LTS. Tháng 7.2012, hoạ sĩ Nguyễn Kim Hoàng (nghệ danh Himiko) bị tai nạn giao thông, giập não, hôn mê nửa tháng mới tỉnh. Bài báo viết về cô sau đó gọi việc trở về từ cõi mê của cô là Tác phẩm độc đáo nhất của Himiko (Sài Gòn Tiếp Thị số ra ngày 12.9.2012). Giờ đây, chính cô đã có thể tự viết về hành trình kỳ diệu của mình.
Trời kêu không dạ
Như hai mảnh sọ tìm nhau
SGTT.VN - Tôi gặp tai nạn giao thông ngay thời điểm tác phẩm tôi bắt đầu được chú ý sưu tập với giá tốt so với người cùng thế hệ, trả được nợ ba lần thay đổi địa điểm của không gian nghệ thuật gầy dựng trong năm năm. Ánh sáng lạc quan trên con đường nghệ thuật bắt đầu hiện ra thì tôi bị nạn.
“Tôi vượt qua được chấn động tâm lý nhờ sự có mặt của người thân và những người bạn”. |
Tôi mê man chừng nửa tháng. Thực ra tiềm thức tôi không ngừng hoạt động lâu đến vậy, tôi mơ một cuộc đi chơi, về những mộng tưởng như người-đã-yêu giấu gia đình trốn học ở nước ngoài về trực suốt trong bệnh viện thì thầm bên tai. Nhưng rồi, như trong những bộ phim, tôi xốc nổi đòi chia tay, bởi nghĩ mình không thể về như cũ. Nhân duyên ấy chỉ vừa bắt đầu, bên nhau chưa trọn tuần, trước một tôi hoàn toàn khác biệt, người cũng không thể vượt qua, đã rời đi trước khi mảnh sọ tôi trở lại. Khỏi phải nói, giai đoạn đó tôi xuống dốc như thế nào. Tôi vừa nhìn thấy phép mầu, từ chối bước qua vùng sáng để quay trở lại cõi người, nếu không xảy ra chuyện-thường-tình-đó, thì sẽ là đoạn kết đẹp như phim và cõi nhân gian đã được góp thêm một chuyện thần kỳ.
Tôi vượt qua được chấn động tâm lý nhờ sự có mặt của người thân và những người bạn. Cô bác sĩ gây mê hồi sức cùng ở trọ từ mươi năm trước và mất liên lạc, đọc thấy tin tôi bị tai nạn, điều trị ở nơi cô công tác. Dù nghỉ phép nhưng cô đã tận tình theo dõi, góp ý kịp thời khi gia đình hoang mang, muốn đưa tôi sang Singapore chữa trị. Nhóm bạn học thời tuổi trẻ và những bạn trên không gian ảo cũng dành tâm đóng góp một phần. Bác sĩ, y tá nhiệt tình, nhẹ nhàng giải thích, lắng nghe nỗi sợ đau trẻ nít của tôi.
Sau mổ, biến chứng bắt đầu bộc lộ rõ, những biểu hiện trẻ con thường thấy ở người bị chấn thương não sau hồi phục là dễ khóc và khóc to. Một chị dạy yoga tình nguyện đến giúp, dạy tôi cân bằng hơi thở và cách truyền đi những năng lượng tốt bằng những suy nghĩ tích cực. Chị mời thầy đến trực tiếp hướng dẫn chị cách day ấn huyệt. Thầy là người khiếm thị, được cha là một lương y truyền lại những bài thuốc và phương pháp chữa trị tập trung vào sự cảm nhận của chính đôi tai và tay. Thầy đã chữa thành công những ca khó như tai biến và trẻ em bại não. Nhờ sự hướng dẫn của thầy, chị có phương pháp day ấn hiệu quả hơn.
Âm sắc của giọng nói tôi dần trở lại với đúng tuổi sinh học. Hơn hết là nỗi sợ rằng mình sẽ trở nên cay nghiệt hơn vì giập não phải – phần chi phối tình cảm – đã không xảy ra. Những bất cần khi xưa đã ít nhiều giảm bớt. Chị gởi cho tôi xem nhiều đường dẫn các bài viết hay trên mạng, giúp tôi cân bằng tâm trí. Như bài viết của tiến sĩ Jill Bolte Taylor, nói về sự trải nghiệm của bản thân khi não trái bị tai biến đã trở về như trẻ nhỏ, phải học lại mọi thứ từ đầu…, rằng người gặp tai biến thường thua cuộc do người thân họ không thấu hiểu để có thể kiên nhẫn dịu dàng, mau nản lòng, bỏ cuộc.
Tôi bắt đầu hiểu hơn về điều mình đang trải, không còn tự trách đã xốc nổi đánh mất phép-mầu-của-tình-yêu. Xoa dịu mảnh sọ những ngày nằm lạc loài lạnh lẽo, như lời khuyên của người lương y sau khi châm cứu cơ mặt đã lăn xoay con trỏ massage nhẹ nhàng ngay ranh giới vùng sọ bị cắt, rằng phải yêu thương xoa dịu nó. Thời điểm bác sĩ trực tiếp ca phẫu thuật cũng đã nói vẫn có khả năng hai mảng sọ lạc nhau lâu ngày từ chối, không chấp nhận nhau.
Tôi vẫn lưu những dòng chữ người ấy ghi chi tiết từng ngày diễn ra để khi tỉnh lại tôi không mất đi ký ức. Dẫu thế nào, nỗi ơn người vẫn là điều tôi gìn giữ. Ghi chép về sự lo lắng của người thân, những kêu gọi hướng về tôi của bạn bè trên thế giới ảo giúp tôi nhận ra rằng việc quay trở lại cõi người là một nhân duyên lớn. Tôi không còn thốt ra nghĩ suy dại dột rằng tôi muốn rời đi trong thời khắc hạnh phúc nhất, không hay biết về điều đau đớn… Tình người giúp tôi nhận ra tai nạn này là một trải nghiệm quý báu mà không phải ai cũng được kiểm chứng, về mối quan hệ giữa người và người, tình thân, những nguồn sáng trong suy nghĩ có thể chuyển hoá thành năng lượng tốt và truyền đi…
Nhìn lại tuổi trẻ của mình cũng có lúc bi quan cùng cực, cũng vài khi ủ rũ bâng quơ, cũng nhiều khi háo hức dấn bước lang thang... tôi thực sự muốn mình có thể chia sẻ, lắng nghe, như lời dặn của một nhân duyên, “đừng làm tổn thương tuổi trẻ”. Vì biết, hiếm ai có thể thành công khi đơn độc hay tuyên bố mình chẳng cần đến con người. Nhưng giờ trước mặt tôi nào chỉ là đường dài, mà là đoạn dốc cao, và tôi, đang bò lên lại từ đầu.
Vài người nói tôi đang trải thử thách khắc nghiệt ở chốn nhân gian. Giờ thành công hay thất bại là nhân duyên tôi lựa chọn, là tâm thế bước đi trong cõi người này.
Himiko Nguyễn – ảnh nhân vật cung cấp
Sau điều trị giập não sẽ có thay đổi tâm tính TS.BS Huỳnh Lê Phương, phó trưởng khoa ngoại thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết, với mỗi ca giập não điều quan trọng nhất là xem não có tụ máu không. Có trường hợp bỏ qua tụ máu mà không phẫu thuật dẫn đến phù não, xuất huyết não. Với mỗi ca giập não, bác sĩ sẽ xem xét cụ thể để quyết định hướng điều trị. Sau quá trình điều trị tai nạn giập não, người bệnh ít nhiều có những thay đổi về tâm tính, cảm xúc chứ nói thay đổi cả giọng (Bắc thành Nam hoặc ngược lại) thì không có cơ sở. Với mỗi trường hợp, bác sĩ sẽ có hướng điều trị, tập luyện. Không nhất thiết trường hợp nào cũng cần tập luyện. Hoặc có trường hợp tập luyện với bài tập, nhưng có trường hợp tập luyện bằng môi trường, bằng tình cảm… Lệ Hà |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét