Giao thoa âm sắc Tiếng gọi núi rừng
SGTT.VN - Trong hai ngày 3 – 4.1.2014 tới, giới yêu âm nhạc và hội hoạ tại TP.HCM sẽ có dịp thưởng thức triển lãm giao thoa âm sắc chủ đề Tiếng gọi núi rừng tại nhà Trưng bày triển lãm thành phố.
Ba nghệ sĩ sẽ cùng trình diễn trên sân khấu. |
Suốt chương trình, trong khi hai nhạc sĩ trình diễn âm nhạc, hoạ sĩ sẽ vẽ một tác phẩm bằng kỹ thuật khói lửa. “Đây là hình thái nghệ thuật mới, các nốt nhạc chúng tôi chơi sẽ quyện vào bàn tay của người hoạ sĩ khi anh vẽ tranh. Trong một lần đi thực địa tại Tây Nguyên, cả ba chúng tôi vô tình cảm nhận được điều độc đáo của sự giao thoa và đây là dịp chúng tôi chia sẻ cho người yêu thích loại hình nghệ thuật này”, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên cho hay.
“Tiếng gọi núi rừng vang vọng từ xa xưa về sự cân bằng tự nhiên mà con người đang phá đi, như một tiếng kêu tỉnh thức. Tôi dùng sự hoà quyện của khói lửa, đại diện cho sự huỷ hoại của con người phá hủy chính môi trường sống tự nhiên để vẽ tranh”, hoạ sĩ Trung Nghĩa giải thích.
Khi lần đầu giới thiệu kỹ thuật vẽ mới trước công chúng năm 2012, Trung Nghĩa đã tự làm loại thuốc súng thô sơ chế từ phân dơi và các màu khói, vẽ bộ tranh về môi trường tự nhiên, con người và động vật tại Tây Nguyên quằn quại, hoảng loạn vì bị thiêu đốt. Trong bộ sưu tập hơn 20 tranh vẽ ở triển lãm lần này, những cư dân của núi rừng được hoạ sĩ cảm nhận ở góc độ khác, hướng về một tương lai sáng sủa hơn, thông qua tâm trạng của một người trẻ đặt nhiều niềm tin vào thế hệ của mình: “Đôi mắt chúng đã bớt hoảng loạn, cảm nhận được sự quan tâm hơn. Khi nhìn chúng, bạn sẽ thấy bóng dáng mình trong đó”.
Khoảng mười năm qua, nhạc sĩ người Úc gốc Việt Nguyễn Lê Tuyên cùng với đồng nghiệp là giáo sư âm nhạc người Mỹ gốc Ấn Salil Sachdev, thành viên nhóm Guihangtar, đã nghiên cứu và thực hiện dự án sử dụng chất liệu âm nhạc Việt Nam (dân ca các miền và cồng chiêng Tây Nguyên) vào âm nhạc đương đại, thông qua tiếng đàn guitar và các bộ gõ thế giới. Và dịp này cũng là lần cuối nhóm Guihangtar trình diễn tại Việt Nam vì nhiệm vụ của nhóm tại Việt Nam đã hoàn tất. Nhóm dự tính mang sự kết hợp âm sắc này đi trình diễn ở các nơi khác trên thế giới như châu Á, Trung Đông, châu Âu và Mỹ. “Tôi may mắn vì phần lớn các dự án đưa âm nhạc Việt Nam vào âm nhạc đương đại đều được đón nhận và ủng hộ tại nhiều nơi trên thế giới, đạt được những thành công nhất định. Thế giới đang cần nhiều hơn những sự phản ánh và hoà nhập từ Việt Nam cả về âm nhạc và hội hoạ”, ông Tuyên tâm sự.
Kim Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét