngày.


Bọn săn thú đã cải tiến kỹ thuật săn: dùng máy bay trực thăng, thiết bị nhìn trong đêm tối, để thoả mãn nhu cầu sừng tê giác gia tăng ở Đông Á, nhất là Việt Nam. Con tê giác cuối cùng ở Mozambique đã chết, bị các thợ săn cắt sừng máu chảy đến chết. Các vườn quốc gia của Việt Nam thì không phải lo: năm 2010, con tê giác cuối cùng loại Java đã chết, con vật bị đạn ở chân, sừng bị cắt mất!







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ