Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Trong vùng thảm họa Tacloban: Người Việt kêu cứu

Trong vùng thảm họa Tacloban: Người Việt kêu cứu

Trong vùng thảm họa Tacloban: Người Việt kêu cứu


SGTT.VN - Hàng chục người Việt tại thành phố Tacloban ở Philippines đang bơ vơ, đói khát và mất phương hướng hoàn toàn trong cơn hoảng loạn sau thảm họa mang tên bão Haiyan.


Trưa qua, đường dây nóng Thanh Niên nhận được điện thoại kêu cứu từ anh Nguyễn Văn An (33 tuổi), người vừa cập nhật được tình hình bà con kiều bào Việt Nam đang “đói và khát” tại thành phố Tacloban ở Philippines, nơi siêu bão Haiyan quét qua. Với giọng đứt quãng, anh An cho biết khoảng 30 người Việt sinh sống, làm ăn tại Tacloban đang bơ vơ trong đói khát vì thiếu thốn mọi bề. May mắn là tất cả mọi người đều an toàn sau cơn bão nhưng tài sản, tiền của và giấy tờ tùy thân thì mất trắng.


Đói khát chờ thực phẩm










Trẻ em ở thị trấn Tabogon, tỉnh Cebu, giơ các tấm biển cầu cứu sau cơn bão. Ảnh: Reuters



Anh An kể, anh mới về VN mấy tháng, số người Việt còn lại bên đây đã sinh sống và buôn bán nhiều năm tại Tacloban. Sau khi bão quét qua, nhà cửa của tất cả đều tan hoang. Có người thì nhà sập, có nhà thì bị tốc mái phải chằng chống, căng bạt để sống tạm bợ trong vài ngày qua. Thế nhưng lương thực và thức uống đã bắt đầu cạn kiệt.


Có 2 người bị thương do bị tôn chém khi bão quét qua là anh Nguyễn Đức Duy (29 tuổi) và người em rể tên Phát (24 tuổi). Anh Duy và anh Phát ban đầu tưởng nước dâng ít nên cố thủ trong nhà, khi nước dâng cao đến 4 m đụng mái nhà thì anh Duy và người em đã phải đập mái tôn để thoát ra trong gang tấc. Sau khi thoát ra ngoài, cả hai bị nước cuốn văng vào nhà của một người khác và may mắn sống sót với những vết thương do tôn chém trúng.









Đường dây nóng hỗ trợ người Việt Nam


Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, hiện có khoảng 1.000 người Việt Nam sinh sống rải rác trên toàn bộ lãnh thổ Philippines, trong đó tập trung chủ yếu tại một số khu vực như Palawan, Manila, Batangas, Luzon, Cebu... Tính đến cuối ngày 11.11, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines vẫn chưa nhận được thông tin công dân Việt Nam thiệt mạng sau cơn bão Haiyan.


Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines cũng cho biết tiếp tục theo dõi sát tình hình và kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại có các biện pháp hỗ trợ như cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết đối với các công dân Việt Nam gặp nạn trong cơn bão Haiyan. Công dân Việt Nam có thể liên lạc qua đường dây nóng +00639982756666 để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời trong các trường hợp khẩn cấp. Theo Bộ Ngoại giao, trước thông tin có một số công dân Việt Nam đang gặp khó khăn tại Tacloban, tỉnh Leyte, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đang tìm mọi cách liên hệ với những người này để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.



Hiện số người Việt này đang sống trong tình trạng rất tạm bợ, đói khát bủa vây bởi không còn đồ ăn thức uống. Trong khi đó, tình hình cướp bóc ngày một gia tăng tại đây khi tất cả đều không còn miếng ăn. Anh An đã điện thoại nhờ bạn bè mình đang sinh sống ở những khu vực khác như tại Cebu hay Omoc tiếp tế đồ ăn, thức uống nhưng vẫn chưa có kết quả. “Tôi lo nhất là thực phẩm chưa đến nơi đã bị cướp mất bởi tình hình an ninh ở đây rất hỗn loạn. Xác chết thì ngập tràn ngoài đường”, anh An cho biết.


Hiện tại, số người Việt này đang ở sau lưng siêu thị Robinson (cách sân bay 6 km) tại địa chỉ Block 1, Phase 1, V & G, thành phố Tacloban. Theo anh An, họ đang sống co cụm và mong chờ đồ ăn thức uống. Tiền bạc, giấy tờ tùy thân của mọi người đã trôi theo cùng cơn bão. “Hiện tại, bà con đang rất mong Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines hỗ trợ, trước mắt là về thực phẩm, sau đó là đến giấy tờ tùy thân và phương án để có thể trở về Việt Nam. Nhờ Báo Thanh Niên kết nối với các cơ quan chức năng Việt Nam để giúp đỡ bà con thoát khỏi thảm họa này”, anh An cầu cứu. Ngoài ra, điều lo lắng hơn cả của anh An là người bạn thân của Nguyễn Tấn Hoàng (31 tuổi) tại thị trấn Guiuan (tỉnh Samar) đã mất liên lạc hoàn toàn từ khuya 7.11. “Đêm đó, tôi và Hoàng còn nói chuyện qua Skype nhưng từ đó đến giờ thì không liên lạc được”, anh An cho biết. Ngoài anh Hoàng còn có hai người khác là anh Dũng và anh Gìn cũng mất tích không thể liên lạc được. Chưa kể, có khoảng 50 người Việt hiện sống tại thị trấn Naval (tỉnh Billiran, cách Tacloban 120 km) cũng mất liên lạc hoàn toàn. “Sau bão, tôi liên lạc với bạn bè ở đây cũng không được, không biết số phận họ thế nào?”, anh An lo lắng.


Cướp bóc khắp nơi


Thông qua anh An, chúng tôi liên lạc với anh Huỳnh Kim Nhật (khoảng 29 tuổi) ở cách Tacloban 200 km thì được biết: Sau khi bão xảy ra, anh Nhật đã di chuyển xuống Tacloban để kết nối liên lạc động viên những người Việt tại đây và tạm thời rời khỏi nơi loạn lạc này. 21 giờ tối qua, qua điện thoại anh Nhật cho biết, tình hình tại Tacloban hết sức nghiêm trọng, cướp bóc diễn ra khắp nơi, đồ ăn thức uống đều cạn kiệt, điện cúp, internet không có… Thậm chí, đã có những trường hợp xông vào các ngân hàng để hôi của. Theo anh Nhật thì hiện có một nhóm khoảng 20 người đã di chuyển bằng đường bộ để rời khỏi vùng nguy hiểm Tacloban. Trong khi đó, nhóm người Việt còn lại vẫn bơ vơ, không biết đi đâu về đâu.









Thiệt hại 14 tỉ USD


Báo International Business Times hôm qua dẫn báo cáo của hãng Kinetic Analysis ước tính thiệt hại kinh tế do bão Haiyan gây ra cho Philippines có thể lên tới 14 tỉ USD.


Tổng thống Benigno Aquino III hôm qua đã ban bố tình trạng thảm họa quốc gia trong nỗ lực thúc đẩy công tác cứu hộ các nạn nhân trận siêu bão. Trước đó, ông tuyên bố chính phủ sẽ chi 533 triệu USD để hỗ trợ các chiến dịch cứu hộ và tái thiết cấp thời ở những thị trấn bị bão tàn phá.


Trong khi đó, tờ Inquirer dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Cesar Purisima cho biết GDP năm 2014 của Philippines sẽ giảm khoảng 8% vì những thiệt hại do siêu bão Haiyan gây ra. Khu vực bị bão ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền nam chiếm 12,5% GDP của nước này. Trong khi đó, dù không trực tiếp đổ bộ vào Trung Quốc, bão Haiyan đã khiến 6 người nước này thiệt mạng, theo Tân Hoa xã.










Hỗ trợ ban đầu của thế giới


Úc: 10 triệu đô la Úc (9,4 triệu USD), các nhân viên y tế


Ủy ban châu Âu: 3 triệu euro (4 triệu USD)


Indonesia: Máy bay, nhân viên cứu hộ, nước uống, thực phẩm, máy phát điện, thuốc men


Nhật: 25 nhân viên cứu hộ


New Zealand: 1,78 triệu USD


Singapore: 400.000 USD


Đài Loan: 200.000 USD


Anh: 6 triệu bảng (9,6 triệu USD)


Chương trình lương thực thế giới: 2 triệu USD


Mỹ: 270 thủy quân lục chiến và thủy thủ, lương thực khẩn cấp, nước uống, lều bạt và đồ dùng vệ sinh


Việt Nam: 100.000 USD


Vatican: 150.000 USD.



Theo Thanh Niên






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ