Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Ngày tê giác thế giới 22.9: Nhớ tê giác

Ngày tê giác thế giới 22.9: Nhớ tê giác

Ngày tê giác thế giới 22.9: Nhớ tê giác


SGTT.VN - "Sừng tê giác không thể hiện đẳng cấp cũng không phải là thần dược” là thông điệp được chia sẻ tại buổi họp báo hôm 20.9 nhân Ngày tê giác thế giới 22.9, cũng là những chia sẻ của đoàn đại biểu Việt Nam sau chuyến thăm và làm việc tại Nam Phi vừa qua, hiểu hơn hậu quả của nạn săn bắn, buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia.


Bất chấp những nỗ lực của các chính phủ châu Phi nhằm bảo vệ voi và tê giác, nhu cầu dường như vô tận về ngà voi và sừng tê giác ở châu Á đang đe doạ sự tồn tại của những loài vật kỳ diệu này.










Tê giác ở Vườn quốc gia Kruger Nam Phi.



Với những ai biết rằng con tê giác Java hoang dã duy nhất cuối cùng của nước ta phát hiện bị bắn chết thê thảm tháng 4.2010 - đúng vào năm Liên Hợp Quốc chọn là Năm Quốc tế về Đa dạng sinh học (ĐDSH), đưa VN vào danh sách quốc gia không còn tê giác, thì ngày 22.9 hằng năm - Ngày Tê giác Thế giới cũng có thể xem là một ngày đượm những nỗi buồn, nỗi nhớ khi loài tê giác không còn ở nước ta nữa.


Cũng mới đây, buổi chiếu phim tư liệu "Cuộc chiến tranh săn bắt” về bảo vệ loài tê giác và voi trên thế giới gợi nhiều cảm xúc cho bất cứ ai. Bộ phim do ITV sản xuất, theo dấu chân của Tom Hardy - ngôi sao của bộ phim "Người Dơi”, đi qua Nam Phi, Botswana, Mozambique và Tanzania. Tại đó, Hardy đã phát hiện ra những chiến thuật tàn bạo được sử dụng để giết chết tê giác, voi để lấy sừng và ngà bởi những kẻ tội phạm, trong số đó có những người đến từ Việt Nam.


Sự tấn công vào những con tê giác khiến ĐDSH trên thế giới gánh chịu tổn thất không bao giờ có thể bù đắp được. Còn tại Việt Nam, từ câu chuyện tuyệt chủng tê giác vẫn đang lộ rõ lỗ hổng rất lớn về trách nhiệm trong cuộc chiến chống săn bắt trộm loài tê giác và chống săn bắt, buôn bán động vật hoang dã nói chung.


Hồi đó, cuối tháng 4.2010 khi phát hiện vụ việc tê giác Java Việt Nam cực kỳ quý hiếm chết tại VQG Cát Tiên, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) khẩn thiết đề nghị mở cuộc điều tra trên diện rộng. Giám đốc VQG này mạnh mẽ lên tiếng đề nghị cơ quan chức năng áp dụng biện pháp khẩn cấp truy tìm chiếc sừng tê giác bị kẻ gian lấy đi. Nhưng từ đó đến nay, thủ phạm tiêu diệt tê giác Java cuối cùng của nước ta vẫn là ẩn số. Cũng không một quan chức nào bị xử lý, truy tố vì "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.


Khi con tê giác cuối cùng qua đời đau đớn vì bị bắn chết, một quan chức bộ TN&MT đã nói thẳng: VQG Cát Tiên là của bộ NN&PTNT, không phải của bộ TN&MT. Thực ra có hơn 2 bộ chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, môi trường và ĐDSH. Nhưng lại không dễ truy thủ phạm trực tiếp, gián tiếp khi sự cố lớn nhỏ xảy ra.


Tê giác tại Nam Phi giờ đây vẫn đứng trước thảm cảnh "ngàn cân treo sợi tóc”. Tình trạng buôn lậu sừng tê giác từ Nam Phi về Việt Nam mỗi lúc một nóng bỏng và nhuốm màu bi kịch. 9 tháng đầu năm nay, đã có 635 cá thể tê giác bị săn bắn để lấy sừng và gần 2/3 trong số đó bị giết hại ngay tại VQG Kruger, nơi đoàn VN vừa tới thăm.


Nói tê giác Nam Phi nhuốm màu bi kịch là bởi giới bảo tồn đã buộc phải chọn giải pháp "tiêm thuốc độc” vào sừng tê giác. Thông tin trên đây được hiệp hội Bảo tồn ĐVHD Chương trình Việt Nam (WCS) công bố với báo chí từ cuối năm ngoái và phải đến tháng 4 năm nay, công việc này mới chính thức được áp dụng tại khu Bảo tồn Động vật Sabi Sand Wildtuin của Nam Phi. Nếu một trong số các tê giác nói trên bị bắn lấy sừng thì kẻ "ăn” hay "uống” phải bột sừng này sẽ bị co giật, nôn mửa. Chuyên gia cũng tẩm lên sừng tê giác loại bột đặc trưng để cơ quan thực thi pháp luật dễ dàng soi chiếu, phát hiện.










Tê giác Java Việt Nam đã bị tuyệt chủng.



Theo ước tính, quy mô thị trường chợ đen về ĐVHD chỉ kém buôn bán vũ khí và ma tuý. Những tay chuyên buôn lậu sừng tê giác, kể cả các trọc phú Việt Nam biết rõ vụ tiêm thuốc độc này nhưng các vụ vận chuyển sừng tê giác từ Nam Phi về Việt Nam vẫn tăng một cách bất bình thường.


Mới đây tôi có dịp được xem bộ phim ngắn thứ hai của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) trong năm nay, khuyến khích người dân không tiêu thụ sừng tê giác. Phim rất cảm động và dễ hiểu với hình ảnh những dấu thập "xóa sổ” tê giác ở nhiều nơi trên trái đất, với bản tay nâng niu tê giác con, với số điện thoại đường dây nóng miễn phí thiết thực giúp bất cứ ai cũng có thể hỗ trợ bảo vệ loài tê giác. Chính xác là "Nếu bạn thấy sừng tê giác bị quảng cáo hoặc buôn bán, hãy thông báo cho cơ quan chức năng địa phương hoặc gọi tới đường dây nóng miễn phí 1800 1522” hoặc gửi thư điện tử về cho chúng tôi qua địa chỉ hotline@fpt.vn. Đây cũng là phim ngắn thứ 16 mà ENV đã sản xuất trong chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm có liên quan tới ĐVHD.


Cá thể tê giác cuối cùng ở VN bị giết năm 2010 để lấy sừng. Vậy tiếp theo sẽ là loài nào, voi, hổ, vượn, hay là loài nào khác? Để chấm dứt nạn giết hại tê giác trái phép để lấy sừng, cần có sự thực thi pháp luật nghiêm minh của các cơ quan chức năng cũng như sự ủng hộ và tham gia tích cực từ cộng đồng. "Sừng tê giác không thể hiện đẳng cấp cũng không phải là thần dược” - thông điệp này cần truyền đi nhanh hơn, khẩn cấp hơn nhân Ngày Tê giác Thế giới 22.9 năm nay.


Theo Đại Đoàn Kết






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ