Sài Gòn mùa đông đầu tiên nửa đêm về sáng
SGTT.VN - Mười hai giờ khuya mùa đông lạnh se sắt, tôi khoác áo và cưỡi xe chạy ra phố theo lộ trình ngẫu hứng. Những mảng màu thực trong bức tranh thành phố nửa đêm về sáng đã đánh bật khỏi suy nghĩ những hình dung có bề thi vị. Và tôi bắt đầu ghi chép lại...
Người giàu kẻ hèn trong một bức tranh giữa Sài Gòn. |
0 giờ 30 phút
Gánh xôi của cô gái Nguyễn Ngô Kim Phụng, 24 tuổi, trước khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) đã vơi gần nửa. Dưới đèn compact nhỏ toả ánh sáng trắng chỉ đủ toả xuống tủ hàng, nụ cười cô gái gốc Sài Gòn nhỏ nhắn thấp thoáng nụ cười duyên. Cô vui vẻ chuyện trò với tay khách chỉ mua một gói xôi 10.000 đồng nhưng cứ lân la nhiễu sự.
Nhà ở đường Đoàn Văn Bơ, quận 4. Cứ 8 giờ tối là Tài (cậu em trai) lại chở Phụng ngồi sau xe máy, kéo theo tủ xôi chạy qua cầu Tân Thuận rồi dừng ở bên lề đường, góc Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh, dọn hàng bán cho tới 6 giờ sáng. Công việc đó đều đặn hai tháng nay. “Mẹ em bán xôi ở đây được 15 năm rồi. Do thức đêm nhiều quá, nên bị suy nhược thần kinh, đang điều trị, hai chị em phụ nhau bán thay mẹ”, Phụng nói. Vừa nói, cô gái vừa hơ hơ hai bàn tay mềm mại trên hơi khói thơm ấm áp toả ra từ bốn cái nồi xôi, trong khi Tài đặt lưng nằm vắt yên, chân vắt cổ chiếc xe máy đắp chăn ngủ khò. Thi thoảng, câu chuyện chúng tôi đứt quãng vì cô chị phải tập trung gói xôi cho khách. “Ngày trước bán cho công nhân làm ca đêm là chính, bán được lắm. Gần đây, gói xôi 5.000 – 10.000 đồng cũng khiến họ cân nhắc, vì đời sống làm ăn ngày càng khó khăn”, Phụng kể.
Từ gánh xôi nhỏ này mà nhìn về thời cuộc công ăn việc làm, thì mới thấy, cái khó khăn đó đâu chỉ đến với người mua xôi, mà cả trong hoàn cảnh sâu xa của người bán xôi. Tốt nghiệp cao đẳng, ngành thư ký, kiếm việc ở một số công ty nhỏ, đồng lương bọt bèo, Phụng quyết định về phụ ba mẹ nấu nướng, làm gia vị, rồi đi bán. Kinh tế cả nhà bốn người cậy vào một gánh xôi. Phụng kể: “Đi bán vầy là thức sáng đêm, ngày chỉ ngủ được chừng 3 – 4 tiếng. Khổ, cũng phải làm, vì nhà đơn chiếc quá, ba mẹ cũng già yếu rồi. Vài lần gặp lại bạn bè thời sinh viên, hỏi nhau làm gì, nói bán xôi thì cũng ngượng ngùng, sau lại nghĩ, miễn mình làm ăn lương thiện thì chẳng có gì phải mặc cảm”. Chỉ lo là những ngày lễ lạt, các phường quanh đây có chiến dịch giải toả, đứng đâu cũng bị mấy anh dân phòng, mấy chú công an đuổi. Có khi hốt cả xe xôi về đồn, nhìn ứa nước mắt. Anh tính coi, cả vốn lẫn lãi mỗi ngày mẹ em kiếm được 500.000 đồng, mà bị xui rủi, đi mua xe mới giá 800.000 đồng/chiếc, coi như cụt vốn”, cô gái nói.
Trước khu chế xuất Tân Thuận bây giờ chỉ còn hai gánh xôi nhỏ bán sáng đêm. Nhưng đến sáng thì có khoảng chục gánh. Khi đông người bán, tự động mỗi hàng phải giảm giá để cạnh tranh.
1 giờ 17 phút
Những con đường quận 1 trống trải, rộng thênh, gió sông Sài Gòn thổi buôn buốt. Các toà nhà bóng lộn, những shop hàng xa xỉ đóng kín. Nhưng đây mới là giờ “tới bến” của đời sống trong các vũ trường, bar trung tâm.Tiếng nhạc vẫn xập xình trên lầu vũ trường Tự do (Đồng Khởi), nhưng khung cảnh phía trước không có vẻ nhốn nháo. Trong khi đó, trước bar 2 Gold Club, đám taxi liệng lách, đạp thắng khin khít đón những kiều nữ ăn mặc gợi tình rời tụ điểm. Vài cô cặp kè với mấy gã Tây đi bộ cười nói oang oang, băng qua ngõ Ngô Đức Kế, về phía những khách sạn hạng sang trên đường Nguyễn Huệ. Vài nhân viên vạm vỡ vận đồng phục đen bước qua đường, đi về phía công viên sau tượng Trần Hưng Đạo, chỗ có gánh bánh chưng bánh giò dạo vội vã tráng tạm dạ dày theo kiểu bình dân. Bà đẩy xe bánh dạo hất hàm về phía mấy cô gái phô đùi ngực nóng bỏng bên kia đường: “Ngó ngon lành thơm tho vậy đấy, chớ cặp nhau vài bữa, giãn tuồng, nhảy nhót no say lại qua đây mua bánh chưng bánh giò lót dạ”. Ở những góc đường trung tâm, lác đác vài quán càphê cóc giờ này vẫn lặng lẽ bán. Khách hàng là mấy bác tài taxi, xe ôm ngồi khúm rúm rít thuốc, nhấm nháp những ngụm càphê cho quên cái lạnh, qua cơn buồn ngủ.
2 giờ 15 phút
Quỳnh Anh, 23 tuổi, nhà ở quận 8 cùng nhóm chục người bạn ăn mặc sành điệu thời trang, nước hoa nồng nặc rời một bar ở quận 1. Cả nhóm đèo nhau về quán bánh canh, hủ tíu của chị Oanh ở vỉa hè bên hông chợ Bến Thành. Họ vừa ăn vừa tranh luận với nhau về bar này thằng DJ chơi dở, bar kia nhà quê nhưng giá trên trời... Cuộc tranh cãi về sự “đẳng cấp chơi” càng lúc càng sôi nổi.
3 giờ 5 phút
Những xe chở ximăng ướt xếp hàng trước công trình Senta Boutique Hotel trên đường Hai Bà Trưng. Rầm rì tiếng máy trộn. Trên cao, các công nhân xây dựng ca đêm hẳn không có khái niệm thời gian. Góc ngã tư Đề Thám – Bùi Viện vẫn xập xình tiếng nhạc. Các ghế vỉa hè quán bar Go2, Crazy Buffalo vẫn đặc kín khách Tây, ta. Men theo vỉa hè đường Bùi Viện, những hàng ăn, quán nhậu vẫn bia bọt lai láng. Tại một chốt canh trên con đường này, một bác cảnh sát khu vực lớn tuổi ngồi mệt mỏi ghi sổ sách. Nhịp sống nhộn nhịp náo động của khu phố du lịch bình dân “toàn cầu hoá” nhất Sài Gòn này là thâu đêm suốt sáng. Gần đây, các quán nhậu vỉa hè dần dần tràn sâu xuống lòng đường, và những quầy bar tha hồ tràn ra vỉa hè.
Vừa lắc lư theo điệu nhạc, vừa hít shisha, Doughlag, một du khách người Ai Len nói: “Sài Gòn đêm ở chỗ này rất vui và thoải mái!” Trong khi một nhân viên quán càphê Rum-ba sát bên cạnh đang không giấu được cái ngáp dài, thì đám khách Tây vẫn say sưa quay cuồng theo bản dance nổi tiếng Maya hi maya hu của Crazy Frog. Cách đó chừng trăm mét, một bác xích lô tranh thủ dừng xe, chợp mắt một lúc dưới gốc cây.
4 giờ
Dọc đường Trần Hưng Đạo, những khách sạn có bảng dịch vụ “Foot massage”, “Body massage” phục vụ 24/24 vẫn có khách lui tới. Nhưng khu chợ dưới chân cầu Ông Lãnh thì đã được nhóm từ lúc 3 giờ. Những chuyến xe tải từ chợ đầu mối chở nông sản rải những túm nilông lớn có ghi tên chủ sạp xuống các bãi chợ. Dưới ánh sáng nhá nhem từ mấy chiếc đèn tròn, những người đàn bà nhận hàng rồi ngồi xếp rau, quả ra sạp, một ngày như mọi ngày trong cuộc đời tảo tần. Các thau hàng hải sản, thịt cá cũng được dọn ra dưới chân cầu để bỏ sỉ. Có lẽ cảnh bãi chợ sớm ở đây cũng như bao khu chợ khác như Cây Gõ, Hoà Bình... và không khác là mấy so với những khu chợ bình dân khác trong thành phố này. Trên Cầu Dừa quận 5, một người đàn ông vô gia cư gối đầu lên nền cầu và ngủ say như chết bên chai rượu đế uống dở đầu hôm. Có lẽ cơn rượu say khướt đã khiến ông ta không còn cảm giác gì về cái lạnh đang tụt xuống dưới 19 độ. Trên lề cầu Nguyễn Văn Cừ, một kẻ vô gia cư khác cuộn chăn kín từ đầu đến chân. Có tiếng xe cứu thương rúc còi chạy hút hút phía bệnh viện Chợ Rẫy.
4 giờ 30 phút
Chủ hai đại lý báo lớn vỉa hè đường Châu Văn Liêm (quận 5) bắt đầu dọn sạp. Những mặt báo sáng từ các xe phát hành đổ xuống được xếp dàn ra trên mặt vỉa hè, rồi sắp xếp gọn gàng lên giá, sạp. Một ông khách người Hoa chạy thể dục sớm, ghé ngang cặp nách một tờ Sài Gòn Giải Phóng Hoa Văn. Chủ quán hủ tíu A Phúc, nằm góc Châu Văn Liêm – Nguyễn Trãi bán tô đầu tiên. Đó cũng là giờ mà những quán hủ tíu vỉa hè trên bến Bình Đông bắt đầu sáng đèn, lục đục dọn bàn ghế. Những dãy nhà cổ rêu phong, dòng kênh đen chìm trong sương lạnh như lạc về từ âm bản của một cuộn phim cũ. Cái lạnh buổi hừng đông sẽ càng thêm se sắt.
5 giờ 13 phút
Hai nhân viên bảo vệ của Phú Mỹ Hưng (quận 7) ở chốt góc đường Phạm Thái Bường – Nguyễn Bính thay phiên nhau đi nhổ những cọc thông báo mua bán đất ở những nền đất trống về chẻ ra, ném vào một thùng thiếc và đốt lửa, sưởi ấm. “Nay đến tết, trực đêm rất tốn củi”, một người nói với ông khách lạ run rẩy xuýt xoa xin sưởi ké. Phú Mỹ Hưng, khu dân đô thị hiện đại nhất của Sài Gòn, hẳn là sẽ chào ngày mới trễ hơn những vùng dân cư lao động khác.
5 giờ 50 phút
Công viên Hoàng Diệu quận 4, một toán người cao tuổi múa may dưỡng sinh quanh một chiếc cátxét mở bản hoà tấu du dương âm hưởng phương Đông sâu lắng của Kitaro. Những công viên khác trong thành phố cũng bắt đầu chộn rộn bước chân người. Trong sương mù buổi sáng, những dòng xe cộ bắt đầu túa ra mọi nẻo đường lớn từ những ngõ hẻm nhỏ.
Lang thang một mình trong rét buốt, tôi vừa cùng thành phố đi qua một trong những đêm vừa nồng nhiệt vừa lạnh lẽo nhất của mùa đông này. Hẹn sẽ còn những cuộc “say đêm” khác.
bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét