Người dùng ngày càng “thông minh”
SGTT.VN - Nhìn dưới giá trị tiêu dùng, một điện thoại thông minh (smartphone) không thể để khoe của hoặc khai thác những chức năng cơ bản như nghe/gọi và nhắn tin. Smartphone có những giá trị riêng, không thể sử dụng những chức năng cơ bản như những dòng điện thoại “cỏ”!
Chiếc điện thoại thông minh sẽ phát huy năng lực với người tiêu dùng thông minh. Trong ảnh: minh hoạ “tiến hoá” trong giao tiếp của con người. Tranh minh hoạ của hãng công nghệ MediaTek. |
Những con số gây sốc!
Tháng 12.2012, Ericsson Consumer Lab đã có một khảo sát “gây sốc”, nhất là với giới kinh doanh. Tại cuộc khảo sát này, Ericsson Consumer Lab đã chọn tám quốc gia: Úc, Malaysia, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam với những tiêu chí khảo sát: nhắn tin SMS, gọi, truy cập internet, sử dụng ứng dụng, email, mạng xã hội, tin nhắn nhanh (instant messaging – IM) và quay phim. Trong những tiêu chí trên, nếu tính điểm trung bình theo kết quả khảo sát, người dùng Việt Nam “không thông minh” so với người dùng các quốc gia trong khu vực.
Kết quả khảo sát cho thấy cách sử dụng smartphone của người Việt như sau: 95% dùng để nhắn tin, 99% dùng để gọi, 25% dùng để gởi email, 35% dùng ứng dụng, 38% kết nối mạng xã hội, 25% quay phim và 15% dùng IM. Trong những tiêu chí khảo sát trên, chỉ có tiêu chí truy cập internet là điểm son của người tiêu dùng Việt khi vượt qua nhiều nước trong khu vực với tỷ lệ là 68%, đứng sau: Singapore – 82%, Malaysia và Úc – 71%.
Từ kết quả trên, nhiều ý kiến chỉ trích rằng, nhiều người mua smartphone, nhất là các dòng cao cấp chỉ để “khoe của”, “học làm sang”, “chảnh” hơn là khai thác năng lực hiện hữu của chúng. “Những chỉ trích này không sai. Nhưng chỉ trích để làm gì nếu ai đó có hiểu biết tìm cách tư vấn, truyền dạy để họ trở thành người tiêu dùng thông minh hơn”, một chuyên gia về nhóm hàng này chia sẻ. Còn theo ông Ngô Nguyên Kha, tổng giám đốc hãng sản xuất điện thoại di động Mobiistar, “kết quả khảo sát trên thật sự gây sốc với nhà sản xuất điện thoại di động”.
Từng bước “thông minh” hơn…
Nhưng tình hình không đến nỗi “bi đát” như nhiều chuyên gia lo ngại khi kết quả của các cuộc khảo sát gần đây cho thấy chỉ số “thông minh” của người dùng smartphone tại Việt Nam tăng lên bất ngờ. Tháng 4.2013, hãng nghiên cứu thị trường trên điện thoại di động Decision Fuel (Hong Kong) và hãng quảng cáo trên thiết bị di động Inmobi (Anh), đã kết hợp khảo sát hành vi của 1.062 người dùng Việt Nam về thời gian sử dụng các thiết bị di động (chủ yếu là smartphone). Kết quả khảo sát cho thấy: trong 270 phút cho các hoạt động giải trí của một ngày/người, người sử dụng dành hơn 95 phút truy cập internet bằng các thiết bị di động, 47 phút dành cho kết nối internet bằng máy tính để bàn hoặc laptop, trong khi đó các hoạt động giải trí “truyền thống” như: xem tivi – 68 phút, đọc sách báo – 34 phút, nghe radio – 25 phút…
Gần đây hơn, vào tháng 6.2013, với số lượng khách hàng khảo sát khoảng 1.000 người, Google đã có những con số “kỳ lạ” về hành vi sử dụng smartphone của người tiêu dùng Việt Nam: 92% có sử dụng smartphone trong khi chơi game hoặc lướt internet (máy tính bàn hay laptop), xem tivi, đọc sách, nghe nhạc, xem phim… Cũng từ nguồn khảo sát trên, tỷ lệ dùng smartphone kết nối vào internet ngày càng nhiều hơn: 35% sử dụng smartphone so với 29% sử dụng máy tính để bàn, 29% sử dụng laptop, 6% từ máy tính bảng, 2% từ các dòng tivi thông minh.
Nhiều cơ hội
Không quá khó để nhận ra vì sao người sử dụng ở Việt Nam (con số thống kê mới nhất về số lượng smartphone tại thị trường Việt Nam khoảng 18 triệu, 2 triệu thiết bị di động thông minh khác) lại gia tăng giá trị sử dụng của smartphone trong cuộc sống thường nhật. Ông Ngô Nguyên Kha nhận xét về những số liệu trên: “Hành vi tiêu dùng smartphone của người Việt đã có những thay đổi tích cực. Cách sử dụng của họ đã “smart” (thông minh) hơn. Còn tỷ lệ 92% nói lên một giá trị: chiếc smartphone (có cả những thiết bị thông minh khác như máy tính bảng…) ngày càng được khai thác nhiều hơn, trở thành một thiết bị số không thể thiếu trong cuộc sống của người dân, nhất là cư dân đô thị”. Để chiếc smartphone ngày càng gần gũi với người tiêu dùng, trước hết là yếu tố “nhỏ và gọn” hơn các thiết bị khác, giá ngày càng rẻ, cơ hội chia sẻ thông tin sử dụng nhiều hơn.
Xu hướng dùng smartphone Việt Nam ngày càng gia tăng. Đây là cơ hội cho các hãng sản xuất, các nhà khai thác nội dung, ứng dụng và quảng cáo trên chiếc smartphone. Năm 2012, smartphone chỉ chiếm 20% số lượng, 40% doanh thu nhưng năm 2013, tỷ lệ trên đã tăng gấp đôi: 40% số lượng và 80% doanh thu như thông tin từ ông Huỳnh Phước Cường, đại diện GfK Việt Nam. Bà Nguyễn Hoàng Quế Nga, phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh trực tuyến của VNG, nói rằng: “Việc tỷ lệ sử dụng smartphone ngày càng gia tăng nên quảng cáo trên nhóm sản phẩm này là giải pháp tốt nhất hiện nay cho các doanh nghiệp”.
Gia Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét