Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp

Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp

Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp


SGTT.VN - Ngày 4.9, tại TP Cần Thơ, hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với bộ NN&PTNT, hội Nông dân Việt Nam tổ chức, đã trải qua ngày đầu tiên trong chuỗi làm việc hai ngày.


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thừa nhận qua từng giai đoạn phát triển, mặc dù những cơ chế, chính sách đã gặt hái thành công nhất định nhưng vẫn còn nhiều bất cập, có chính sách chưa phát huy được hiệu quả. Đứng trước thực tế nước ta đang hội nhập sâu và cạnh tranh thị trường rất khắt nghiệt với thế giới thì chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang những mô hình liên kết là việc nên làm.










Các FF ra đồng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với nông dân. Ảnh: Tô Phước



Đánh giá cao vai trò của việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhà nước cần hỗ trợ thông tin về thị trường- mắt xích nối kết giữa nông dân và doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Tổ chức sản xuất phải dựa trên nhu cầu thị trường, cơ chế chính sách, phân bổ lợi nhuận giữa nông dân – doanh nghiệp không thể máy móc mà phải linh hoạt cho từng ngành nghề khác nhau”.


Theo bộ NN&PTNT, mô hình cánh đồng mẫu lớn là một trong những mô hình liên kết đạt hiệu quả cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tham gia cánh đồng mẫu lớn, nông dân có thể giảm được từ 10% đến 15% chi phí sản xuất, giá trị sản lượng tăng 20%-25%, thu lời thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.


Tuy mô hình cánh đồng mẫu lớn từ các tỉnh Nam bộ đã lan ra các vùng, miền trong cả nước nhưng vẫn còn có nhiều hạn chế và thách thức do chủ yếu tập trung hỗ trợ đầu vào mà chưa giải quyết được khâu tiêu thụ. Sự liên kết và chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa hài hoà. Tình trạng được mùa mất giá vẫn tiếp tục xảy ra khiến người sản xuất lo lắng, không yên tâm đầu tư. Trong các chuỗi giá trị nông sản, việc đầu tư vào khâu chế biến và bảo quản vẫn còn những bất cập, vì thế giá trị gia tăng của các sản phẩm nông sản chưa cao.


Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích áp dụng, đầu tư công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhưng số lượng các doanh nghiệp được chứng nhận là “Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao” chỉ dừng lại ở còn số 5 doanh nghiệp trong cả nước. Một số mô hình liên kết, tuy doanh nghiệp đã hỗ trợ giống, vốn đầu vào và chia sẻ được rủi ro với nông dân nhưng số lượng hộ nông dân có đủ điều kiện để liên doanh, liên kết sản xuất với doanh nghiệp còn ít…


Chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình cánh đồng mẫu lớn, ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang cho biết, đảm bảo hài hòa lợi ích cho nông dân – doanh nghiệp là một trong những ưu tiên số một. Hiện nay, công ty đang thực hiện cổ phần hóa các nhà máy từ những bước đầu tiên là phát hành riêng lẻ 5% vốn điều lệ nhằm phân bổ hài hòa lợi ích giữa hai bên. Theo ông Thòn, người làm chủ trong chuỗi giá trị chính là doanh nghiệp, bởi vì doanh nghiệp mới là người thu mua, có đủ tiềm lực tài chính, có năng lực quản lý và hơn hết là hiểu thị trường hơn nông dân. Khó khăn mà ông Thòn cho biết chính là việc chuyển giao khoa học kỹ thuật từ lực lượng FF (Farmer’s Friend) xuống nông dân. “Nông dân đã quen sản xuất theo kiểu “thích thì làm, không thích thì thôi”, nhiều người bảo thủ dữ lắm, nhất là những nông dân có kinh nghiệm. Công ty đang hướng phát triển lực lượng FF lên 4.000 người, niềm tin giữa hai bên là quan trọng, nhưng nếu thời gian tới lực lượng này không bắt kịp tiến bộ KHKT, chưa đủ năng lực thì sẽ càng xa nông dân, chính vì vậy mà tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà nước, đặc biệt là những nhà khoa học.” Ông Thòn nói.


Ông Lê Quốc Doanh, thứ trưởng bộ NN&PTNT, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp” cho biết : “Đây là tiền đề cho sự đổi mới các phương thức sản xuất, thúc đẩy sự ra đời của các mô hình sản xuất mới, hiệu quả và bền vững trong nông nghiệp.










Nông dân Indonesia tham quan cánh đồng mẫu trồng giống ST 20 ở Sóc Trăng. Ảnh: Ngọc Bích



Ông Nguyễn Duy Lượng, phó chủ tịch thường trực hội Nông dân Việt Nam cho rằng, chính sách tín dụng hiện nay chưa thực sự tạo điều kiện cho các loại hình hợp tác vay vốn để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các loại hình hợp tác xã…nhằm nâng cao nguồn lực lâu dài cho các mô hình để quản lý, kinh doanh có hiệu quả, mở rộng liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế. Chính sách bình ổn giá các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, thành lập quỹ hỗ trợ nông dân trong sản xuất và công nghệ sau thu hoạch và có cơ chế để doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có trách nhiệm trong việc đầu tư...


Ông Nguyễn Văn Tắt, nông dân tại TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang kiến nghị: "Nông dân cũng cần có thông tin chính xác về thị trường, vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng trong mối liên kết. Lợi nhuận thật sự của nông dân cần được xem xét, tính lại".


Theo ông Tắt, gia đình ông có 4 người với 4ha đất trồng lúa, ví dụ một năm thu lợi 120 triệu đồng, chia 12 tháng thì số tiền đó sẽ không thấm vào đâu cho chi phí sinh hoạt và lo học hành cho hai đức con thì làm sao dư? Trên thực tế, diện tích ruộng như gia đình ổng Tắt là diện tích lý tưởng trong khi bình quân ruộng đất ở ĐBSCL đã giảm rất nhiều. Thậm chí có nơi chỉ khoảng 5 công đất (5000 m2)/nông hộ (4 người).


Đặng Huỳnh – Ngọc Bích






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ