Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Chính cuộc sống đặt ra các đề toán ứng dụng

Chính cuộc sống đặt ra các đề toán ứng dụng

GS Efim Zelmanov, giải thưởng Fields năm 1994:


Chính cuộc sống đặt ra các đề toán ứng dụng


SGTT.VN - Hội nghị quốc tế về nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học (ICMREA – UEL 2013) vừa diễn ra tại đại học Kinh tế – Luật (đại học Quốc gia TP.HCM), thu hút gần 130 nhà khoa học, trong đó có khoảng 80 đại biểu quốc tế từ khắp nơi trên thế giới về trình bày báo cáo khoa học, thảo luận về các phương hướng và dự án nghiên cứu toán học, cũng như xác định rõ hơn vai trò, ứng dụng của toán trong kinh tế – xã hội.










GS Efim Zelmanov tại hội nghị ICMREA – UEL 2013.



Bên lề hội nghị, giáo sư Efim Zelmanov, đại học California (San Diego, Mỹ), người đoạt giải thưởng Fields năm 1994 đã chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân khi theo ngành toán, dự báo xu hướng của toán học đặc biệt là toán học ứng dụng ở Việt Nam.


Sau khi đoạt được giải Fields, chắc cuộc sống và công việc nghiên cứu của ông nhiều thay đổi?


Vâng, tôi cảm thấy mình như trở thành một nhà quan hệ công chúng vậy! Nhờ những giải thưởng như vậy mà tôi có nhiều cơ hội trò chuyện với nhiều tờ báo khoa học hơn. Đa số các nhà toán học thường ngồi và suy nghĩ. Họ thậm chí không nói chuyện với bạn. Nhiều người vẫn nghĩ là họ gần như không ứng dụng được các nghiên cứu toán học trong cuộc sống.


Vậy thành công đó trở thành áp lực hay là động lực cho ông?


Nhận được giải thưởng là động lực bởi tôi đang đi đúng hướng, để tôi chia sẻ với nhiều người những kinh nghiệm trong nghiên cứu của mình. Nhưng cũng là áp lực bởi con đường toán học vẫn còn rất dài, còn nhiều cột mốc khác phải đi tiếp.


Với một người nghiên cứu toán học hay muốn theo đuổi ngành khoa học này, ông nghĩ đức tính nào cần thiết nhất?


Bạn biết đấy, toán học đòi hỏi người ta phải có khả năng tập trung, kiên nhẫn và không nản chí. Bởi lẽ người ta cần phải suy nghĩ không ngừng về một vấn đề trong suốt thời gian dài mà chưa chắc đã có kết quả. Quá trình này đôi khi kéo dài từ năm này qua tháng khác.


Sinh viên Việt Nam hiện vẫn sợ phải nêu ý kiến hoặc đưa ra câu hỏi cho giảng viên. Ông có gặp tình huống như vậy khi tham gia giảng dạy hay nói chuyện chuyên đề?


Tôi nghĩ đấy là vấn đề nan giải cho nhiều giảng viên chứ không chỉ sinh viên. Họ phải thật sự cho sinh viên thấy là họ hoan nghênh người học bày tỏ ý kiến và đưa ra câu hỏi. Điều này không phải chỉ có ở sinh viên Việt Nam, nó tồn tại ở khắp nơi.


Nếu có một bạn trẻ tìm đến giáo sư và cần lời khuyên của ông về việc chọn lựa giữa nghiên cứu toán học giảng dạy và toán học ứng dụng, ông sẽ nói gì?









Theo tôi, ở Việt Nam có nhiều ứng dụng toán học, chỉ có điều chúng ta không nhìn thấy và tưởng không có. Chúng ta đang sử dụng những sản phẩm ứng dụng toán học rất nhiều như điện thoại di động, phần mềm tính toán… Nhưng đó là người ta làm, còn mình có làm được để bán cho thế giới hay không thì phải phát triển tốt về nghiên cứu, giảng dạy để phổ biến toán học, đưa tri thức toán học vào số đông càng nhiều càng tốt. Tôi cho rằng phải có sự kết hợp giữa nghiên cứu, giảng dạy, ứng dụng trong toán học, nếu chỉ tập trung vào toán ứng dụng không thôi thì không bao giờ làm được.


GS Lê Tuấn Hoa (viện trưởng viện Toán học Việt Nam)



Chắc chắn tôi sẽ khuyến khích bạn trẻ ấy theo đuổi đam mê theo cách của mình, nghe theo chính bản thân. Đó là quyết định của người đó và anh ta sẽ chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Ở những buổi nói chuyện với sinh viên hay qua các hội nghị như thế này, nhiều bạn trẻ vẫn hỏi tôi để thành công trong toán học thì cần tố chất gì, phải làm gì. Tôi cho rằng với đam mê sẵn có, họ chỉ cần quan sát, lắng nghe, lao động khoa học nghiêm túc thì sẽ học hỏi được rất nhiều. Những đề toán ứng dụng thường ra đời từ chính cuộc sống quanh mình.

Ông nghĩ toán học sẽ phát triển thế nào trong tương lai?


Toán học là một ngành khoa học cổ đã hơn 2.000 năm tuổi, và tôi tin rằng 2.000 năm nữa ngành khoa học này vẫn phát triển tốt. Dựa trên những kiến thức toán học căn bản, vài ngàn năm nữa ngành này vẫn sẽ phát triển vượt bậc dù trong một vài giai đoạn, toán học có phần yên ắng hay đi xuống.


Đã tới Việt Nam lần thứ hai, tiếp xúc nhiều nhà toán học Việt Nam, ông có gợi ý gì trong xây dựng ngành toán Việt Nam?


Như tôi đã nói ở buổi khai mạc, ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về Việt Nam là nhìn thấy nguồn sinh lực ở mọi nơi, đặc biệt là nguồn sinh lực và tham vọng trong cộng đồng toán học của Việt Nam. Đó là lý do vì sao nền toán học tại Việt Nam phát triển với triển vọng tích cực đến thế. Tôi thấy các bạn đang đi đúng hướng khi đầu tư bài bản vào các em học sinh giỏi từ lúc còn rất nhỏ và các cuộc thi toán học lớn họ thường đoạt giải cao. Những bạn trẻ tài năng nếu tiếp tục được tạo điều kiện phát triển nghiên cứu, làm việc thì chính họ sẽ xây dựng toán học Việt Nam phát triển hơn nữa. Còn rộng hơn, các trường đại học nên mở rộng các chương trình hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu.


Còn toán ứng dụng, theo ông nó sẽ phát triển theo hướng nào?


Bạn biết đấy, toán học đặt nền tảng cho hầu hết các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ. Sự ra đời của các thiết bị y tế hiện đại, đăng nhập vào email, sử dụng máy ATM, nghe nhạc qua đĩa CD, xem DVD chẳng hạn, tất cả đều được xây dựng trên các công trình có liên quan hay có sự đóng góp của toán học.


Toán học ứng dụng sẽ đóng góp như thế nào cho các nước đang phát triển, điển hình như Việt Nam? Theo ông, Việt Nam cần tập trung vào những vấn đề gì trong toán ứng dụng?


Tôi cho rằng người dân Việt Nam có đủ khả năng nghiên cứu toàn bộ các ngành trong toán học và tất cả các ngành đều quan trọng như nhau, độc lập với nhau. Tôi nghĩ rằng sự phát triển của Việt Nam liên quan mật thiết đến sự phát triển của ngành công nghiệp, mà như mọi người biết, toán học đóng vai trò then chốt trong công nghiệp kỹ thuật. Chính vì thế, Việt Nam cần thiết lập một nền toán học chất lượng. Đây là chuyện Chính phủ có thể làm được vì thực chất nghiên cứu toán học rẻ hơn nhiều ngành khoa học khác vì không cần đến phòng thí nghiệm. Rõ ràng đấy là một sự đầu tư hữu ích và không quá tốn kém.


bài và ảnh Trung Dũng









Ứng dụng toán là lĩnh vực khó, để ứng dụng cần nhiều người, nhiều công đoạn. Thứ hai là phải có được nhu cầu thực sự hay cần những giải pháp hiệu quả. Với các công ty nhà nước, khi cần những giải pháp có xuất xứ từ toán học, họ thường nhập từ nước ngoài về, giá rất đắt đỏ. Khi không có nhu cầu thì ngay cả người trong nước có muốn đưa công sức của mình vào cũng không được.


GS.TSKH Ngô Việt Trung (nguyên viện trưởng viện Toán học)







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ