Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Giá trị của những cuộc tiếp xúc

Giá trị của những cuộc tiếp xúc

Phiên chợ hàng Việt về nông thôn đầu năm 2014 – Tam Nông (Đồng tháp)


Giá trị của những cuộc tiếp xúc


SGTT.VN - Phiên chợ Tam Nông, thu hút hơn 40 gian hàng theo đội hình truyền thống, kéo dài từ 11.1 – 13.1.2014, được xem là phiên “tất niên” Quý Tỵ và lại mở đầu năm 2014. Dân Tam Nông được dịp sắm sửa, thay mới vật dụng và khoe với khách phương xa về đặc sản nhà quê, hương vị quê nhà.










Người tiêu dùng nông thôn hứng thú sắm sửa tại phiên chợ Tam Nông. Ảnh: Hoàng Lan



Ở gian bán đặc sản của phiên chợ có khô lóc, gạo thơm núc và cũng trong chương trình phiên chợ, cuộc gặp gỡ, toạ đàm “Kết nối cung – cầu từ ngoài đồng tới bàn ăn” được tổ chức, mở đầu cho một chương trình mới của BSA năm 2014. Ngay hôm đầu tiên phiên chợ (từ năm 2014, kéo dài ba ngày ba đêm) các chuyên gia BSA đã tới các cơ sở sản xuất đặc sản địa phương để biết nhiều hơn những câu chuyện điển hình về đầu ra, vốn được xem là chuyện hên – xui của những cơ sở làng nghề!


Câu chuyện lúa gạo của HTX Tân Cường có vẻ ổn, nhưng HTX TM – DV Tràm Chim lại cho thấy dòng gạo Basmati từng là mặt hàng “mơ ước” cạnh tranh đã bắt đầu có những bất ổn về giống. Mặt hàng gạo thơm núc, theo người bán hàng của HTX Tràm Chim, hy vọng người mua làm quà tết, nhưng chuyện tham gia “Giỏ quà tết Việt” mà hội DN HVNCLC đang tổ chức cùng Co.opmart thì lại chưa nghĩ tới.


PGS.TS Nguyễn Phú Son thuộc trung tâm Tư vấn kinh tế, khoa Kinh tế và quản trị kinh doanh, trường đại học Cần Thơ đã thử trắc nghiệm bằng cách mời dân địa phương đề cử, kết quả là ông có được 11 loại đặc sản của Đồng Tháp đáng mua làm quà tết. Nhưng có loại chỉ cần mua mỗi ngày 100kg, thì sau một tuần là sẽ rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau. “Cần phải làm rất nhiều việc để người dân cùng làm tiếp thị và việc tăng cường các giải pháp công nghệ, kỹ thuật và kỹ năng tham gia thị trường cho các cơ sở này khi huyện định hướng nâng sản lượng cá lóc lên trên 60.000 tấn/năm, trong khi mọi cơ sở làm khô vẫn phơi ngoài nắng và duy nhất công ty Tứ Quý có máy sấy theo công nghệ của Mỹ, nhưng công suất chỉ khoảng 100kg trong 24 giờ”.


Ông Đỗ Công Bình, giám đốc công ty này nói: “Chỉ dám ước ao mua bốn máy, vì mỗi máy tới 284 triệu đồng”. “Tới phiên chợ dự toạ đàm mới biết huyện có công ty kinh doanh khô cá. Thực sự, thanh niên nông thôn rất muốn nghe những gợi mở về hướng làm ăn liên kết”, anh Từ Minh Tân, một cán bộ xã đoàn ở Mỹ Hiệp, nói.


Riêng Đỗ Thảo Yên, cô chủ nhỏ công ty hoa khô Thảo Minh chuyên làm và dạy nghề làm hàng mỹ nghệ từ hoa khô, mừng lắm khi tham gia phiên chợ vì hai lý do: “Đây là phiên chợ chuẩn mực và doanh nghiệp tham gia thì học hỏi được nhiều”. “Bài học số một của phiên chợ này là liên kết. Hầu hết hàng của Yên được làm từ những học viên sau khi học nghề ngắn hạn, nhận hàng về nhà làm, hàng làm ra – bán theo hợp đồng hoặc trao đổi hàng – hàng với cơ sở thiện chí khác”, Yên nói. Một cách liên kết rất tốt từ suy nghĩ của cô chủ nhỏ, hiện nay, mối dây liên kết nối dài tới Hà Nội. Nhưng chủ yếu với cơ sở ngoài tỉnh!


Phiên chợ tất niên Quý Tỵ, giám đốc công ty TNHH Minh Long Hưng Lý Thành Sinh, thay mặt “đội hình” doanh nghiệp, kể cả DN địa phương, chúc tết lãnh đạo Đảng, chính quyền, sở ban ngành ở địa phương, cảm ơn người tiêu dùng đã đón nhận hàng Việt với cả tấm lòng và các doanh nghiệp xem đó là nguồn động viên để đi tới.


Anh Đặng Công Minh, tổng giám đốc công ty khăn Parvati cho biết, năm qua hết sức khó khăn với nhiều doanh nghiệp. Riêng công ty cạnh tranh gay gắt với loại hàng tất tần tật lấy từ Trung Quốc rồi đóng dấu sản xuất tại Việt Nam. Năm 2014, công ty đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình Nâng cấp chợ huyện của BSA.


“Từ những trải nghiệm tại các phiên chợ và khi hàng Việt vào chợ theo một chương trình lớn, cơ hội tiếp xúc người tiêu dùng và mở rộng thị trường bằng cách lắng nghe góp ý rồi tự điều chỉnh kiểu mẫu, chính sách cho phù hợp sẽ tốt cho doanh nghiệp”, Minh nói.


Bà Nguyễn Thị Bảy, dân thị trấn Tràm Chim, nói: “Phiên chợ này gắn nhu cầu tiêu dùng của gia đình trong dịp Tết sẽ rất tốt, hàng Việt Nam mình phải nhân lúc này bán hàng. Ở đây bây giờ người ta nghe tới hàng Trung Quốc là sợ lắm. Nhà tui không dám xài. Trái cây thì mua ở quê, thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng coi hàng có chữ HVNCLC mới mua. Ở quê sợ bệnh hoạn, có tiền đâu mà trị”.


Cơ hội tiếp xúc giữa nhà sản xuất với đại lý và với cả người mua là nét riêng của phiên chợ do BSA tổ chức. Cholimex có hai nhà phân phối ở TP Cao Lãnh và Sa Đéc, nhưng theo anh Nguyễn Văn Diệp, người theo đuổi các phiên chợ và kiên trì tổ chức những cuộc sampling (mời dùng thử sản phẩm tại chỗ), nói rằng ngoài việc tận dụng cơ hội từ những dịp tiếp xúc khách hàng, Cholimex bổ sung nhiều nhân sự phát triển thị trường, đến từng cửa hàng, đại lý để giới thiệu, lắng nghe ý kiến của khách hàng rồi phản hồi để Cholimex có kế hoạch điều chỉnh kịp thời”.


Trực tiếp giải thích cách nhận ra giá trị đặc trưng sản phẩm “chính hãng” không chỉ rất quan trọng với nhà sản xuất mà rất có lợi cho cả người tiêu dùng”.


Hoàng Lan – Ngọc Bích


















Niềm băn khoăn của ông cụ ngoài 80 tuổi


Tại phiên chợ Hàng Việt về nông thôn ở Chợ Mới, An Giang, ngay trước phiên chợ Tam Nông, chúng tôi bắt gặp một người tiêu dùng thú vị. Đó là cụ Lê Minh Phùng (ảnh), 82 tuổi, một Việt kiều hồi hương, đang mua sắm khá nhiều sản phẩm. Cụ chia sẻ: “Tôi từng này tuổi rồi, đâu có đi xa để mua hàng hoá được, hôm nay chương trình về đây tôi mua nhiều để về tặng cho con cháu dùng dịp tết”.


Cụ Phùng nhận định, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp trong chương trình có chất lượng tốt nhưng không có đại lý bán hàng ở khu vực Chợ Mới, dù nơi đây vị trí giao thương khá thuận lợi. “Tôi thấy mình đã gia nhập WTO, rồi sắp tới là TPP, hàng hoá các nước sẽ tràn vào đây. Doanh nghiệp mình đến giờ còn phân phối kém như vầy, làm sao cạnh tranh nổi?”, ông cụ ngoài 80 tuổi băn khoăn…


Trần Quỳnh ghi







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ