Ăn rong ở London
SGTT.VN - Có thể đó là một bữa thịnh soạn trong nhà hàng ở khu mua sắm sầm uất Soho, hay miếng bánh mì kẹp Jamón để vừa đi vừa “thổi kèn” quanh phố, cả những buổi ăn nếm ở chợ Portobello, Camden, Covent, Borough… tất cả mang lại cho tôi những chuỗi ngày thú vị khi rong ruổi trải nghiệm phong vị ẩm thực đa văn hoá hội tụ ở thành phố mù sương.
Paella khô ở chợ Covent Garden. |
Mỗi ngày mới ở London, hai câu hỏi thường khiến tôi phải suy tính kỹ, là hôm nay đi đâu và ăn gì. Vế thứ hai luôn khó hơn, dù có quá nhiều lựa chọn: nhớ món Việt có chuỗi nhà hàng Cây tre, Cây chuối (Banana Tree), thèm món Thái có Sawasdee, đến món Hàn, Nhật, Hoa, sang Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, rồi Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ…
Paella chợ trời
Điểm đến mà tôi yêu thích khi lang thang London chính là chợ, từ chợ đường phố Portobello ở khu Notting Hill, hay Covent Garden, đến Borough, Camden Town… Ở đó, ngoài những mặt hàng mua bán quen thuộc, còn có khu vực dành riêng cho ẩm thực, mà nổi bật là món paella từ Tây Ban Nha, với chiếc chảo đường kính tới hai người ôm, có bốn quai, ngập trên ấy là sự phối trộn màu sắc từ nghêu, sò, tôm, cá, gà, đến các loại đậu, ớt, cà chua, tỏi, nấm, muối, dầu ôliu… tất cả trộn lẫn với cơm, được làm nóng toả khói nghi ngút, đấy là hình ảnh ban đầu của paella.
Trong tiếng Tây Ban Nha, “paella” nghĩa là “chảo”, được mệnh danh là món quốc hồn quốc tuý. Nhưng ở London, paella được biến hoá đa dạng cho phù hợp phong vị ẩm thực nơi đất mới. Đến chợ Portobello thì có paella nước, ở Covent Garden và Borough thì paella được nấu khô, riêng với chợ Borough, paella còn là sự phối trộn vị càri xanh của Thái, càri đỏ của Việt Nam, tạo cho món ăn nồng đượm thật ấn tượng. Cùng tên gọi paella, nhưng mỗi tiệm lại có cách gia giảm, thêm thắt các thành phần khác biệt, tạo cho món ngon này rất nhiều khẩu vị khác lạ, dễ ăn và… rẻ, chỉ 4 bảng (tương đương 130.000 đồng) là có một khẩu phần paella đủ no.
Cái thú đi ăn chợ London là thực khách được người bán mời dùng thử, thích thì mua không lại loanh quanh thử món khác.
Một tiệm bán đùi heo xông khói jamón ở chợ Borough. |
Quyến rũ jamón
Ở London, món ăn khiến tôi nghiện ngay từ lần thử đầu tiên ở chợ Borough là jamón – cũng có xuất xứ Tây Ban Nha. Jamón ngắn gọn là đùi heo xông khói, nhưng với người Tây Ban Nha, thưởng thức jamón là thưởng thức cả một văn hoá ẩm thực thú vị.
“Người Pháp có rượu vang, người Tây Ban Nha có jamón”, lời giới thiệu ngắn gọn ấy của anh thái thịt jamón ở chợ Borough khiến tôi tò mò. Nhấm nháp miếng jamón được lát mỏng như tờ giấy, vị ngọt đượm của thịt xông khói hoà quyện với béo ngậy của lớp mỡ mỏng đan trong thịt khiến các giác quan của tôi phải bừng tỉnh để rồi câu chuyện chế biến jamón níu chân tôi lại với cửa tiệm.
Mỗi giống heo khác nhau khi chế biến sẽ cho ra nhiều loại jamón khác nhau, thời gian xông khói sẽ quyết định độ ngon của món này. Nổi bật là hai loại jamón: Gourmand và Gourmet. Nguyên liệu làm Gourmand là giống heo trắng Landrace, được xông khói trong chín tháng mới bán ra thị trường. Còn Gourmet là jamón cao cấp, bởi nguyên liệu là giống heo đen Iberian quý hiếm được chăm sóc trong môi trường tự nhiên, cho ăn quả thông, nấm và các loại cỏ đặc biệt chỉ có ở phía tây của Tây Ban Nha. Khi chế biến, đùi heo phải được xông khói ít nhất trong hai năm, và giá của nó đắt gấp mười jamón Gourmand, nếu quy ra tiền Việt trung bình 1kg jamón Gourmet khoảng 15 triệu đồng!
Jamón ăn kèm bánh mì hoặc cuốn phômai, dưa gang… thực sự tuyệt hảo. Nhưng cái thú của tôi mỗi khi chọn mua jamón lại là được xem những người thợ xắt thịt làm xiếc với con dao bén ngót lát từng lát mỏng đều như máy. Để có được kỹ năng ấy, người bán thịt phải khổ luyện ít nhất một năm.
Tôm hùm Soho
Rời ẩm thực đường phố, tôi tìm đến trái tim của London là khu Soho, trong đó, tôi gọi Dean là con đường ẩm thực, bởi ở đó là một danh sách dài các nhà hàng, kiểu Việt, Ý, Anh, Mỹ, Hàn… và số 36 đường Dean là một địa chỉ đỏ dành cho người nghiện ăn tôm hùm, nơi thực khách luôn phải chờ hàng giờ đợi đến lượt phục vụ.
Mở cửa từ 12 giờ trưa đến 10 giờ 30 tối, nhà hàng này chỉ phục vụ hai món: tôm hùm và bugger, đồng giá 20 bảng. Để ăn được món tôm cho bữa tối, phải tốn thời gian chờ đợi hên là một giờ, có khi đến ba giờ. Tôi không tả về bugger ở nhà hàng này, dù cũng rất ngon, nhưng giá 20 bảng thì đắt. Riêng con tôm hùm to bằng cổ tay, ước tính hơn nửa ký với giá 20 bảng thì rất “ổn”. Trước khi ăn, phục vụ sẽ đem cho khách cái tạp dề bằng nilông được thiết kế khá vui mắt. Món tôm nướng vừa chín tới được chẻ đôi, ăn với xốt béo ngậy vị kem và phômai, cùng một ít khoai tây chiên và rau xàlách trộn chấm các loại tương ớt, muối tiêu, tabasco nếu có yêu cầu. Ăn hết con tôm ở nhà hàng Lobster and Bugger mới hiểu vì sao tín đồ của tôm hùm từ khắp thế giới về đây chờ đợi cho một bữa ăn rất đáng đồng tiền!
bài và ảnh: Lam Phong
Thực khách được mời thử món ăn ở chợ Borough. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét