Vé xe tết
Một kiểu làm giá, mười năm không quản được
SGTT.VN - Từ nhiều năm qua, cứ vào đợt cao điểm bán vé xe tết, tại bến xe Miền Đông lại xảy ra điệp khúc: nhà xe bán quá giá quy định – bến xe nhắc nhở, đình chỉ – phạt, rồi cho hoạt động lại, mà không hề đã động gì đến quyền lợi của hành khách. Vì thế, hành khách nào lỡ mua vé giá cao, biết mình bị thiệt nhưng đành chịu, còn nhà xe chả dại gì mà không lặp lại điệp khúc trên, vì kiểu nào cũng có lợi.
Nếu các cơ quan liên quan không mạnh tay quyết liệt, thì tình trạng mua vé xe giá cao cũng đâu lại vào đấy! Ảnh: TLSGTT |
“Nếu các cơ quan liên quan kiên quyết bảo vệ quyền lợi của hành khách thì sẽ chấm dứt tình trạng trên” – tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam) đã từng nhận định. Thực tế diễn biến trong mùa vé xe tết năm nay đã chứng minh quan điểm trên hoàn toàn đúng.
Lần đầu tiên 220 hành khách được hoàn tiền
Giống như mọi năm, dịp bán vé xe tết năm nay có không ít hãng xe chất lượng cao (xe thương hiệu) trong bến xe Miền Đông (BXMĐ) giở trò làm giá, bán vé cao hơn quy định. Trong đó, có những hãng xe, sau khi bị BXMĐ phát hiện tạm đình chỉ việc bán vé vẫn ngoan cố đem vé ra ngoài bán. Điển hình là hãng xe Chín Nghĩa (chuyên kinh doanh vận tải hành khách tuyến TP.HCM – Quảng Ngãi).
Nếu như những năm trước, sau khi bị đình chỉ hay phát hiện sai phạm, doanh nghiệp vận tải chỉ cần đóng phạt (nếu có), điều chỉnh lại giá vé cho đúng quy định thì có thể trở lại bến bán vé bình thường. Tuy nhiên, năm nay, lần đầu tiên BXMĐ “dám” làm công văn báo cáo và đề nghị sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM “xử” doanh nghiệp bán vé sai quy định.
Từ báo cáo của BXMĐ, cũng là lần đầu tiên sở GTVT TP.HCM đã có công văn gửi sở GTVT Quảng Ngãi phối hợp đình chỉ khai thác tuyến TP.HCM – Quảng Ngãi và ngược lại của hãng xe Chín Nghĩa kể từ ngày 20.12, nếu hãng xe này không khắc phục các sai phạm. Trong đó, nêu rõ phải trả lại tiền chênh lệch cho khách.
Quyết định trên đã thực sự đánh vào “tử huyệt” của hãng xe nên trước thời hạn có thể bị đình chỉ một ngày, ngày 19.12, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, bà Nguyễn Thị Lệ Thuý, phó giám đốc công ty Chín Nghĩa (tức hãng xe Chín Nghĩa) cho hay: đơn vị của bà đã cơ bản khắc phục xong các sai phạm. Đặc biệt, đến ngày 19.12, hãng xe Chín Nghĩa đã hoàn lại toàn bộ số tiền chênh lệch cho 220 hành khách.
Ông Thượng Thanh Hải, phó tổng giám đốc BXMĐ cũng xác nhận việc này. “Chúng tôi sẽ báo cáo cơ quan quản lý tuyến không cắt tuyến, cho hãng xe Chín Nghĩa hoạt động trở lại và được bán vé trong bến”, ông Hải cho hay.
Quá lắm mới ra tay?!
Sự quyết liệt này của BXMĐ cũng như của sở GTVT TP.HCM được rất nhiều người đồng tình và ủng hộ.
Theo ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, từ khi các cơ quan liên quan mạnh tay với hãng xe Chín Nghĩa, hoạt động của “cò” cũng như các chiêu trò như tung tin hết vé, khan vé của các hãng xe thương hiệu nhằm tạo cơn sốt vé cũng phần nào giảm.
Tuy nhiên, không ít người nghi ngờ và đặt câu hỏi: Rõ ràng sự quyết liệt trên đã đem lại hiệu quả tức thì, vậy sao trước đây các cơ quan liên quan không sử dụng quyền của mình để bảo vệ quyền lợi hành khách? Từ nay về sau BXMĐ hay sở GTVT TP.HCM có còn cương quyết “xử” các doanh nghiệp vi phạm ngay trong bến mà không cần chờ tới khi họ ngoan cố mang vé ra ngoài bán mới đòi cắt tuyến, trả lại tiền chênh lệch cho hành khách?
Liên quan đến các vấn đề trên, ông Hải cho biết, các cơ quan chức năng quyết định đình chỉ tuyến đối với hãng xe trong dịp cao điểm phục vụ hành khách về quê ăn tết là chuyện chẳng đặng đừng vì sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu hành khách muốn đi xe thương hiệu (còn xe phổ thông thì BXMĐ không thiếu vé phục vụ tết – PV). Nhưng không phải vì thế mà không xử mạnh tay.
Ông Hải nói thêm, sở dĩ lần này làm mạnh như vậy là do doanh nghiệp “quá lắm mới làm”. “Mấy năm trước cũng xảy ra những trường hợp bán vé cao hơn quy định nhưng khi bị phát hiện, nhắc nhở thì khắc phục liền nên BXMĐ không đề nghị sở GTVT áp dụng các biện pháp mạnh như với hãng xe Chín Nghĩa”, ông Hải cho hay.
Dù các cơ quan chức năng đã có những động thái tích cực bảo vệ người tiêu dùng (hành khách vẫn phải mua vé cao hơn quy định) nhưng với quan điểm “quá lắm mới làm” theo kiểu kể trên thì xem ra tình trạng bán vé cao hơn quy định sẽ tiếp tục xảy ra và quyền lợi khách hàng khó mà được bảo vệ.
Đào Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét