Phạm Quỳnh và du ký
SGTT.VN - Xưa kia mặc dù có câu ca dao “Đi cho biết đó biết đây…” nhưng người dân quê ngại xê dịch, ngại thay đổi, ngại ngăn núi cách sông, lại nữa là thiếu thốn phương tiện đi lại. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nước ta bị cuốn vào vòng quay của thế giới, con người bị thúc bách phải đi, đi rồi lại thấy thúc bách phải viết ra những điều mắt thấy tai nghe cho người trong nước đọc. Ông chủ bút Nam Phong chắc đã có cái sở nguyện ấy nên mới mở ra đề mục “du ký” trên tờ tạp chí của mình.
Việc bác học của kẻ đi chơi
Phạm Quỳnh viết du ký có chủ đích, có phương pháp hẳn hoi. Đó là không phải làm văn, không muốn “khoe với ai cái văn chương xốc nổi”, mà chỉ muốn “đem lời thành thực mà giãi bày bàn bạc cùng quốc dân, hoặc trong lòng nhiệt thành có người cảm, lời bàn ngay có kẻ nghe, ấy là mãn nguyện vậy”. Trong cùng một năm 1919 ông đến Huế mười ngày, sau đó vào Nam Kỳ một tháng. Từ hai nơi về ông đều có hai bài viết công phu, kỹ lưỡng. Nhưng ông phân biệt tính cách hai cuộc du lịch khác nhau. Ở Huế là “đi vãn cảnh một nơi đất cũ, còn đầy những dấu tích đời xưa, mỗi bước như động đến tấm lòng hoài cổ, chạnh những nông nổi cố hương”. Ở Nam Kỳ là “một nơi đất mới, mới đủ đường: địa chất, lịch sử, văn hoá đều là mới cả; người ta đương hăm hở về đường tiến thủ, muốn bước cho chóng, lên cho mau, chưa từng bận lòng đến những nỗi thương cũ tiếc xưa, phiền xa buồn muộn”. Do hai chuyến đi khác nhau như thế nên “lời kỹ thuật tất cũng không in một giọng, đó là một lẽ tự nhiên, không lấy gì làm lạ”. Lại nữa, khi đi chơi Lạng Sơn, Cao Bằng về, trong bài viết ông lại có dịp trình bày quan niệm của mình. Thứ nhất, không cứ phải đi Tây đi Tàu mới gọi là đi “du lịch” rồi về viết “du ký”, mà đi trong nước nơi gần nơi xa cũng về viết được. Thứ hai, viết du ký nhà văn thường có lắm khoé khôn ngoan, đi ít nhưng viết ra nhiều là do lấy sách vở bù vào, nhưng ông không làm vậy. Phạm Quỳnh phân biệt văn du ký và văn khảo cứu: “Văn kỷ sự là cứ sự thực mà thuật lại, cốt lấy tự nhiên giản dị, ngoài sự thực có thể điểm chút cảm tưởng riêng, cũng là do sự thực mà phát ra, càng có cái vẻ thật thà mới mẻ lại càng hay, bất tất phải bàng sư bác tập, điển cố xa xôi làm gì. Văn khảo cứu thời là cóp nhặt các sách vở, so sánh các tài liệu, tra tìm phải cho rộng, dẫn chứng phải cho nhiều, chứng cứ càng nhiều, khảo sát càng kỹ, lại càng có giá trị; đó là việc của nhà bác học, không phải việc của kẻ đi chơi (tôi nhấn mạnh – PXN)”.
Và viết du ký, cũng như ở mọi bài viết thuộc các thể tài khác của mình, Phạm Quỳnh đều nghĩ tới sự tiến bộ, phát triển của dân của nước. Kết thúc Một tháng ở Nam Kỳ, ông viết: “Tôi càng đi du lịch trong Nam Kỳ lại càng thấy cái cảm giác rõ ràng rằng người Nam người Bắc thật là con một nhà, nếu biết đồng tâm hiệp lực thì cái tiền đồ của nước Nam ta không thể nào hạn lượng cho được”. Kết thúc Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng ông cũng nặng lòng với trách nhiệm của nhà văn ở đời là người gióng lên tiếng kêu cho mọi người nghe thấy đồng điệu mà đồng tình, đồng thanh mà đồng cảm. Tinh thần tự hào trước vẻ đẹp non sông đất nước, cùng với khát vọng thức tỉnh, thúc giục đồng bào trong nước tiến lên cho bằng người thấy ở Phạm Quỳnh cũng là tinh thần chung của các tác giả viết du ký trên Nam Phong. Đọc ông càng thấy kinh ngạc trước sức đi sức viết và sức nghĩ của một con người tưởng chỉ là “tiên sinh kính trắng” ngồi ở phòng giấy.
Kho chữ chứng tích
Đóng góp của Phạm Quỳnh và các tác giả viết du ký trên Nam Phong không chỉ là kiến thức và tư liệu, mà còn là một lối viết văn theo hướng hiện đại, cố gắng gãy gọn, khúc triết và trong sáng để cải cách dần lối từ chương khoa cử của văn chương cũ. Về mặt đóng góp cho tiếng Việt và cho văn chương Việt bằng chữ quốc ngữ thì thể du ký đã phát huy tác dụng tích cực và có ảnh hưởng lớn. Bởi vì văn du ký là kể sự tả việc, là thống kê phân tích, là suy luận diễn dịch. Cảm xúc của người viết được diễn tả cũng phải bám theo sự, theo việc, tuân theo logic của thực tế những cái mắt thấy tai nghe. Lấy thí dụ như tác phẩm Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác. Đây là chuyện kể về hành trình từ trong nước sang Bangkok, đến Hương Cảng, qua Nhật Bản, về Trung Quốc. Nguyên văn bằng chữ Hán, tác giả tự dịch ra quốc ngữ.
Tác phẩm gần hai trăm trang sách này cố nhiên vẫn có những đoạn văn bóng bẩy, biền ngẫu là điều không tránh khỏi, nhưng đó chỉ là rơi rớt của lối từ chương cũ, cái chính là ở những chỗ mô tả, trình bày về xã hội các nước mà tác giả đã đi qua. Văn đó đọc đến bây giờ vẫn mới.
Tập du ký của Phạm Quỳnh, cũng như bộ du ký của các tác giả khác đã từng in trên tạp chí Nam Phong, là một kho tư liệu quý, một chứng tích của thời gian. Chỉ mới non một thế kỷ nhưng do chiến tranh, thiên tai và nhân tai, nhiều di tích thắng cảnh đã phai mòn đổ vỡ, nhiều phong tục tập quán đã biến dạng, nay nhờ đọc lại những trang sách này người đọc còn thấy lại được, còn biết là có, biết nó khi xưa khi trước thế nào. Đọc để còn ngấm giọng văn kể văn tả văn cảm của thời đó, để nhận vào mình những suy tư gửi gắm của người viết. Đây là một cuốn sách và bộ sách giá trị, một công tích thực hiện của người biên soạn và nhà xuất bản. Ngoài giá trị tự thân, nó còn góp phần quan trọng cho việc đánh giá lại vai trò của Phạm Quỳnh và Nam Phong đối với tiến trình văn hoá xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Phạm Xuân Nguyên
Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký sưu tập các bài viết của học giả Phạm Quỳnh thuộc thể tài du ký trên Nam Phong tạp chí qua suốt 17 năm tồn tại (1917 – 1934), nhà xuất bản Tri Thức ấn hành 1.2014. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét