Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Vui buồn làng rác!

Vui buồn làng rác!

Vui buồn làng rác!


SGTT.VN - Xà Cầu là một thôn nằm ngay sát quốc lộ 21B, thuộc xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, TP Hà Nội. Trước đây Xà Cầu có nghề làm tăm hương truyền thống nhưng do làm theo lối thủ công không đáp ứng được thị trường nên người Xà Cầu bắt đầu đi tìm một nghề mới để mưu sinh.










Ngày ngày, nhiều người như chị Hạnh vẫn mang phế liệu ra rửa ở ao làng.



Khoảng chục năm trước, một số phụ nữ ở Xà Cầu đi đổi đồng nát sắt vụn rồi bán cho các đại lý. Nghề này được phát hiện là “khá ngon ăn” hơn làm nghề khác. Vậy là người ta đua nhau đi thu mua đồng nát sắt vụn. Từ việc mua đi bán lại, dần dần người làng Xà Cầu đã biết sơ chế để bán cho các đại lý, nhà sản xuất để được giá cao hơn. Sau hơn mười năm mang nghề rác về làng, cho đến nay theo thống kê của thôn đã có 220 hộ với khoảng trên 500 lao động ở Xà Cầu tham gia trực tiếp vào việc mua bán, sơ chế phế liệu. Bà Lý Thị Chẹm năm nay 60 tuổi, đã gom nilông để tái chế suốt 14 năm qua. Một thứ tưởng như rẻ rúng đó, vậy mà sau nhiều năm làm nghề, gia đình bà đã xây được căn nhà hai tầng khang trang, sắm đầy đủ trang thiết bị tiện nghi trong nhà. Đặc biệt từ nghề rác này, gia đình bà còn tậu được một chiếc ôtô “để đi chơi hoặc đi bàn công việc cho thuận tiện”!


Gần đó, bà Nguyễn Thị Thung cùng con trai đứng ra lập đại lý thu mua đồ nhựa đã được sơ chế về đóng bao để bán cho các nhà máy tái chế cách đây mười năm. Hiện nay nhà bà luôn có ba xe tải để chở hàng với một đội ngũ bốc vác chuyên nghiệp. Mỗi tháng gia đình bà Thung mua đi, bán lại khoảng 150 – 200 tấn nhựa sơ chế. Phó thôn Nguyễn Bá Tài đưa chúng tôi đi qua nhà bà Thung và phát biểu: “Thử hỏi nếu làm nông nghiệp liệu bà Thung có được như thế không”. Ngoài ra, ở Xà Cầu có khoảng 4 – 5 người chuyên làm nghề rã xe máy và đều trở nên giàu có. Họ sẵn sàng mua ngay cả lô 100 – 200 con xe máy cũ với giá cả trăm triệu đồng về phá nát, bán phụ tùng.


Theo ông trưởng thôn Xà Cầu, cũng nhờ vào nghề rác, mà hiện tại thôn này có gần 200 biệt thự, nhà cao tầng, 170 ôtô tải để làm nghề và nhiều ôtô riêng, ôtô du lịch. Nhưng, bên cạnh những mặt tích cực về kinh tế, việc thu gom rác thải để tái chế của thôn đã và đang gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến môi trường cũng như sức khoẻ người dân. Đến Xà Cầu, từ cổng làng, sân đình, đường làng đến nhà của các hộ gia đình đâu đâu cũng thấy rác: nhựa chai lọ, nhựa y tế, bao tải, nilông, ống nước… những chai nhựa chất thành núi cao trong nhà. Tất cả các loại nhựa này được rửa sạch, nghiền nhỏ, sau đó phơi khô rồi bán cho các nhà máy tái chế nhựa. Trước khi tới tay các nhà máy sản xuất, nhựa đã được nghiền nhỏ bày phơi la liệt trên đường làng, trong nhà.


Hàng ngày, có hàng trăm tấn rác thải được gom về thôn Xà Cầu nhỏ bé, thoạt trông diện tích của thôn không đủ để chứa hết rác, cho nên có hộ gia đình cũng phải ăn cùng rác, ngủ cùng rác. Khi rác được gom về thì bốc mùi hôi thối làm ô nhiễm không khí, khi rửa phế liệu để nghiền thì nước thải bẩn thải trực tiếp ra kênh, mương chảy qua thôn. Thậm chí, dòng sông Nhuệ chảy qua địa phận của Xà Cầu cũng đen kịt vì bẩn khi các hộ gia đình mang rác ra sông rửa. Chị Nguyễn Thị Hạnh, 40 tuổi, thành viên trong một hộ gia đình làm nghề này hơn sáu năm nay, thừa nhận: “Làng này giờ bẩn và ô nhiễm lắm rồi. Thấy nhiều người đổ bệnh mà sợ”. Biết vậy, nhưng theo chị Hạnh “chỉ cấy lúa thì không đủ chi tiêu hàng ngày”.


Do vấn nạn ô nhiễm môi trường từ nghề rác thải, phế liệu đang rất báo động ở Xà Cầu nên các cơ quan chức năng xã, huyện đã có ý kiến quy hoạch một khu công nghiệp để cho những hộ sản xuất, kinh doanh ra đó hoạt động. Nhưng dự án quy hoạch đó hiện vẫn chỉ nằm trên giấy. Hiện nay bốn xóm ở Xà Cầu mới có nước sạch ở hai xóm. Hai xóm còn lại vẫn phải dùng nước giếng khoan. Với việc diện tích nước mặt ao, hồ, giếng làng đã không thể sử dụng được, thì chắc chắn mạch nước giếng khoan cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm.


Trưởng thôn Nguyễn Bá Huê nói: “Ô nhiễm trong thôn rất nặng, nhưng hiện tại xã hay huyện chưa có biện pháp xử lý thích hợp để khắc phục tình trạng này”. Ông Huê cho rằng, nghề này muốn phát triển trong tương lai cần áp dụng khoa học kỹ thuật để xử lý nước thải, hơn nữa di dời khu tập kết rác ra xa khu dân cư cũng là một biện pháp khả quan, nhưng vẫn chưa làm được!


bài và ảnh: Vương Bích – Hải Dương






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ