Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Cân lưu động không trị được xe quá tải

Cân lưu động không trị được xe quá tải

Cân lưu động không trị được xe quá tải


SGTT.VN - Đầu tháng 1, tổng cục Đường bộ Việt Nam (thuộc bộ Giao thông vận tải) bàn giao 53 bộ cân lưu động kiểm soát tải trọng xe. Như vậy, tất cả các tỉnh/thành đã được trang bị cân lưu động kiểm soát tải trọng (trước đó, đã có mười địa phương được trang bị loại cân này), để tăng cường công tác “siết” xe quá tải trên các tuyến quốc lộ cả nước. Tuy nhiên...










Cân lưu động kiểm soát xe quá tải chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề?. Ảnh: TL



Theo tổng cục Đường bộ, sau khi bàn giao các bộ cân lưu động đầu tiên cho các tỉnh/thành cho thấy, tình trạng xe quá tải phá đường, gây tai nạn đã giảm đáng kể. Do đó, đơn vị này mới quyết định đầu tư hàng chục tỉ đồng để trang bị cân cho các tỉnh/thành còn lại.


Trái ngược với nhận định lạc quan của tổng cục Đường bộ, ông Thái Văn Chung (tổng thư ký hiệp hội Vận tải TP.HCM – đơn vị có hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hoá) lại cho rằng, nhận định của tổng cục Đường bộ Việt Nam quá chủ quan. Trên thực tế, việc dùng cân lưu động kiểm soát xe quá tải chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. “Rồi xe quá tải vẫn cứ lưu thông trên đường mà thôi”, ông Chung nói.


Theo ông Chung, việc trang bị cân cũng giống như chuyện các địa phương rầm rộ ra quân trị xe quá tải để rồi “xe quá tải vẫn cứ hoành hành”. Vì đâu nên nỗi?!, ông Chung đặt vấn đề.


Câu trả lời là: Tất cả do không có chỗ hạ tải. Nếu xe quá tải có bị xử phạt nhưng không có chỗ hạ tải thì xe quá tải vẫn cứ “phải” lưu thông. Và điều này vẫn đang diễn ra hàng ngày. Các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh, kể từ khi đưa cân lưu động vào kiểm soát trọng tải ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình đã xảy ra tình trạng hầu hết các xe quá tải, nhất là xe chở hàng nông sản khi phạt xong lực lượng chức năng lại phải cho đi tiếp.


Ngoài ra, còn một bất cập nữa “giúp” xe quá tải vô tư lưu thông trên đường chính là tình trạng phạt được xe này, bỏ lọt xe kia, thậm chí ưu tiên xử lý các đối tượng xe ngoại tỉnh. Đó là chưa kể, vì là cân lưu động nên không thể kiểm soát 24/24 giờ nên có những trường hợp tài xế né đoàn kiểm tra đã cho xe “núp” ở một địa điểm nào đó, chờ cho đến hết ca kiểm soát thì đi tiếp.


Theo ông Chung, chuyện bất cập trên, nếu là người trong nghề chắc chắn ai cũng nhìn thấy. Chẳng lẽ tổng cục Đường bộ Việt Nam không thấy (?)


Muốn cân lưu động phát huy hiệu quả thì phải có chỗ hạ tải. Mà bãi hạ tải thì phải chi phí đầu tư rất lớn, giống như xây dựng một trạm cân cố định. Ngân sách đang eo hẹp nên điều này là bất khả thi. “Do đó, để trị được xe quá tải nhất thiết các cơ quan liên quan phải đề ra giải pháp trị tận gốc. Cụ thể, ngoài việc ràng buộc trách nhiệm của chủ hàng, chủ xe như mới được áp dụng hiện nay (trước đây chỉ phạt tài xế), thì các cơ quan chức năng cần quy trách nhiệm của các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, cảng nếu để xảy ra tình trạng xe quá tải đóng hàng từ đơn vị mình lưu thông trên đường. Còn làm như hiện nay, thì chẳng khác nào làm cho vui, cho có, rồi chuyện đâu vẫn hoàn đấy. Hơn nữa, còn dễ nảy sinh tiêu cực, dẫn đến cạnh tranh không công bằng về cước vận chuyển giữa những đơn vị “biết làm luật” và đơn vị không biết”, ông Chung nhấn mạnh.


Đào Lê






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ