Chính phủ quyết liệt nhưng các bộ quá chậm
SGTT.VN - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh mạnh dạn đề nghị Thủ tướng cho các bộ đi nước ngoài học cách triển khai chính sách sao cho chủ trương sớm đi vào cuộc sống, bởi theo ông, “Chính phủ rất quyết liệt trong điều hành, nhưng các bộ triển khai quá chậm”. Ông Thạnh đã nói vậy tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương vào ngày 24.12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Dẫu vậy, bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng lại cho rằng, năm 2011 – 2015 là giai đoạn Chính phủ tập trung xây dựng chính sách, thể chế rất quyết liệt, hơn nhiều so với các năm trước đó.
Việc triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất còn quá chậm (ảnh minh họa). Ảnh: Phan Quang |
Tại hội nghị này, đúng sáu tháng trước, chính chủ tịch tỉnh An Giang là người tỏ ra rất sốt ruột khi ngóng chờ các bộ triển khai hướng dẫn nghị quyết 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. “Đáng ra, trong quý 1, các bộ ngành phải có hướng dẫn ngay, nhưng chờ đến tháng 4, tháng 5 rồi tháng 6 mới thấy”, ông nhắc lại. “Thậm chí, nghị định về quản lý xuất khẩu cá tra, Thủ tướng xuống làm việc tại An Giang, giao cho bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, tôi đã góp ý 12 lần, đã ba năm qua mà vẫn chưa ra được”, ông Thạnh bức xúc. Cho nên, ông Thạnh kiến nghị Thủ tướng cử một số bộ sang Singapore để nghiên cứu cách thức triển khai, làm sao để chính sách sớm đi vào cuộc sống. Ông Thạnh cũng kêu trời vì chuyện chính sách ban hành rồi, nhưng không hiệu quả, khó đi vào cuộc sống. “Quyết định của Thủ tướng về hỗ trợ nông dân sau thu hoạch chẳng hạn, dù sau đó đã sửa rồi, nhưng cũng không thực thi được. Chính sách nghe thì mừng, nhưng đi vào vướng lắm”, ông Thạnh than. “Tôi đánh giá rất cao”, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nói vậy sau khi nghe góp ý của chủ tịch tỉnh An Giang. Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, nhất là hai ngành nông nghiệp – công thương tiếp thu để tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong những ví dụ mà chủ tịch tỉnh An Giang đã dẫn ra.
Về tín dụng, thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay mức tăng trưởng tín dụng năm nay hơn 10% so với tăng trưởng kinh tế 5,4% là hợp lý theo tỷ lệ “một tăng trưởng kinh tế thì tăng trưởng tín dụng phải là hai”, thay vì tỷ lệ “1 (tăng trưởng) kinh tế 4 – 5 (tăng trưởng) tín dụng” như các năm trước, là nguyên nhân gây ra lạm phát. “Tỷ lệ này dù chưa phải mức cao, nhưng hiệu quả lớn, cho thấy vốn đã đi vào sản xuất có hiệu quả”, thống đốc nói.
Theo ông Bình, trong năm 2013, ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều chỉnh tỷ giá 1%, song bên cạnh đó, cũng cho phép thị trường điều chỉnh 1%. “Thực tế, 1% này thị trường cũng đã không điều chỉnh hết, mà chỉ dừng ở mức 0,6% và hiện tỷ giá ngoài thị trường đã về dưới mức ngân hàng Nhà nước mua vào”, ông Bình nói. Tuy nhiên, dẫn con số xuất khẩu mà các ngành nông ngư nghiệp mang lại là 25 tỉ USD trong năm nay, ông Vương Bình Thạnh cho rằng, hiệu quả không đáng kể vì hơi cứng nhắc trong điều chỉnh tỷ giá. Ông Thạnh đề xuất ngân hàng Nhà nước nên linh hoạt hơn, tăng mức điều chỉnh tỷ giá vì lạm phát hơn 6% mà tỷ giá chỉ điều chỉnh 1% là còn thấp. Thống đốc Nguyễn Văn Bình kể câu chuyện: đối với tỷ giá, các doanh nghiệp xuất khẩu “xin phá giá”, nhưng ngược lại, ông cũng nhận được điện thoại của ngành xăng dầu, ngành hàng không “mong không điều chỉnh” vì nếu điều chỉnh sẽ từ lãi thành lỗ! Theo ông Bình, trong năm 2014, ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá linh hoạt theo hướng mức điều chỉnh không quá 2%.
Chí Hiếu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét