Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Hiệu quả chưa như mong đợi!

Hiệu quả chưa như mong đợi!

Giảm tải chấn thương chỉnh hình


Hiệu quả chưa như mong đợi!


SGTT.VN - Xây dựng khoa vệ tinh của những bệnh viện chuyên khoa quá tải tại bệnh viện tuyến dưới được xem là ý tưởng tốt để giúp giảm tải phần nào bệnh viện tuyến trên. Thế nhưng, trong khi cách làm này khá thành công ở nhi khoa, thì ở chấn thương chỉnh hình lại gặp nhiều trục trặc cần tháo gỡ.










Áp lực quá tải tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM quá lớn, nhưng các khoa vệ tinh lại chưa chia sẻ được như mong đợi.



Lãng phí nhân lực


Trái với những hy vọng ban đầu, “mối lương duyên” của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM và hai vệ tinh – bệnh viện An Bình và bệnh viện Tân Phú – chưa “khăng khít” dù quan hệ này đã ra đời từ chín tháng đến hơn một năm. Đầu tháng 7.2012, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM ra mắt khoa vệ tinh tại bệnh viện An Bình. Với 100 giường đặt tại đây, nhiều người hy vọng nó sẽ giảm tải được phần nào ở bệnh viện chính, vốn quá chật chội, xuống cấp và công suất khai thác giường đã lên tới 140%.


Nhưng sau hơn một năm kết hợp, hai đơn vị vẫn chưa nhìn cùng hướng đi. Thật ra, khoa vệ tình này thực chất chỉ là chỗ nằm nghỉ dưỡng cho bệnh nhân trước và sau phẫu thuật, chứ không giải quyết được chuyện chuyên môn nào như mong đợi. Muốn phẫu thuật, bệnh nhân vẫn phải đến bệnh viện Chấn thương chỉnh hình dù bệnh viện An Bình có tới sáu phòng mổ. Vì sao có điều trớ trêu như thế? Theo đại diện ban giám đốc bệnh viện An Bình, để mổ bệnh chấn thương chỉnh hình, phòng mổ phải được cải tạo lại cho phù hợp, chưa kể còn phải mua sắm thêm trang thiết bị, điều này chưa làm được vì chưa có kinh phí.


Tình hình khoa vệ tinh chấn thương chỉnh hình bệnh viện Tân Phú cũng không khác. Ra đời vào cuối năm 2012 với mục tiêu 100 giường bệnh, nhưng sau chín tháng hoạt động, khoa mới kê được 30 giường với lượng bệnh hàng ngày tròm trèm 20 người từ bệnh viện Chấn thương chỉnh hình chuyển sang. Bác sĩ Đinh Thanh Hưng, giám đốc bệnh viện Tân Phú, cho biết nơi đây có ba phòng mổ, sẵn sàng để riêng một phòng giải quyết các bệnh chấn thương chỉnh hình, nhưng vấn đề ở đây là bệnh viện không có trang thiết bị chuyên dụng để mổ và bệnh nhân mắc các bệnh này cũng không nhiều. Một bác sĩ khoa ngoại tiết lộ: “Mỗi ngày bệnh viện có 70 – 80 ca cấp cứu, trong đó có 10 – 15 ca chấn thương, còn bệnh nhân nằm ở khoa chỉ khoảng năm người”.


Vướng mắc chính của khoa vệ tinh chấn thương chỉnh hình bệnh viện Tân Phú nằm ở chỗ chưa xây dựng được danh mục kỹ thuật (hợp đồng chuyên môn hai bên chưa có), vì thế bảo hiểm y tế không thể thanh toán cho người bệnh. Chưa gỡ được điều này thì vẫn còn tình trạng lãng phí nhân lực: mỗi ngày bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cử đến đây sáu bác sĩ và mười điều dưỡng, chưa kể hai bác sĩ của bệnh viện Tân Phú sang học nghề, số lượng hùng hậu như thế mà chỉ thăm khám và làm hồ sơ cho 20 bệnh nhân thì quả là uổng phí!


Cần đi vào thực chất


Trong thực tế, dường như những đối tác tham gia khoa vệ tinh chấn thương chỉnh hình chưa thông suốt mô hình này. Lấn cấn chính ở đây có lẽ là cơ chế tài chính chưa rõ ràng, vì thế các bên chưa mặn mà đi tới. Tại buổi làm việc giữa sở Y tế TP.HCM và các bên liên quan vào ngày 3.10, một thành viên ban giám đốc bệnh viện An Bình cho biết một số nhân viên ở đây đặt vấn đề vì sao bệnh viện dành ra một khoa 100 giường, nhưng hàng tháng lại chỉ nhận được 20 – 25 triệu đồng từ đối tác. Trong khi đó, đại diện bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cho rằng câu chuyện ở đây là hai bên chưa xây dựng được cơ chế tài chính. Tại bệnh viện Tân Phú, một lãnh đạo bệnh viện thừa nhận: “Về chuyên môn lẫn tài chính chúng tôi chưa thấy được lợi ích nào”.


Nhưng không chỉ các đối tác tham gia mô hình vệ tinh chấn thương chỉnh hình chưa nhận diện được lợi ích, ngay bệnh nhân cũng chẳng thấy được bao nhiêu lợi ích trong chuyện này. Tại bệnh viện An Bình, để lên khoa vệ tinh chấn thương chỉnh hình ở lầu 1, bệnh nhân phải đi thang bộ vì nơi đây không có thang máy. Cần lưu ý, đây là những bệnh nhân có vấn đề về vận động! Nhiêu khê tiếp theo là muốn làm các biện pháp cận lâm sàng (xét nghiệm, siêu âm), bệnh nhân diện bảo hiểm y tế phải quay lại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình để làm, vì quan hệ giữa hai đơn vị chưa được Bảo hiểm xã hội TP.HCM công nhận. Không công nhận nên không thể thanh toán chi phí bảo hiểm! Ở bệnh viện Tân Phú, cơ sở vật chất rất sạch đẹp, khang trang và rộng rãi vì bệnh viện ra đời chưa đến một năm, nhưng bệnh nhân của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình không ai muốn đến vì quá xa và chưa đủ niềm tin. Một bác sĩ của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình nói: “Chúng tôi phải chụp hình bệnh viện Tân Phú và giới thiệu cặn kẽ, bệnh nhân mới chịu đến”.


Với những đặc thù khác biệt về bệnh lý, phương pháp và trang thiết bị điều trị so với nhi khoa, sự trục trặc bước đầu của mô hình vệ tinh chấn thương chỉnh hình cũng là dễ hiểu. Thế nhưng câu chuyện ở đây là cần sự vào cuộc gỡ rối từ sở Y tế và Bảo hiểm xã hội TP.HCM. Một điều quan trọng không kém: Đã đến lúc ngành y tế cần ngồi lại tổng kết mô hình vệ tinh của nhiều chuyên khoa khác nhau, nhận ra những vấn đề cần khắc phục, nhằm đưa mô hình đi vào thực chất. Trước áp lực quá tải bệnh nhân chấn thương chỉnh hình, vừa qua bộ Y tế đã đặt vấn đề xây dựng bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tại bệnh viện 175. Trong khi đó, có thông tin bệnh viện đa khoa Sài Gòn cũng muốn phát triển khoa chấn thương chỉnh hình. Sự phát triển những cơ sở này chắc chắn đòi hỏi căng kéo nhân lực của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.


Một bác sĩ lâu năm trong ngành băn khoăn: “Phải chi viện nhân lực giỏi đi khắp nơi, tại chỗ còn người đâu để làm việc?”


bài và ảnh: Phan Sơn






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ