Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Vui trồng hoa thay vì buồn nhổ cỏ

Vui trồng hoa thay vì buồn nhổ cỏ

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng


Vui trồng hoa thay vì buồn nhổ cỏ


SGTT.VN - Mười hai năm lui về ở ẩn tại một miền quê ngoại thành Sài Gòn, bán hết của cải gom góp được từ sự nghiệp thiết kế thời trang, Sĩ Hoàng đã tạo dựng được một bảo tàng sống cho áo dài Việt Nam giữa đồng lúa và tre làng. Nơi đây, lịch sử dân tộc hiện hình trong những ngôi nhà cổ bên sông, một thư viện về áo dài, nhà hát 200 chỗ biểu diễn các chương trình nghệ thuật truyền thống, và cả khu chợ ẩm thực…











Khởi nghiệp với ba chỉ vàng, năm ống màu và 20 xấp vải... thôi thúc nào giúp anh tạo dựng được sự nghiệp của một nhà thiết kế thời trang?


Là trách nhiệm của người anh cả phụ giúp bố mẹ nuôi bốn người em ăn học tử tế. Là ý chí thoát nghèo bằng chính năng khiếu, sự thực học, thực hành, đáp ứng nhu cầu mà thị trường cần.


Vậy tại sao sau mười năm sự nghiệp thời trang, năm 2002 anh cạo đầu, chuyển sang làm trà quán Điểm Một Thời?


Làm văn hoá mới chính là điều tôi theo đuổi. Tôi muốn tạo ra một không gian thưởng trà với nghệ thuật âm nhạc, trang phục đậm truyền thống Việt. Tôi nghĩ đời người hữu hạn, cần phải chia trí – lực sao cho phù hợp nhất ở mỗi giai đoạn sống của mình trong bối cảnh xã hội luôn vận động, để quỹ đời mình được lời nhất!


Sư phạm hay văn hoá đều có sứ mạng mang đến điều tốt đẹp cho cuộc sống. Thực tế tôi vẫn làm song hành hai việc này vì sự bổ sung cho nhau. Việc cạo đầu sau những sự kiện của một chặng mười năm sự nghiệp, cũng giống như tự “buông xả” trước khi chuyển sang một giai đoạn mới.


Khi Điểm Một Thời trở thành điểm son của Sài Gòn, anh lại lui về ở ẩn với nhà vườn Long Thuận: phải chăng anh là người luôn tự phủ định mình, để kiếm tìm cái mới?


Đây là câu chuyện do hoàn cảnh đẩy đưa. Mặt bằng của Điểm Một Thời được lấy lại để chuyển thành nhà hàng cao cấp với giá cho thuê cao hơn – bài toán của kinh tế thị trường. Nhờ thế kế hoạch tiếp theo là xây dựng nhà vườn giai đoạn 1 từ 2002 – 2013, dự án bảo tàng Áo dài giai đoạn 2 từ 2014 được bắt tay sớm hơn.


Khi ấy tôi cũng đã gõ cửa nhiều nơi, vì tiếc một địa chỉ có thể giới thiệu với du khách nước ngoài một không gian văn hoá Việt nghiêm túc. Thương cho gần 30 nghệ sĩ phải chia tay khi gắn bó cùng nhau suốt năm năm sáng đèn hàng đêm.


Từ khi nào anh nhận vào mình vai trò của một trí thức dấn thân?


Năm 1994, trong nhiều chuyến trèo đèo lội suối, từ Tây Bắc sang Đông Bắc, từ cao nguyên Đồng Văn – Mèo Vạc đến tận Cà Mau… tôi thấy đất nước mình đẹp quá, không hề thua kém gần 20 quốc gia từng đến qua những chuyến biểu diễn giới thiệu áo dài. Có cảm giác luôn bị dằn vặt giữa cái cũ – mới, truyền thống – hiện đại, bảo tồn – cách tân… trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực phát triển kinh tế nhưng chưa có sự đầu tư đúng mực với văn hoá, giáo dục, y tế.


Sự mất cân bằng đó dẫn đến thế hệ 8x, 9x nhiều bạn hội nhập quốc tế và rồi… hoà tan luôn! Các bạn trẻ dần xa lạ ngay trong ngôi nhà của mình với các thế hệ trước. Điều đáng lo nhất là sự mất nước không chỉ ở đường ranh biên giới.


Tôi dấn thân vì lẽ đơn giản, không chỉ vì quan tâm cho những đứa con và cháu của mình, mà còn vì những bạn bè nhiều hơn của chúng.


Anh từng phải trả giá đắt cho những dự án kinh tế nhân văn, khi vừa là nghệ sĩ vừa là doanh nhân?


Là trở thành nỗi lo lắng với những người thân trong gia đình. Là con nợ không nhỏ của ngân hàng. May mà mọi người tin và ủng hộ những điều tôi làm. Là hiu hắt những tháng ngày đói kém ngồi nhặt bông cỏ, sạn thóc trong từng nắm gạo. Là câu hỏi của một nhà thiết kế Thái Lan trong chương trình Asia Show tại Manila (Philippines) 1997: “Nước mày đã hết đánh nhau chưa?” Là tâm trạng sốt ruột khi các nước xung quanh thành cọp thành rồng từ sau 1975, mà mình còn trở trăn nhiều nỗi…


Tôi may mắn vì chẳng chút kiến thức kinh tế học, nhưng khi viết ra loạt chữ “Doanh nhân – chiến sĩ – tù nhân – công trạng – tội phạm – danh nhân – tử tù – hy sinh” thì thấy đời doanh nhân dài ngắn chỉ là một nhân quả tuỳ theo sự gieo “tâm tính” hay “toan tính” trên con đường kinh doanh.


Và anh đã học được gì từ những nỗi đau ấy?


Thay đổi theo chiều hướng tư duy tích cực: thành người đi trồng hoa (và rủ thêm người cùng trồng), thay vì buồn lo nhổ cỏ.


Với bảo tàng Áo dài sắp ra mắt, anh muốn gửi gắm điều gì?


Kinh tế có thể xây dựng trong vài chục năm, văn hoá gầy dựng phải hàng thế kỷ. Giàu phải sang, không chỉ là trọc phú. Tôi mong sự phú quý và lễ nghĩa luôn cần nhau.


Muốn bảo tồn và phát triển bền bỉ điều gì thì phải làm cho điều ấy được nhiều người biết, nhiều người chấp nhận, trên hết là được nhiều người sử dụng. Và người ta chỉ thích sử dụng khi cảm thấy có nét gần gũi thân quen.









Tôi chưa là người lính, nhưng yêu nước bằng chính công việc của mình, trung thành và từng ngày chỉ sáng tạo và thực hiện những tà áo đẹp. Vũ khí của tôi là cả hồn dân tộc cô đọng trong tà áo dài, trải qua bao nghịch cảnh vẫn nền nã, trẻ trung.



Tôi chưa là người lính, nhưng yêu nước bằng chính công việc của mình, trung thành và từng ngày chỉ sáng tạo và thực hiện những tà áo đẹp. Vũ khí của tôi là cả hồn dân tộc cô đọng trong tà áo dài, trải qua bao nghịch cảnh vẫn nền nã, trẻ trung. Một vẻ đẹp cổ điển nhưng rất hiện đại. Điều đó lý giải tại sao áo dài vẫn bước vào thế kỷ 21 một cách đường hoàng. Văn hoá là một chuỗi kế thừa, không bảo thủ, không đứng yên, phổ biến càng sâu rộng thì càng bền vững, càng phù hợp thị hiếu.

Gắn bó với nghề bằng cách này hay cách khác cũng chỉ để tôn vinh áo dài, như một sự biết ơn với thành phố, với đất nước đã cho mình sự trưởng thành nghề nghiệp. Bảo tàng Áo dài sau 12 năm xây dựng, là nơi góp phần tôn vinh giá trị văn hoá mặc của chính người Việt trong vẻ đẹp thẩm mỹ và giá trị đạo đức.


Khó khăn đặt ra với anh là gì khi dấn thân vào công việc đầy gian truân này?


Khi khai quật hoàng thành Thăng Long, người ta phát hiện chín tầng cung điện! Nếu mỗi đời xây cung điện một nơi thì bây giờ con cháu đã có được một kho tàng di sản phong phú đầy đủ dấu tích văn hoá từng thời kỳ, chứ đâu có bị diễn giải tạp nham dị bản. Trách nhiệm của một bảo tàng áo dài độc lập là phải có một hội đồng khoa học để tìm bằng được những chứng cứ khoa học chứng minh áo dài có từ thời nào, lịch sử ra sao… Văn hoá đất nước nếu không làm rành mạch, rõ ràng, sẽ trở thành của người khác.


Thử thách tiếp theo là tiếp cận được với du khách thông qua các công ty du lịch trong và ngoài nước. Thiết kế những chương trình hoạt động để bảo tàng là một tập hợp không gian tham quan, học tập và giải trí thu hút công chúng.


Gần gũi những người dân bình dị, anh học được điều gì?


12 năm qua tôi xây dựng nhà vườn, bán xe hơi đi xe buýt, được gần gũi với những người nông dân chân lấm tay bùn. Một lời tâm sự của bác đạp xích lô trong festival Huế làm tôi day dứt mãi: “Làm được mấy cái lễ hội này cũng vui, dân đạp xích lô có khách để kiếm cơm, nhưng tui thấy để cúng ông bà tổ tiên thì con cháu nhà nào cũng có bàn thờ trong nhà, giờ đưa hết bàn thờ ra đường quỳ lạy như cúng cô hồn. Đã thế còn vô cùng lãng phí: mấy cái bánh chưng, bánh tét kỷ lục to như vậy nấu đâu có chín được, lại tranh giành nhau mà ăn, biến mọi người thành cô hồn sống hết!” Tôi nghe mà chết điếng. Một ông già đạp xích lô mà còn đau lòng như thế khi phong tục tập quán của người Việt bị chà đạp. Điều đó càng thôi thúc mình bằng mọi giá phải gìn giữ hồn dân tộc.


Theo anh, vì sao giới trẻ ngày càng xa rời tà áo dài dân tộc?


Khác với trang phục truyền thống các nước thường chỉ mặc trong các dịp lễ, áo dài đã trở thành trang phục hàng ngày, đồng phục trong nhà trường, trang phục trong nhà thờ, hoà vào nhịp sống hiện đại, đi xe hơi, xe máy, xe đạp đều hợp cả. Nhưng quả thực là giới trẻ chưa được tiếp cận hoặc bị hướng dẫn sai. Một trong những lý do nữ sinh ngại mặc áo dài là chất liệu vải dệt bằng sợi tổng hợp khiến da không được thở, gây nóng bức khó chịu. Ngày xưa phụ nữ mặc áo dài đi chợ, nấu cơm có sao đâu, vì dệt hoàn toàn bằng sợi tự nhiên.


Phải chăng đạo Phật đã giúp anh chuyển hoá chính mình, có được nguồn năng lượng vô tận?


Tôi đến với đạo Phật bắt đầu từ nhu cầu của một người làm mỹ thuật, dần tìm hiểu, tôi thấy căn cốt của đạo Phật là thấy được nỗi khổ của con người và của chính mình, để chuyển hoá nó. Mỗi người phải tự giải quyết, tự cứu mình, không thể trông chờ vào ai khác. Nhưng trước khi cứu, phải chẩn đoán đúng bệnh mới tìm đúng thuốc. Niềm tin đó được lý giải một cách khoa học, hợp lý là nhận biết niềm đau nỗi khổ tự thân để chuyển hoá, không thể diệt trừ. Từ đó tôi hiểu mọi chuyện đều là bình thường. Cân bằng là bình thường, lật khỏi sự cân bằng là đổ vỡ. Nghĩ như thế để sống vui mỗi ngày. Lời Phật dạy vô cùng đơn giản, ai cũng làm được nhưng nhiều người nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy.


Đôi khi tôi hay nói với bạn bè một cách giang hồ: “Đời người chỉ có một lần, phải xài nó sao cho có lời nhất, đừng phí não vào những chuyện lung tung không đáng, uổng cho tế bào não”.


Hưởng những giá trị cuộc sống, biết cách đóng góp trong sức mình. Tôi quan niệm sống không phải để lại một cái tên, mà là một giá trị. Vì thế chẳng nặng lòng về sự “thuộc về”.


Cuốn sách nào ảnh hưởng lớn nhất đến những suy nghĩ của anh?


Tôi đọc Đắc nhân tâm của Dale Carnegie (Mỹ) – Nguyễn Hiến Lê dịch từ năm 13 tuổi. Sau này thêm Tony Buzan (Anh) về bản đồ tư duy, Phùng Đức Toàn (Trung Quốc) với Phương án 0 tuổi, thiền Vipassana của thiền sư Goenka (Ấn Độ), giáo sư Makoto Shichida (Nhật) mà theo ông mọi đứa trẻ đều là thiên tài...


Phải chăng vì thế anh tích cực tham gia chương trình thai giáo?


Trẻ em được sống trong sự “bù đắp” nhu cầu vượt mức do hầu hết các bậc phụ huynh trước đây đều trải qua khó khăn. Từ đó những “kháng thể” tự lập không có cơ hội hình thành. Đứa con là sự nối dõi tông đường, kéo dài ước mơ của cuộc đời hữu hạn với bao hy vọng. Ai cũng muốn trao cho con những điều tốt lành nhất ngay từ khi con còn trong dạ. Nhưng còn đó những thai nhi, trẻ em là nạn nhân của sự chọn lựa giới tính, thiếu hiểu biết về thai sản… nên những chương trình giáo dục giới tính cần phổ cập sớm từ lứa tuổi thiếu niên.


Tôi tin rằng sẽ cùng với quý bậc phụ huynh chung một tâm nguyện: tương lai khi con đã trưởng thành, được hạnh phúc trong sự thành đạt và biết chia sẻ những gì mình có cho bao người.


Chương trình được thực nghiệm với ngay chính đứa con của anh?









Tôi không có khái niệm thần tượng, trường phái. Mỗi người phải là bản chính của chính mình.



Cháu tiếp cận chương trình từ mười ngày tuổi. Cả nhà từ ông bà, ba mẹ đến người giúp việc đều cùng nhau áp dụng một cách kiên trì trong lúc cháu thức hay ngủ, nhằm tạo ra một “trường lực” tốt quanh bé từ ý nghĩ đến hành xử, giao tiếp. Kết quả là nay mới bốn tuổi nhưng cháu rất chững chạc, lời nói có ý tứ. Nghề tương lai sẽ do cháu chọn lựa sau này, nhưng nhờ sống trong môi trường mỹ thuật nên năng khiếu hội hoạ, khả năng quan sát, thu nhận và phản hồi thông tin của cháu rất tốt.

Anh có niềm tin vào thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp sức cho anh trên đường xa vạn dặm?


Thực sự, tôi chỉ có khả năng thị phạm bằng hết tâm lực. Bạn trẻ nào thấy tương thích thì chọn lọc để vận dụng có sáng tạo cho mình. Con đường luôn ở dưới chân. Giờ đây, thế hệ trẻ có nhiều phương tiện để học hỏi. Nơi nào có mạng, nơi đó có kho tàng kiến thức nhân loại. Vấn đề là biết khai thác để làm tốt nhất. Tôi không có khái niệm thần tượng, trường phái. Mỗi người phải là bản chính của chính mình.


Vì sao anh lại sống như một người tu hành?


Những mục tiêu kinh doanh luôn hướng tới ích lợi cho bản thân, gia đình, các cộng sự và cộng đồng. Sự khao khát học hỏi để hiểu biết, thoát nghèo về tri thức, tư tưởng, tầm nhìn. Căn bản để sống và làm việc như một định nghĩa trong thiền là rèn luyện sao cho mình hướng tới được những điều tốt mỗi ngày.


Sâu xa của việc tu hành là sửa những hành xử trong từng giây phút sống của mình, sao cho mọi việc hợp tình thuận lý, đạt tới sự cân bằng quý giá nhất là có được sự bình thường trong cuộc sống.


Anh có phải là người quá khắc nghiệt với chính mình?


Tôi muốn sự cẩn thận chu đáo trong công việc khi nhận lãnh, vì thế khó tìm được người vừa với ý mình. Ngoài ra tôi đều tối giản các nhu cầu.


Giá mà mỗi ngày không chỉ là 24 tiếng!


Sự bình an của anh có được do đâu?


Chuyển hoá mọi điều đến với mình, không xem khó khăn mà chỉ là thử thách, rồi tìm giải pháp vượt qua nó.


thực hiện Kim Yến


chân dung hội hoạ Hoàng Tường






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ