Bệnh viện “vệ tinh sáu trong một”
SGTT.VN - Tháng 5.2012, ban giám đốc bệnh viện quận 2 (TP.HCM) mời giới truyền thông dự lễ ra mắt khoa nhi vệ tinh bệnh viện Nhi Đồng 2, mô hình nhằm nâng cao uy tín bệnh viện, thu hút bệnh nhân để giảm tải tuyến trên. Tôi tự hỏi: “Phải chăng lại chạy theo phong trào, làm sao kéo bệnh nhân đến một bệnh viện “èo uột” như thế được?”
Ngoài hành lang chờ khám bệnh luôn đông người ngồi chờ, cho thấy bệnh viện “hút” được bệnh nhân: năm 2011 bình quân mỗi ngày bệnh viện có khoảng 300 lượt khám chữa bệnh, năm 2012 con số này tăng vọt lên 1.000! Ảnh: Thanh Hảo |
Thật tình, cũng như nhiều người viết báo y tế khác, tôi nghi ngờ về sự đi tới của bệnh viện này, bởi từ lúc tách khỏi trung tâm y tế dự phòng vào năm 2008, trải qua 2 – 3 đời lãnh đạo, nhưng bệnh viện luôn trong cảnh... “chợ chiều”. Cảm nhận đầu tiên của tôi không sai so với tưởng tượng. Bệnh viện khang trang, nhiều cây xanh thật, nhưng lưa thưa… bệnh nhân. Hôm đó, người giám đốc mới, bác sĩ Trần Văn Khanh, nguyên bí thư đoàn trường đại học Y dược TP.HCM, nói rồi đây bệnh viện sẽ thu hút nhiều bệnh nhân vì ngoài khoa nhi vệ tinh còn có thêm phòng khám vệ tinh của những bệnh viện tên tuổi khác.
Thay đổi
Cuối năm, quay lại bệnh viện quận 2, tôi thấy suy nghĩ của mình đã nhầm, bởi thực tế việc mang thương hiệu bệnh viện tuyến trên về đã có kết quả. Tại hành lang chờ khám bệnh, những dãy ghế đã có người ngồi chờ, cho thấy bệnh viện “hút” được bệnh nhân. Số liệu cũng chứng minh như thế: nếu năm 2011 bình quân mỗi ngày bệnh viện có khoảng 300 lượt khám chữa bệnh, năm 2012 con số này tăng vọt lên 1.000! Trước nhiều buồng khám, bệnh nhân có thể yên tâm chờ đợi khi biết được mình sẽ được tư vấn và khám bởi bác sĩ đến từ những bệnh viện danh tiếng: tiết niệu và nam khoa có bệnh viện Bình Dân, tim mạch có viện Tim, hô hấp có bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, gan mật có bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Còn nếu muốn được bác sĩ theo dõi bệnh có hệ thống, bệnh nhân có thể đến phòng khám thực hành bác sĩ gia đình của đại học Y dược. Sáu phòng khám vệ tinh trong một bệnh viện, bao phủ phần lớn mô hình bệnh tật cộng đồng địa phương, bệnh nhân đến nhiều cũng đúng.
Nếu chỉ “ăn theo” tên tuổi tuyến trên, chắc chắn bệnh viện quận 2 khó phát triển bền vững. Vì thế, lãnh đạo bệnh viện chọn một hướng đi khác: mời bác sĩ giỏi về điều trị những ca khó, vừa tạo uy tín, vừa chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ trẻ tại chỗ để từ đó nâng cao chất lượng bệnh viện. Gặp bác sĩ Trần Văn Khanh mới đây, ông hồ hởi cho biết mặc dù là bệnh viện hạng 3, nhưng năm qua bệnh viện quận 2 đã được sở Y tế TP.HCM duyệt thực hiện 600 kỹ thuật vượt tuyến, những kỹ thuật dành cho bệnh viện hạng 2 và hạng 1. Điều này không khác gì xác nhận bệnh viện quận 2 đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người làm được những kỹ thuật khó.
Nhiều ca cụ thể chứng minh những gì bác sĩ Khanh nói. Mới nhất, ngày 19.8.2013, khoa sản bệnh viện tiếp nhận một ca sanh thường. Nhập viện buổi trưa, buổi chiều sản phụ vỡ ối, số lượng hơn 1.200ml, dây rốn sa vào âm đạo. Tình trạng nguy cấp, nhưng bệnh viện đã mổ lấy thai cấp cứu, kịp thời cứu sống em bé. Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thị Bích Hường, trưởng khoa sản, cho biết: “Nếu bệnh viện không đủ cơ sở vật chất và con người, tính mạng em bé hoàn toàn bị đe doạ. Trường hợp này, nếu chuyển viện cũng gặp rất nhiều khó khăn”. Hướng đi đúng mang đến kết quả tích cực. Nếu năm qua, các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ đến hỗ trợ bệnh viện quận 2 gần như làm hoàn toàn mọi phần việc, thì năm nay thường họ chỉ đứng sau lưng hỗ trợ. Nhờ thế, giờ đây khoa sản bệnh viện quận 2 làm được nhiều “chuyện lớn”, từ đỡ sanh ngôi ngược, mổ lấy thai trên bệnh nhân vết mổ cũ, mổ u nang buồng trứng và u xơ tử cung lớn, cắt tử cung qua nội soi, cấp cứu thai ngoài tử cung vỡ… Thật bất ngờ nếu biết rằng cách đây hơn hai năm, ở đây người ta chỉ đỡ được những ca sanh thường, sanh khó còn không đỡ được, nói chi đến mổ xẻ! Nhưng không chỉ khoa sản, những khoa khác cũng điều trị được nhiều ca khó như gãy cổ xương đùi, thay khớp háng, nối gân vi phẫu; mổ cắt ung thư dạ dày, đại tràng, trực tràng; cấp cứu thành công một số ca tai nạn lao động vỡ gan, vỡ lách, vật nhọn đâm thủng phổi.
Nhiều ước mơ đi tới
Quay lại bệnh viện quận 2 tuần qua, chúng tôi chứng kiến sự thay đổi diễn ra trước mắt. Trước khoa nhi vệ tinh bệnh viện Nhi Đồng 2, đã 10 giờ 30 sáng nhưng hơn chục bà mẹ vẫn chờ đưa con vào khám. Sáu tháng đầu năm nay, lượng bệnh đến khám tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Ở những phòng khám vệ tinh khác, lượng bệnh còn tăng nhiều hơn: phòng khám chuyên khoa gan của bệnh viện Bệnh nhiệt đới tăng 3,5 lần, phòng khám bác sĩ gia đình tăng hơn năm lần!
Để đánh giá sự phát triển, nếu con số là thước đo định lượng, thì đánh giá của bệnh nhân có thể được xem là thước đo định tính. Chị My, 28 tuổi, ngụ tại phường Bình Trưng Tây, có con khám tại phòng khám nhi vệ tinh nói: “Trước đây, tôi chỉ đưa con đến bệnh viện này chữa những bệnh thông thường, bệnh nặng đưa lên bệnh viện thành phố cho chắc ăn. Nhưng từ ngày phòng khám vệ tinh bệnh viện Nhi Đồng 2 ra đời, tôi an tâm đưa con mình vào khám mọi loại bệnh. Bác sĩ ở đây chữa tốt lắm, từ rày khỏi mắc công đi xa”.
Tại khoa sản, bác sĩ Bích Hường dẫn tôi thăm sản phụ Nguyễn Thị Kim Oanh mới sanh hôm trước. Đó là một ca sanh mổ vì mẹ sanh lần đầu và con to (sanh ra bé nặng 4kg). Nhà ở phường Long Trường (quận 9), nhưng gần nhà có người từng sanh ở bệnh viện quận 2, nên chị Oanh quyết định đến đây thay vì lên bệnh viện tuyến trên. Ở một phòng khác, sản phụ Nguyễn Thị Tuyết Nga, ngụ tại quận 2, cười hớn hở khi gặp lại bác sĩ Bích Hường, người hôm trước giúp chị sanh không đau bằng kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng. Thật cảm động khi vào thăm chị Nga còn có chị chồng, người cũng từng sanh ở bệnh viện quận 2 trước đó hơn một năm. Nghĩ lại, thu hút niềm tin người dân trong khám chữa bệnh dường như không quá khó, chỉ cần nhân viên y tế làm tốt, tận tình, hết trách nhiệm là đủ. Anh Điểu Simong, chồng chị Nga, nói: “Bệnh viện này giờ đây tốt lắm, nhiều người dân tin tưởng. Chứ trước kia họ tìm đến chỗ khác chữa, ít khi nào vào đây”.
Phan Sơn
Lột xác Đến bệnh viện quận 2 những ngày này, người ta có thể chạm thấy sự thay đổi đang diễn ra ở mọi nơi. Phía trước là cảnh công nhân sơn, sửa lại mặt tiền cho khang trang. Phía sau là một công trường nhỏ đang hối hả cho ngày ra đời khoa vệ tinh bệnh viện Ung bướu 150 giường vào tháng 11 này. Bác sĩ Khanh cho biết khoa này sẽ tập trung điều trị giảm nhẹ cho bệnh nhân ung bướu nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Ông không giấu giếm tôi ước mơ di dời khu hành chính hiện nay để mở rộng khoa nội thêm 40 giường vì nơi đây bắt đầu quá tải, rồi ước mơ phát triển kỹ thuật điều trị vô sinh, điều trị sâu các bệnh lý võng mạc cho người bị tiểu đường… Một cuộc lột xác thực sự đang diễn ra ở bệnh viện quận 2. Ngày đầu thành lập đó chỉ là một bệnh viện chỉ tiêu 50 giường, năm 2012 lên 160 giường và năm nay 210 giường (thực kê 220 giường). Bệnh nhân đến đây không chỉ là dân quận 2, mà còn đến từ quận 4, 7, 9, huyện Nhà Bè và cả huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai)! |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét