Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Tái ngộ Milan Kundera từ một cuộc gặp gỡ

Tái ngộ Milan Kundera từ một cuộc gặp gỡ










Tái ngộ Milan Kundera từ một cuộc gặp gỡ


SGTT.VN - Một cuộc gặp gỡ là cuốn sách mới về nghề văn của Milan Kundera, nhà văn Pháp gốc Tiệp nổi tiếng thế giới. Nói đúng hơn, đây là cuốn sách về văn chương nghệ thuật, vì trong đó tác giả không chỉ viết về các nhà văn mà còn về các hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà điện ảnh.











Tác giả đề ngay ở trang đầu nói rõ đây là “cuộc gặp của các suy tư và kỷ niệm của tôi; các chủ đề lâu năm (hiện sinh và mỹ học) và các tình yêu lâu năm của tôi (Rabelais, Janacek, Fellini, Malaparte...)”


Nhan đề là Một cuộc gặp gỡ (Une rencontre), nhưng thực ra trong cuốn sách này Milan Kundera đã có nhiều cuộc gặp với nhiều tác giả qua các bài đọc sách, trò chuyện, phân tích. Tựu trung ở đây câu chuyện vẫn là bàn về tiểu thuyết, về nghệ thuật, là sự tra vấn về nghệ thuật và quan hệ của nó đối với thế giới, tiếng cười, cái chết, sự lãng quên và ký ức. Những chủ đề này đã từng được Kundera bàn đến trong các cuốn sách trước của ông như Nghệ thuật tiểu thuyết, Bản di chúc bị phản bội, Bức màn. Trong Một cuộc gặp gỡ, ông đi vào từng tác phẩm, tác giả cụ thể. Nghệ thuật là gì? Bằng vào trường hợp nhạc sĩ Schonberg, Kundera viết: “Là cách để giữ toàn vẹn cái phổ tình cảm và suy tưởng để cho cuộc sống không bị thu hẹp lại trong chiều kích duy nhất của sự hãi hùng”. Còn tiểu thuyết trong tương quan với lịch sử được nhìn thấy qua một tác phẩm của Philippe Roth: “Nếu ngày trước, lịch sử tiến lên chậm hơn cuộc đời của con người, thì ngày nay nó tiến lên nhanh hơn, nó chạy, nó tuột khỏi con người, thành thử tính liên tục và bản sắc của một cuộc đời có nguy cơ tan vỡ. Nên nhà tiểu thuyết cảm thấy nhu cầu giữ lại bên cạnh lối sống của chúng ta ký ức về cái lối sống, rụt rè, đã bị quên lãng nhiều rồi, của các vị tiền bối của chúng ta”.


Nhà văn Nguyên Ngọc dịch cuốn sách này là cuốn thứ ba của Milan Kundera. Cả ba cuốn đều là sách tiểu luận (hai cuốn trước là Nghệ thuật tiểu thuyết và Bản di chúc bị phản bội). Những ý tứ sâu xa, phức hợp, những cách diễn đạt nhiều tầng nghĩa, những liên hệ so sánh nhiều tầng văn hoá, nhiều bộ môn nghệ thuật trong văn bản của Kundera đã được Nguyên Ngọc chuyển dịch linh hoạt, tự nhiên và sâu sắc. Une rencontre bản tiếng Pháp xuất bản năm 2009, bản tiếng Việt Một cuộc gặp gỡ (Nhã Nam & NXB Văn Học) vừa ra mắt trong tháng 8 qua.


Phạm Xuân Nguyên









Cái hài mà chẳng có hài


Từ điển định nghĩa cái cười là phản ứng “gây nên bởi một điều gì đó buồn cười hay hài”. Nhưng có đúng thế không? Từ cuốn Chàng ngốc của Dostoievski, có thể rút ra cả một tuyển tập những cái cười. Có điều lạ, những nhân vật cười nhiều nhất lại ít khiếu hài hước nhất, ngược lại đấy chính là những người không hề có chút gì cái chất ấy. Một đám người trẻ tuổi bước ra từ một biệt thự thôn dã để dạo chơi; trong đám họ, ba cô gái “cười một cách hết sức khoái trá vì những câu chuyện phiếm của Evguéni Pavlovitch, cho đến cuối cùng anh chàng này ngờ rằng có thể thậm chí họ chẳng còn nghe anh ta nói gì”. Mối nghi ngờ ấy “khiến anh đột nhiên cười phá lên”. Một nhận xét tuyệt vời: trước tiên là một cái cười tập thể của các cô gái, trong khi cười, quên mất lý do khiến họ cười, và tiếp tục cười chẳng vì lý do gì cả; rồi đến cái cười (cái cười này rất hiếm, rất quý) của Evguéni Pavlovitch nhận ra rằng cái cười của các cô gái chẳng có lý do hài hước nào hết và, trước cái hài mà chẳng có hài đó, anh phá lên cười.


(…) Tôi ngồi trước màn hình vô tuyến; buổi truyền hình tôi đang thấy trên đó rất ồn ào, có những người dẫn chương trình, những diễn viên, những ngôi sao, những người nhà văn, những ca sĩ, những người mẫu, những nghị sĩ, những vị bộ trưởng, những bà vợ của các vị bộ trưởng và hễ có bất cứ một cái cớ gì đó là họ phản ứng bằng cách mở rộng mồm, phát ra những tiếng rất to, làm những cử chỉ quá đáng; nói cách khác, họ cười. Và tôi hình dung Evguéni Pavlovitch đột nhiên xuất hiện giữa đám người ấy và nhìn thấy cái cười chẳng có bất cứ lý do hài hước nào hết; thoạt tiên, anh hoảng hốt, nhưng rồi dần dần nguôi đi và, cuối cùng, cái hài mà chẳng có hài ấy khiến anh “bất ngờ phá lên cười”. Đến lúc ấy, những người cười, ít lâu trước đó đã nhìn anh một cách nghi ngại thấy yên tâm và đón nhận anh một cách ồn ào vào thế giới của những cái cười không có hài của họ, nơi chúng ta bị buộc phải sống”.


(Trích Một cuộc gặp gỡ, trang 27 – 30)







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ