Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Màu cờ sắc áo, câu chuyện từ một mái trường

Màu cờ sắc áo, câu chuyện từ một mái trường

Màu cờ sắc áo, câu chuyện từ một mái trường


SGTT.VN - Một ngày gần tết Giáp Ngọ, các cựu học sinh Phổ thông Năng khiếu (PTNK) thuộc đại học Quốc gia TP.HCM đang du học hoặc làm việc ở Mỹ phấn khích được mặc lại những chiếc áo đồng phục trắng – xanh của thời trung học ngay trên đất Mỹ và chia sẻ những tấm ảnh đó qua Facebook. Người mang những chiếc áo này qua Mỹ là TS Nguyễn Thanh Hùng, hiệu phó chuyên môn – phụ trách khối chuyên tin trường PTNK.










TS Nguyễn Thanh Hùng (mặc vest đen) cùng một số học trò Phổ thông Năng khiếu trên đất Mỹ. Tấm ảnh này đã được các cựu học sinh PTNK chia sẻ trên Facebook với dòng chữ “Thật tuyệt vời khi nhìn thấy màu áo đồng phục PTNK trên đất Mỹ”.



Món quà từ Việt Nam


Từ những tấm ảnh được các cựu học sinh PTNK (thường tự gọi là các cựu PTNKer) “khoe” trên Facebook, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã gặp TS Nguyễn Thanh Hùng nghe kể về chuyến đi Mỹ đó.


Đã du học ở Nga, từng nhiều lần dẫn học trò tham dự các kỳ thi tin học quốc tế (IOI) ở nhiều nước nhưng đây là lần đầu tiên thầy Hùng đặt chân đến Mỹ. Trước khi thầy lên đường, các cựu học sinh PTNK đang ở Mỹ đã thông tin, hẹn hò gặp mặt thầy. Chính những hẹn hò đó khiến thầy Hùng phải đắn đo mang gì từ Việt Nam để làm quà cho các em. Cuối cùng thầy quyết định mang 40 chiếc áo đồng phục PTNK để tặng chung và 20 cuốn lịch PTNK năm 2014 tặng những em đã có gia đình, đang sinh sống trên đất Mỹ. Không ngờ đó lại là những món quà “đắt khách”.


Nơi dừng chân đầu tiên của thầy ở Mỹ là bang California với thung lũng Silicon nổi tiếng, các cựu học sinh đã bố trí đón thầy, lo chỗ ở, đưa thầy đi tham quan, lên lịch tổ chức gặp mặt. Giống như thời còn đi dạy ở Việt Nam, có nhiều buổi thầy đưa học trò về nhà bảo cô nấu cơm cho các em ăn để kịp giờ học, tại Cali, thầy Hùng cũng tự đi siêu thị mua sắm để tổ chức một bữa tiệc nhỏ tại nhà một cựu học sinh. Do nhiều điều kiện, bữa tiệc đó không thể tập hợp đủ các PTNKer đang ở Mỹ nhưng “tổng kết” cả chuyến đi thì thầy Hùng cho biết, thầy gặp lại hoặc nghe được thông tin đầy đủ của học trò cũ “đại diện” của tất cả các khoá. Nhắc đến các cựu học sinh đang sống, làm việc hoặc học tập trên đất Mỹ, thầy Hùng “điểm danh”: lớp chuyên tin 1999 có Trần Đức Duẫn, Nguyễn Việt Hoàng, Nguyễn Việt Thành, Trần Doãn Thành đã học xong, đang có việc làm ổn định ở Google hoặc các công ty khác. Khoá 1998 có Kinh Luân đang làm ở Microsoft – Seatle… Khoá 2000 có có nhiều em đã bảo vệ xong luận án tiến sĩ và đang làm tại các công ty tin học lớn tại Mỹ như TS Vũ Duy Thức, TS Đoàn Ngọc Minh, TS Nguyễn Trường Quân đang làm cho Google ở California, Nguyễn Trung Hiếu (huy chương vàng tin học quốc tế – IOI 1999) và TS Nguyễn Cẩm Thạch làm ở Quora, TS Huỳnh Quang Thuận ở Google – New York, Trần Công Nghĩa vừa chuyển từ Amazon về Google ở Seattle; Nguyễn Việt Tiến ở Google Thuỵ Sĩ; TS Đinh Bá Thắng (2001), TS Lâm Xuân Nhật (2002), TS Dương Anh Quang (2003), Đỗ Hoài Nam (2004), Nguyễn Minh Tiên (2005) đang làm tại Google hoặc các công ty tin học lớn tại thung lũng Silicon… Danh sách này còn được kéo dài với nhiều học sinh PTNK các khoá sau đang theo học sau đại học, học đại học hoặc phổ thông tại Mỹ.


Mặc lại chiếc áo PTNK, ngồi lại trò chuyện với người thầy từng dạy dỗ mình, hẳn nhiên câu chuyện thầy trò trên đất Mỹ không thể thiếu những kỷ niệm của thời đi học phổ thông ở Việt Nam. Nhưng thời sự hơn là chuyện học tập, hoà nhập trên đất Mỹ. Ở đâu, học sinh PTNK cũng gắn bó, đoàn kết, chia sẻ với nhau trên tinh thần cộng đồng để cùng học tập, làm việc. Một tinh thần được rèn luyện từ những ngày cùng ngồi trên ghế nhà trường để tạo nên một “cộng đồng PTNKer” đang khẳng định mình.


Niềm hạnh phúc của người thầy


Thầy Hùng sôi nổi kể về những ngày tháng khởi đầu của trường PTNK. Hình thành từ 1993 với tiền thân là khối chuyên toán – tin thuộc khoa Toán đại học Tổng hợp TP.HCM, đến năm 1996, bộ Giáo dục và đào tạo ra quyết định thành lập trường PTNK thuộc đại học Quốc gia TP.HCM. Năm 1996 cũng là năm khoá học trò đầu tiên ra trường. Chỉ tính riêng lớp chuyên tin, năm 1996 có hai người được đi thi tin học quốc tế là Lê Thuỵ Anh hiện làm việc tại TP.HCM và Phan Thị Thu Hương chuẩn bị tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ. Khoá 1996 còn có ThS Lâm Quang Vũ, hiện là phó trưởng khoa Công nghệ thông tin; TS Đinh Bá Tiến, hiện là trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm; TS Trần Đức Duẩn, cán bộ giảng dạy khoa Công nghệ thông tin đại học Khoa học tự nhiên; TS Nguyễn Tuấn Nam, giảng viên đại học Công nghệ thông tin, đại học Quốc gia TP.HCM…


Làm sao đế kết nối được các học trò, thầy Hùng kể chuyện lớp chuyên tin khoá 2000 như một thí dụ tiêu biểu: “Chơi với nhau phải trung thực, giúp đỡ, chia sẻ hết mình trong học tập, ganh đua phải lành mạnh. Không chỉ học sinh chơi với nhau mà cả phụ huynh cũng thường xuyên gắn bó với nhau. Tôi nhớ năm nào phụ huynh ở lớp này cũng tổ chức họp mặt vào ngày cuối tuần sau ngày 20.11 vì ngày Nhà giáo thì tôi bận việc trong trường. Học sinh tốt nghiệp từ năm 2000 mà nền nếp này còn duy trì đến mười năm sau”. Chính vì có nhiều hoạt động như vậy nên tập thể chuyên tin 2000 vẫn gắn bó với nhau sau khi ra trường. Vũ Duy Thức sang Mỹ khi học xong lớp 11, có cơ hội tham dự kỳ thi tin học dành cho học sinh phổ thông ở Mỹ là USACO, Thức rủ các bạn chung lớp còn ở Việt Nam như Nguyễn Trung Hiếu, Đoàn Ngọc Minh, Nguyễn Việt Tiến, Huỳnh Trần Quang Duy, Trần Lưu Hà cùng tham dự. Sau này giới thiệu Việt Tiến và Duy vào học ở đại học Winconsin, các em kết hợp với các bạn khác lập ra hai đội thi ACM (cuộc thi tin học đồng đội dành cho sinh viên đại học) và lọt tới vòng “World final”.


Trở lại với câu chuyện giảng dạy hàng ngày trên ghế nhà trường, với truyền thống của lớp đi trước ảnh hưởng thế nào đến lớp sau, thầy Hùng không giấu được vẻ tự hào: “Tuy ra đời muộn hơn các khối chuyên ở phía Bắc, trường PTNK cũng đã có được những thành công bước đầu. Truyền thống của lớp đàn anh đang là nguồn động viên lớn cho lớp đàn em theo sau. Trong bài giảng, có khi chỉ cần vài câu chuyện về những cá nhân đã từng ngồi trên ghế trường PTNK đã học, đã làm việc như thế nào là đủ để truyền cái say mê cho lớp đàn em”. Trả lời câu hỏi về niềm vui của người thầy khi tận mắt chứng kiến sự trưởng thành của học trò, thầy Hùng phân tích, có lẽ do đặc thù, Mỹ là nơi có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, nhiều hãng lớn về công nghệ thông tin nên cộng đồng học sinh chuyên, nhất là chuyên toán – tin tìm thấy nhiều cơ hội ở đây. Nhiều cơ hội thì cũng nhiều thách thức, khó khăn. Những học sinh ra đi từ mái trường PTNK đang nỗ lực học tập, làm việc trong môi trường mới. “Tôi vui mừng khi thấy học trò của mình trưởng thành. Bằng cấp mà các em đạt được, vị trí làm việc mà các em giành được vừa nói lên nỗ lực tự thân vừa là sự thừa nhận chung của xã hội đối với các em, đối với nhà trường. Tôi càng hạnh phúc hơn khi chứng kiến các em vẫn yêu mến mái trường, vẫn gắn bó với màu cờ sắc áo. Cái tên PTNK vẫn là sợi dây bền chặt kết nối các em”, thầy Hùng chia sẻ.


Hưng Long






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ