Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”

Chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”

Chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”


SGTT.VN - Chất lượng giáo dục phổ thông nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục. Chương trình sách giáo khoa (SGK) còn thiên về truyền đạt kiến thức, chưa cân đối dạy “chữ” với dạy “người”. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý chưa đáp ứng được nhu cầu nói chung… Đây là kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, SGK giáo dục phổ thông được Uỷ ban thường vụ Quốc hội công bố ngày 15.8 tại Hà Nội.


Báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm uỷ ban Văn hoá – giáo dục – thanh niên – thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, quy trình biên soạn chương trình SGK giáo dục phổ thông ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học. Hội đồng Chỉ đạo quốc gia được thành lập muộn so với các ban chỉ đạo cấp học. Không có tổng chủ biên chung cho môn học của tất cả các cấp học. Thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực phát triển chương trình giáo dục phổ thông và có điều kiện tiếp thu một cách hệ thống kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt, chương trình SGK được biên soạn còn chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”, giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Một số nội dung khối lượng kiến thức nhiều, dẫn đến sự “quá tải”.


Thay vì phải xây dựng một chương trình chuẩn, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp học, lớp học, môn học với những tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu năng lực, kiến thức cụ thể cần đạt được trước khi tiến hành viết SGK, thì thực tế mới chỉ xây dựng được chương trình khung để các tác giả căn cứ vào đó viết SGK. Sau khi có SGK đưa vào dạy thử nghiệm mới xác định chuẩn chương trình và phê duyệt, ban hành chương trình chuẩn quốc gia. Việc thẩm định chương trình SGK giáo dục phổ thông cũng còn bất cập khi bộ tiêu chí đánh giá chưa được xây dựng một cách đầy đủ ngay từ đầu...


Ông Thi thừa nhận, những hạn chế, bất cập của chương trình SGK là do chưa khảo sát, đánh giá một cách khách quan, nghiêm túc và quan tâm đáp ứng nhu cầu của xã hội về chương trình SGK mới, đặc biệt chưa bám sát thực tiễn về khả năng tiếp thu trung bình của học sinh. Còn ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội, phân tích chỉ trong một giai đoạn ngắn mà chúng ta cải cách, thay đổi quá nhiều, thậm chỉ cải cách cả chữ viết. Chúng ta biết chương trình thừa, nhưng lại không biết giải quyết giáo viên thừa như thế nào, nên để cải cách được chúng ta cần vượt qua chính mình.


Trong khi đó, ông Phan Xuân Dũng, chủ nhiệm uỷ ban Khoa học – công nghệ và môi trường của Quốc hội, cho rằng báo cáo có nhiều số liệu nhưng chưa trả lời được câu hỏi chất lượng SGK tốt hay xấu, chương trình nặng hay nhẹ, SGK hiện đại hay lạc hậu, đã phù hợp hay chưa?


Thanh Tuyền






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ