Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Tết người Mon bên dòng Chao Praya

Tết người Mon bên dòng Chao Praya

Nhật ký trên những đôi giày


Tết người Mon bên dòng Chao Praya


SGTT.VN - Cũng là tết cổ truyền mừng năm mới theo mùa mưa tháng tư, ở miền đất cuối dòng Chao Praya nhìn ra vịnh Thái Lan mênh mông lại có một cái tết trễ. Mãi đến một tuần sau cái tết chung, huyện nhỏ heo hút Phra Pradaeng, tỉnh Samut Prakan bỗng chật cứng không chỗ chen chân của du khách yêu thích hội hè ùa về.










Nhan sắc trên kiệu rước ở tết Phra Pradaeng.



Phra Pradaeng Songkran Festival, tết Té nước Phra Pradaeng lôi cuốn du khách trong, ngoài Thái Lan không chỉ vì nó trễ hơn, để ai đó thích có cả “tháng ăn chơi” (như người Việt mình!) có chỗ về. Lạ, vì là tết của người Mon, một dân tộc ít người, chỉ 114.500 nhân khẩu trên toàn đất Thái. Nhưng hơn thế, ngoài các trò chơi dân gian xưa lắc lơ vẫn còn được giữ, tết Té nước Phra Pradaeng còn đưa người xem về những ngày xưa nếp cũ đong đầy nghĩa tình…


Tinh tế và rạo rực saba


Saba, trò chơi giao duyên của người Mon, giờ hiếm thấy ở Thái Lan, cũng như trên đất Miến Điện quê gốc, được gìn giữ kỹ, tổ chức đình đám ở tết Té nước Phra Pradaeng. Mục đích giông giống trò ném còn, thổi khèn tìm bạn miệt Tây Bắc nước mình. Chi tiết thì khác, đòi hỏi thêm nhiều về kỹ thuật hình thể, ngôn ngữ, giúp đôi trẻ tìm hiểu kỹ hơn qua hỏi đáp, vấn chuyện chứ không chỉ nhảy múa hát ca. Đại loại là các chàng một bên, các cô gái ngồi bên kia, trước mỗi người là con quay dẹp bằng đất sét tròn cỡ nắm tay dựng thẳng. Các chàng trai, cô gái dùng chân lăn con quay của mình sang con quay của đối tượng muốn tìm hiểu. Nếu con quay bên kia ngã, chàng (hay nàng) được quyền đặt câu hỏi, nếu không thì ngược lại. Câu hỏi có thể về trí tuệ, kiến thức, hay chuyện cá nhân… để tìm hiểu kỹ “đối phương”. Không muốn trả lời, hoặc không thể, chàng hay nàng sẽ phải nhảy lò cò quay mấy vòng với một chân co lên giữ không để rớt con quay đặt trên đó, hai tay nắm chéo hai tai, hay phải nhảy múa hát hò… Qua những câu hỏi từ đơn giản đến phức tạp, cách trả lời, cách chọn con quay nào để “tấn công”… các bạn trẻ có thể chủ động tìm hiểu “nữa kia” nhiều hơn, cụ thể hơn.


Lõm bõm vài chữ Thái, không biết một tiếng Mon, nhưng qua những tiếng hò reo phấn khích, các chỉ trỏ, à á ồ của các bạn trẻ ngoài sân chơi tôi cũng có thể mường tượng được rằng dường các bạn đang nói “Xời ơi, sao không chọn nhỏ kia, ẻm xinh nhất mà!”, hay “Gì mà chuối dzậy, câu hỏi đó dễ ợt mà hổng biết”… thiếu điều muốn nhảy vào sân chơi thế luôn (sau đó hỏi lại thì cũng không sai là mấy). Nhìn sân saba nồng nhiệt cuốn hút từ các đội trẻ đến các đội sồn sồn muốn thử tìm lại “ngày xưa đó”… mới biết trò chơi dân gian xưa cũ này vẫn còn được yêu, được quý xiết bao. Ngày trước, saba rất quan trọng, khi nam nữ không được tự do gặp gỡ, tìm hiểu.


Giờ thời đại thông tin, saba lại quan trọng theo kiểu khác – trở thành một điểm son cho tết Té nước Phra Pradaeng.










Chàng trai đang bị chất vấn trong trò Saba.



Ấm cúng, gần gũi như tết nhà mình


Như Songkran ở mọi miền đất Thái, theo đoàn người vui, tôi cũng ướt nhẹp ở tết Té nước Phra Pradaeng. Nhưng ấm nồng, không chỉ những nụ cười xinh được trao, mà còn những câu hỏi được đón, những ly nước được mời, những lời rủ rê chân tình…


Miên man trong làn nước, chợt nghe tiếng chim véo von, người đâu xôn xao chốn nọ, tôi lò dò tới. Té ra, các trai thanh gái lịch đang lũ lượt kéo về sân rộng trước toà thị chính chuẩn bị lễ rước Maha Songkran, mà mở đầu và kết thúc bằng lễ phóng sinh lũ chim trời cá nước. Khác với lễ rước tượng Phật của tết Té nước mọi miền đất Thái, lễ rước Maha Songkran vẫn có tượng Phật, nhưng không nhiều, vì lễ chính là để tưởng nhớ vị thần nhân từ Tao Maha (Tao Kabillabrama). Chuyện dài, đại để là khi qua đời, biết nếu đầu mình tiếp đất sẽ gây đại hoạ, thần yêu cầu các con gái luân phiên nâng giữ, để giữ yên thái bình cho thiên hạ. Nên lễ rước Maha Songkran hàng năm ở Phra Pradaeng là để nhớ ơn ông. Việc phóng sinh chim cá cũng nằm trong ý nghĩa này và cũng để cầu chúc phước lành cho người thân, gia đình, cho làng xóm. Khởi đầu cuộc rước lễ, các vị quan chức địa phương sẽ phóng sinh một phần. Rồi các âu cá, các lồng chim được các trai thanh gái lịch nâng niu suốt hành trình để phóng thích ở chùa Wat Prodket Chettharam. Hoà mình trong đoàn người rực rỡ sắc, lung linh màu, lấp lánh ướt đẫm nước chúc phúc trong nắng tháng 4 vàng hực, cùng đám đông xôn xao háo hức, lòng khách lãng du bồi hồi…


Nhìn Nang (Miss) Songkran, tượng trưng cho con gái thần Tao Maha, cùng các bạn sắc hương chẳng kém là mấy, đến chào, kính cẩn chúc phúc, nhận lời chúc lại từ các bô lão trước khi lên lưng “voi”, lưng “công” tham gia cuộc diễu hành lộng lẫy… tôi cứ ngẩn ngơ. Không phải vì nhan sắc mà vì những hành động đẹp, ý nghĩa hay của các bạn, của buổi lễ, trong không khi chan hoà tình cảm ấm cúng... Làm tôi nhớ miên man đến quê nhà ngày xưa xa lắm, giờ đã vắng lắm những lễ, những nghĩa, những tình… mà giờ như chỉ toàn những chen, những lấn, những đạp, những giành, những giật, những tiền lẻ ghim khắp đình chùa,... Bao giờ những ngày xưa ấy lại về!?


bài và ảnh: T.Trà Khúc










Lễ phóng sinh – thả cá ở tết Phra Pradaeng.










Huyện Phra Pradaeng nằm trong tỉnh Samut Prakan giáp ranh với Bangkok. Gần Bangkok (14km), có nhiều xe buýt, giá chỉ 6.000 hay 10.000 đồng (có máy lạnh), nên khách thường đi về trong ngày, nhưng cũng có các nhà nghỉ bình dân (từ 150.000 đồng). Tết Té nước ở đây vào ba ngày cuối tuần của tuần lễ ngay sau tết ở Bangkok (13.4). Kéo dài ba ngày, vui nhất ngày cuối. Ngày thường, tỉnh Samut Prakan với thành cổ, chợ nổi Bang Namphueng, bảo tàng Erawan, trại cá sấu… cũng là các điểm tham quan thú vị. Ẩm thực có pha chút Miến Điện nên lạ hơn Bangkok tí, giá rẻ. Có thể mua bột thanaka thoa mặt, vài đặc sản của người Miến Điện ở đây.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ