Hơn 600 ca mắc sởi tại 5 tỉnh thành
Đợt dịch này có cả những trẻ dưới 9 tháng tuổi, thậm chí mới 2,5 tháng tuổi. Và theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (Hà Nội), việc trẻ dưới 9 tuổi bị sởi là điều đáng suy nghĩ.
Nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi nhập viện vì sởi
Ngày 8.2, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, từ đầu năm đến nay ghi nhận nhiều trường hợp có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi tới khám tại các bệnh viện ở 5 tỉnh thành và theo báo cáo mới nhất, đã ghi nhận 621 ca dương tính với sởi tại 5 tỉnh thành là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Yên Bái, Lào Cai và Sơn La, trong đó khoảng 80% bệnh nhân chưa được tiêm phòng. Nguy cơ dịch lan rộng vẫn rình rập, bởi thời tiết đông xuân lạnh ẩm tạo điều kiện cho loại vi rút này phát triển.
Điều tra dịch tễ cho thấy hơn 80% trẻ bị sởi chưa được tiêm phòng. Ảnh: H.Hải |
Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, sởi xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm hoặc đã được tiêm một mũi lúc 9 tháng tuổi, hoặc đã được tiêm mà vì một lý do nào đó trẻ không có đáp ứng miễn dịch tốt, hoặc trẻ sinh ra từ những bà mẹ mà trước đó chưa được tiêm vắc xin sởi hay chưa từng mắc sởi. Khi tích lũy đủ lớn, số trẻ chưa có miễn dịch, sẽ xảy ra dịch. Bệnh thường có tính chu kỳ từ 3-5 năm.
Tại khoa Lây (BV Nhi TƯ), hiện còn 43 trẻ (trên tổng số gần 80 trẻ nhập viện trong những ngày đầu tháng Hai) đang phải nằm viện vì có phát ban sởi kèm theo sốt cao, có viêm phổi, suy hô hấp. Bệnh nhi tập trung chủ yếu ở Hà Nội, ngoài ra Yên Bái, Phú Thọ, Nam Định
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết cuối năm 2013, số bệnh nhân nhập viện vì sởi rất ít, trong 3 tháng cuối năm chỉ có 2 bệnh nhân. Nhưng từ tháng 1/2014, số lượng bệnh nhân tăng rất nhanh, riêng tháng 1 có 67 bệnh nhân nhập viện vì sởi có biến chứng, hay gặp là viêm phế quản phổi, một số suy hô hấp.
Theo ghi nhận, trong hơn 100 bệnh nhân nhập viện điều trị tại khoa, có bệnh nhi nhỏ tuổi nhất là 2 tháng rưỡi, lớn nhất là 8 tuổi còn lại phần lớn là trẻ dưới 2 tuổi. Đặc biệt, hầu hết những bệnh nhân trên 1 tuổi đều chưa tiêm phòng vắc xin sởi (27 trẻ). Ở lứa tuổi dưới 1, ban sởi không không điển hình, chăm sóc khó khăn hơn, dễ bị bội nhiễm hơn.
Các bác sĩ nhận định dịch sởi ghi nhận đầu năm nay có sự bất thường, bởi căn bệnh này thường gặp ở trẻ trên 9 tháng tuổi. Do ở lứa tuổi này, trẻ vẫn được nhận miễn dịch từ mẹ nên về lý thuyết, ít bị sởi. Chính vì thế, lịch tiêm chủng sởi cho trẻ em cũng bắt đầu từ 9 tháng tuổi trở đi. Trong khi đó, đợt dịch này có cả những trẻ dưới 9 tháng tuổi, thậm chí mới 2,5 tháng tuổi. Nguyên nhân có thee do miễn dịch từ mẹ chưa đầy đủ để bảo vệ trẻ; có thể, trước đó các bà mẹ này chưa tiêm chủng, chưa từng mắc sởi bao giờ, hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ nên khả năng bảo vệ thấp hoặc có trẻ không được bú mẹ thì cũng không có miễn dịch phòng bệnh.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (Hà Nội), việc trẻ dưới 9 tuổi bị sởi là điều đáng suy nghĩ.
Bên cạnh đó, theo ông Cảm, một phần nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát trở lại là do trong thời gian qua có một tỷ lệ nhất định bà mẹ không đưa con đi tiêm chủng vì sợ các tai biến liên quan đến vắc xin. Trong số 40 trẻ được khẳng định chắc chắn là mắc sởi tại Hà Nội thì có 31 trẻ trên 1 tuổi chưa được tiêm chủng vắc xin (trong khi lịch tiêm là 9 tháng tuổi).
Nhận biết sớm dấu hiệu sởi ở trẻ
Theo BS Lâm, tuy sởi là bệnh lành tính, tùy từng bệnh nhân mà diễn biến nặng hay nhẹ nhưng người dân không nên chủ quan, bởi biến chứng sau sởi rất nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt; thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. Tại khoa có 5 trường hợp nặng bị biến chứng viêm phổi sau sởi. Với những trường hợp này, điều trị tại viện có thể kéo dài từ 1-2 tuần tùy từng trẻ.
Vì thế, nếu trẻ có biểu hiện sốt, phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay; kèm theo viêm kết mạc mắt; viêm long đường hô hấp thì cha mẹ nên nghĩ đến bệnh sởi.
Khi trẻ đã mắc bệnh, điều đầu tiên là chăm sóc thật tốt dinh dưỡng (ăn thức ăn loãng, dễ tiêu, uống nhiều nước trái cây), hạ sốt, nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa, tắm rửa vệ sinh sạch sẽ cho trẻ (không kiêng tắm như dân gian). Không nhất thiết phải đưa đến viện mà cách ly ở nhà, chăm sóc và theo dõi sát. Nếu bé sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, có viêm phổi, suy hô hấp... thì nên đưa con đến ngay bệnh viện để tránh biến chứng nguy hiểm. Nếu cần dùng kháng sinh thì tuyệt đối tuân theo sự chỉ định của bác sĩ. Nguyên nhân gây bệnh là do vi rút vì thế kháng sinh không phải điều trị bệnh mà được chỉ định khi có biến chứng bội nhiễm vi khuẩn.
“Sởi là một bệnh rất dễ lây. Một người không được tiêm vắc xin hay chưa từng mắc sởi trước đó nếu có tiếp xúc với bệnh nhân thì khả năng bị bệnh rất cao. Khuyến cáo mọi người bất cứ ở lứa tuổi nào nếu chưa mắc sởi bao giờ hoặc chưa được tiêm vắc xin sởi đều có khả năng mắc bệnh và nên đi tiêm phòng vắc xin”. GS Nguyễn Trần Hiển nói.
Ngoài ra, để phòng lây bệnh, cần cách ly, hạn chế tiếp xúc với người sốt phát ban, tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất; thường xuyên bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng…
Theo Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét