Xuất siêu tháng 1 thật siêu: 1,4 tỉ USD
SGTT.VN - Một báo cáo chính thức của tổng cục Hải quan công bố ngày 14.2 trên website của tổng cục này đã thông báo một con số hết sức bất ngờ: tháng 1.2014, Việt Nam xuất siêu 1,44 tỉ USD. Đây là mức tăng trưởng rất đột biến, vì cả năm 2013, theo số liệu của tổng cục Thống kê và bộ Công thương, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt khoảng 863 triệu USD.
ĐTDĐ là một trong những mặt hàng góp phần vào xuất siêu cho Việt Nam. Trong ảnh: kiểm tra bo mạch ĐTDĐ tại nhà máy Samsung Việt Nam. (Nguồn dữ liệu: tổng cục Hải quan) Ảnh: Minh Phúc |
Mặc dù con số xuất siêu của năm 2013 như vậy cũng đã được đánh giá tốt vì trong nhiều năm trước, Việt Nam luôn ở tình trạng nhập siêu rất lớn, và nhập siêu thường được coi là một yếu tố gây mất ổn định kinh tế vĩ mô thì con số xuất siêu của tháng 1 lớn ở mức như vậy là một vấn đề rất đáng chú ý. Nhưng, liệu con số trên có chính xác?
Cụ thể, theo số liệu thống kê của tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước trong tháng 1.2014 đạt 21,48 tỉ USD, giảm 9,9% so với tháng trước và giảm 3% so với kết quả thực hiện của tháng 1.2013. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 11,46 tỉ USD, với tốc độ giảm lần lượt là 1,5% và 0,8%; tổng kim ngạch hàng hoá nhập khẩu là 10,02 tỉ USD, giảm 17,8% và giảm 5,5%.
Trong tháng đầu tiên của năm 2014, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu tới 1,41 tỉ USD và khối doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước thặng dư 31 triệu USD. Do đó, về tổng thể cán cân thương mại hàng hoá trong tháng 1.2014 của cả nước thặng dư 1,44 tỉ USD.
Con số xuất siêu trên gây ngạc nhiên còn vì, trong tháng 1, nếu theo ước tính của bộ Công thương, Việt Nam nhập siêu khoảng 100 triệu USD, căn cứ theo những số liệu ước tính ban đầu, có tham khảo của tổng cục Hải quan. Trong khi đó, báo cáo chính thức về tình hình kinh tế – xã hội tháng 1 của tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 1 đạt khoảng 10,3 tỉ USD và kim ngạch nhập khẩu tháng 1 đạt 10,4 tỉ USD. Tức là theo tổng cục Thống kê, tháng trước, cả nước không những không xuất siêu mà còn nhập siêu khoảng 100 triệu USD. Tổng cục này còn tính toán cụ thể là mức nhập siêu đó bằng 0,97% kim ngạch hàng hoá xuất khẩu.
Các số liệu thống kê của ba cơ quan đầu mối quan trọng nhất về cung cấp thông tin liên quan đến xuất, nhập khẩu, liên quan đến một chỉ số rất quan trọng của nền kinh tế đang gây nghi ngờ lớn? Vậy cơ quan nào là đúng, số liệu nào là chính xác, đang cần được lãnh đạo các bộ, ngành trên chỉ đạo, làm rõ, tránh tình trạng sai lệch quá lớn trong việc công bố số liệu thống kê. Chỉ số thống kê xuất, nhập khẩu là một dữ liệu rất quan trọng nên nếu nó sai lệch và bất nhất, sẽ gây ra những hậu quả không nhỏ.
Cho dù gần đây, những tín hiệu cho thấy Việt Nam đang chuyển mạnh từ tình thế nhiều năm liên tục nhập siêu, chuyển sang thời kỳ xuất siêu nhờ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến. Nhờ tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là vào các ngành sản xuất: điện thoại, linh kiện điện thoại, điện tử… nhưng con số xuất siêu 1,44 tỉ USD trong một tháng như tổng cục Hải quan công bố là con số quá ấn tượng và vì thế, rất cần phải kiểm tra lại, đảm bảo sự chính xác. Ở đây cũng phải nói thêm, các con số do bộ Công thương và của tổng cục Thống kê công bố cũng phải kiểm tra lại do đó là những con số công bố dựa trên ước tính ban đầu. Còn con số của tổng cục Hải quan mới công bố ngày 14.2 có thể có những bổ sung, cập nhật đầy đủ hơn. Nhưng dù sao, con số 1,44 tỉ USD xuất siêu cũng là con số rất bất thường, cần phải được tổng cục Hải quan, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khác, đặc biệt là bộ Công thương để kiểm tra, đối chiếu kỹ, công bố công khai, đầy đủ các dữ liệu chi tiết để chứng minh.
Nếu như xuất siêu thực đạt 1,44 tỉ USD thì đây là một tín hiệu rất tốt đẹp cho tháng đầu của năm 2014, cho dù, có thể, trong các tháng sau, rất khó có thể đạt con số tương tự, thậm chí, một tháng đạt xuất siêu 400 triệu USD, số lẻ của con số trên thôi, cũng đã là điều rất đáng mừng. Bởi mặc dù có sự chuyển dịch đáng kể về cơ cấu xuất khẩu, có sự kiểm soát chặt chẽ hơn với các nhóm hàng hạn chế nhập khẩu nhưng cơ bản, xuất khẩu hàng Việt Nam nhiều năm nay vẫn chủ yếu xuất là xuất thô, giá trị gia tăng thấp; nhập siêu từ Trung Quốc vẫn quá lớn... Nên để đạt được một tỷ lệ xuất siêu cao, bền vững vẫn là một yêu cầu rất khó khăn. Và thực tế, có tháng xuất siêu, tháng sau lập tức nhập siêu... là điều vẫn thường thấy trong năm 2013 và câu chuyện như vậy, rất có thể sẽ lặp lại trong năm 2014, khi nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất đang có dấu hiệu hồi phục tăng nhanh hơn.
Mạnh Quân
Nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, phó cục trưởng cục Xuất nhập khẩu, bộ Công thương Trần Thanh Hải cho biết, con số xuất siêu kỷ lục này chưa thể hiện nền kinh tế đã qua khó khăn. Thưa ông, tổng cục Hải quan công bố, trong tháng 1 vừa qua, cả nước xuất siêu hơn 1,4 tỉ USD. Vì sao chúng ta đạt được kết quả này? Thực ra chúng ta đã xuất siêu từ năm ngoái rồi, không phải tự dưng tháng 1 năm nay mới xuất siêu, mà nối tiếp từ tháng 10, 11, 12.2013. Nếu nhìn vào kim ngạch chung thì rõ ràng tháng 12 do vào gần tết nên nhịp độ xuất khẩu có giảm xuống. Tôi chưa có danh sách chi tiết nhưng dựa vào những số liệu gần đây thì có các mặt hàng điện thoại di động, các thiết bị điện tử, máy vi tính, dệt may, da giày… là những mặt hàng có kim ngạch lớn trong thời gian gần đây. Ông đánh giá thế nào về mức xuất siêu này? Điều đó thể hiện chính sách điều hành xuất nhập khẩu, kinh tế vĩ mô nói chung hiện nay đang đi đúng hướng. Thứ hai là sự nỗ lực của doanh nghiệp, vượt qua khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng như thế này. Cả kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vẫn tạo ra nguồn hàng xuất khẩu rất lớn. Tức là thể hiện kinh tế qua khó khăn? Nếu nói đã qua khó khăn thì chưa, xuất khẩu chỉ là một chỉ tiêu đóng góp mà thôi. Xuất khẩu nói riêng tương đối tích cực như thế chứ không thể hiện chung của nền kinh tế. Việt Anh |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét