Chuyện cuối tuần
Đi chùa để nhìn lại quê hương
SGTT.VN - Nhân dịp đầu năm, tôi đến thăm thầy Thích Phước An, chùa Hải Đức, Nha Trang. Thầy hỏi tôi về các chị gái ở nước ngoài, tôi nói năm nay các chị đều về chùa đón tết. Thầy gật gù: “Ừ, đến chùa để nhìn thấy quê hương”. Bỗng dưng tôi thấy mắt cay.
Ảnh: TLSGTT |
Đi lễ chùa đầu năm là một tập quán đẹp, là dịp người lớn cũng như trẻ em hướng về những điều thiện lành, tới lòng từ bi, hỉ xả. Đi lễ chùa tết, còn để dâng lên Phật, trời, tổ tiên lời cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, gia đình ai ai cũng khoẻ mạnh, an vui.
Thế mà giờ đây, dịp rằm tháng giêng này, tôi sợ hãi vì chứng kiến cảnh người chen lấn xô đẩy để xin ít lộc (đồ thờ cúng), vì thấy tiền lẻ vất khắp nơi, có kẻ còn thấm nước miếng dán lên mặt tượng! Thùng công đức, cúng dường bày dàn hàng... Chưa kể, suốt cả tháng nay, không ngày nào không đọc được tin người ta thay tượng lớn, thêm tượng to để tăng thùng quyên tiền, người ta còn gia tăng các dịch vụ: đổi tiền lẻ, khấn thuê, bưng lễ thuê… Nhà chùa tổ chức in ấn các loại sớ. Đình, đền cũng in ấn sớ để… bán. Mỗi khi chùa, đình tan lễ, những đống rác khổng lồ chất đầy, vung vãi khắp nơi.
Mỗi năm, những kẻ mua thần bán thánh ngày càng đông hơn; con người ngày càng chấp nhận điều tồi tệ hơn do chính mình tạo ra ở chốn tâm linh; cư xử, hành động ngày càng mông muội hơn, chỉ mong có được một lời hứa từ đấng linh thiêng vô hình nào đấy mà không biết mình đang bị lợi dụng niềm tin.
Tín ngưỡng vốn là một sự cứu rỗi khi con người không còn phân biệt được thật giả, xấu tốt, khi niềm tin vào sự thật không còn... nhưng hôm nay ngay cả chốn linh thánh cũng bị biến thành “chợ tâm linh”, nơi người ta mua bán, đổi chác... Đau đớn thay, tất cả mọi người đều bị lừa và có khi họ cũng biết mình bị lừa.
Nhưng cũng có thể trong số những con người đang hùa theo hiệu ứng đám đông để tự dối lòng, vẫn còn những người mang đến lời cầu nguyện từ đáy lòng của họ.
Ngày rằm, tôi lại đưa con tôi đi chùa.
Để mong cầu tìm lại quê hương.
Ngân Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét