Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Thuế và hải quan: “Doanh nghiệp còn thiếu hợp tác chống tham nhũng”

Thuế và hải quan: “Doanh nghiệp còn thiếu hợp tác chống tham nhũng”

Thuế và hải quan: “Doanh nghiệp còn thiếu hợp tác chống tham nhũng”


SGTT.VN - Sáng ngày 31.10, tại hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, hướng tới thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam” do Thanh tra Chính phủ, VCCI phối hợp với sứ quán Anh tổ chức, hai đơn vị tổng cục Thuế và tổng cục Hải quan đã bị nêu tên trong danh sách các cơ quan nhũng nhiễu các doanh nghiệp nhiều nhất.


Bà Lê Hồng Hải, tổng cục phó tổng cục Thuế cho biết qua thanh, kiểm tra, đa phần các doanh nghiệp có sai sót của mình trong hợp đồng do họ không hiểu biết, hoặc chưa nắm vững các chính sách. “Chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền cho doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị về chính sách mới, nhưng ít khi được các giám đốc doanh nghiệp đến dự, mà họ chỉ cử nhân viên kế toán đến dự”, bà Hải nhấn mạnh. Do đó, đã dẫn đến nguyên nhân các doanh nghiệp chưa thực thi đúng các chính sách, có sai phạm, “rồi giám đốc mới có ứng xử như là chi phí không chính thức, hối lộ”. Bà Hải khẳng định, nguyên nhân tham nhũng là đến từ hai phía. Hiện tổng cục Thuế và bộ Tài chính đang thực hiện cải cách và sẽ triển khai việc tự động hoá và hiện đại hoá giai đoạn năm 2015 – 2020 và tổng cục Thuế cũng đã thành lập ban chống tham nhũng, toàn hệ thống cũng ký cam kết với từng công chức không tham nhũng.










Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ tốt về các thủ tục hải quan, thuế để phát triển thuận lợi trong kinh doanh (ảnh minh họa). Ảnh: Các Ngọc



Còn ông Nguyễn Xuân Thái, phó tổng cục trưởng tổng cục Hải quan lại phàn nàn việc có những doanh nghiệp còn lơ là trong việc khai báo hải quan điện tử, phần lớn doanh nghiệp chỉ cử nhân viên, hoặc thuê người khai, thậm chí nhờ chính hải quan làm giúp. Theo ông Thái, việc thực hiện các thủ tục hải quan điện tử là biện pháp giúp hạn chế tiếp xúc, nhất là hệ thống thông quan tự động sẽ giúp hạn chế tối đa tiếp xúc giữa doanh nghiệp với nhân viên hải quan, giúp hạn chế tiêu cực, do đó, tổng cục Hải quan “rất mong các doanh nghiệp hợp tác”, ông Hải nói.


Theo ông Đặng Quang Vinh, đại diện nhóm chuyên gia của VCCI thực hiện khảo sát chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong năm 2012, PCI đã tập hợp ý kiến của hơn 8.000 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố và hơn 1.500 doanh nghiệp FDI tại 13 tỉnh, thành phố. Theo đó, cảm nhận chung của doanh nghiệp là nạn nhũng nhiễu trong năm 2012 đã tăng so với năm 2011 (hơn 43% so với hơn 40%). Hơn 60% doanh nghiệp cho biết công việc được giải quyết sau khi trả các chi phí không chính thức.


Trước đó, bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia của ngân hàng Thế giới cho biết theo khảo sát mới đây, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, có năm ngành tham nhũng nhất, đứng đầu là thuế, tiếp đó là tài chính, ngân hàng, kho bạc và thứ năm là hải quan. Riêng tại Hà Nội, ba cơ quan dẫn đầu về mức độ gây khó dễ cho doanh nghiệp là kế hoạch và đầu tư, ngân hàng và kho bạc, còn cơ quan thuế đứng thứ năm và hải quan đứng thứ sáu. Qua khảo sát, có 67% doanh nghiệp cho biết công chức cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, có 66% công chức giải thích không rõ, cố tình bắt lỗi doanh nghiệp và 54% công chức đã bám vào các quy định không chặt chẽ để bắt bí các doanh nghiệp, và có đến 75% doanh nghiệp đưa hối lộ dù không bị gợi ý.


Việt Anh






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ