“Chợ tình” đồ cổ
SGTT.VN - Từ sáng sớm, ông Trần Dũng lái chiếc Vespa APE 150 Calessino, thuộc dòng xe ba bánh huyền thoại của Piaggio sản xuất từ năm 1956 chạy thẳng vô sân cỏ, hạ cửa sau xe xuống, ông bắt đầu nâng niu trong túi những cuốn sách và tạp chí xưa của Pháp như Paris Match – số báo ra Mai 1954 có phóng sự về trận Điện Biên Phủ đang diễn ra cùng vài món đồ xưa khác mà anh đang sở hữu như quạt bàn, mũ lính Pháp...
Khách đến xem hàng chăm chú như một thú vui, không hẳn để mua. |
Ghé chợ, trưng bày những “báu vật” cho mọi người “ngất ngây” chứ ông Dũng nói, “chủ yếu chơi vui chứ không tính chuyện mua bán”. Như chiếc xe Vespa kia, năm 2011 ông đã mua nó theo đúng tình trạng “ve chai” và đã phục chế lại trong vòng tám tháng. Phần gỗ thân xe ông nhập từ Úc là loại gỗ sồi để chống nắng mưa tốt. Động cơ xe 150cc là cụm động cơ nguyên bản, phần nội thất, có ghế ngồi cho người lái và hai hành khách sau xe được bọc da, có bàn để ly theo đúng nguyên bản. Đây cũng là chiếc Piaggio Ape Calessino mà nhiều đôi mượn ông làm xe hoa trong ngày cưới của họ.
Đến chợ để chơi
Nằm ở một góc hơi khuất, một bạn trẻ khác vừa bàn bạc về ba chiếc đèn cổ của Hà Lan hơn trăm tuổi do vợ chồng ông Cường mang tới góp mặt vừa canh chừng một cái tủ kính trưng bày đủ loại hộp quẹt zippo. Hai người phụ nữ sau một hồi vòng quanh tìm kiếm, ngỏ ý mua hai cái nằm trong phiên bản giới hạn của lô hộp quẹt do saigonvechai đặt làm. Khi được trả lời “sếp em nói hàng này chưng chơi chứ không bán” hai người phụ nữ thất vọng quay về ghế ngồi, tiếp tục nhấm nháp càphê và nghe nhạc.
Từ 9 giờ trở đi, chợ bắt đầu đông khách, các bàn càphê không còn chỗ trống, ban nhạc cũng có tên là Ve Chai đang say sưa với thể loại jazz. Nhiều chiếc xe đạp lẫn xe máy cổ cũng đã được dựng một cách hãnh diện ngay khu trung tâm hướng lên sân khấu, hai vợ chồng người Pháp đang săm soi chiếc Lambretta và Vespa cổ. Ca sĩ Cao Minh cho biết, gọi là chợ nhưng ở đây, chuyện mua bán đã bị lùi vào thứ yếu. Anh em chủ yếu là trao đổi, chia sẻ với nhau niềm yêu thích chung với đồ xưa. Có vị khách, hầu như tuần nào cũng có mặt, mỗi tuần một chiếc xe đạp, chiếc nào cũng khiến thiên hạ trầm trồ nên luôn được “chủ chợ” đặt trang trọng ở giữa quán cho anh em chiêm ngưỡng. Quán càphê cũng không đặt nặng tính kinh doanh, một ly càphê giá 15.000 đồng chỉ mong thu đủ cho các chi phí cơ bản. Đặc biệt, “chủ chợ” cũng không thu một đồng “tiền chỗ” cho bất cứ “tiểu thương” nào. Từ niềm yêu thích cá nhân và được cộng hưởng của anh em câu lạc bộ saigonvechai, chợ họp đông vui. Có hôm, chợ đón đến 300 khách tới chơi.
Và bán cũng bán chơi
Đều đặn có mặt và mỗi lần đến chợ là mỗi lần có hàng “độc” để cho khách trầm trồ, Tú (trong giới gọi vui là Tú “Trọc”) dọn ra hàng trăm món lạc xoong trên một cái bàn dài. Từ đồng hồ đeo tay – để bàn, mắt kính, bộ muỗng nĩa bằng bạc, bộ sưu tầm tẩu hút thuốc, quẹt zippo, ống nhòm, gậy đánh gôn… mà theo Tú, “món nào cũng lớn tuổi hơn cô”. Biết Tú là người có thể định giá “chuẩn” cho những món đồ chơi độc của mình, ca sĩ Vinh Hiển – người “máu me” đồ cổ, lận từ trong túi ra ba cái hộp quẹt (mà thoáng nhìn, đố biết nó là hộp quẹt) để Tú định giá giúp rồi cười hì hì cất vô, chuẩn bị lên sân khấu hát cho anh em nghe chơi! Tú cho biết, là người chuyên mua bán đồ cổ nhưng anh xác định, “tham gia chợ ve chai này nếu không bán được món nào cũng là bình thường, chỉ hy vọng khi về nhà, sẽ có người gọi điện thoại theo mua hàng”.
Văn Hiến, một người khá trẻ trong giới chơi đồ cổ và giả cổ cũng bày biện lên bàn toàn những món đồ đồng: hộp đựng trang sức, la bàn, chân nến, khung gương, giá để xà bông… Hiến nói, “cái nào cổ thì em nói cổ, thứ nào giả cổ em cũng nói rõ ràng”. Chỉ vào một cái đồng hồ Hiến bảo, “như cái này, là thứ giả cổ, chạy bằng pin chứ không phải loại lên dây như hàng thiệt!”
Có lẽ, hiếm có chợ nào mà người bán lẫn người mua đều giữ một thái độ trầm tĩnh như ở đây. 12 giờ trưa nắng bắt đầu gắt, mọi người lục tục ra về, chợ dần tàn, Tú Trọc tổng kết, bán một cái đồng hồ cho một anh chuyên sưu tầm đồng hồ, “vậy là vui rồi”. Còn Hiến không bán được gì, dù bàn trưng bày lúc nào cũng có người đứng săm soi thứ này thứ nọ.
Ca sĩ Cao Minh cho rằng, sở dĩ chợ đông và quy tập được nhiều anh em trong giới mê sưu tầm đồ cổ vì chợ hoàn toàn không có tình trạng làm giá hay lừa đảo như ở những khu vực bán mua đồ cổ khác. Mọi “thương vụ” đều dựa trên sự chia sẻ, hiểu biết và sự rõ ràng trong lý lịch món hàng. Một giám đốc ngân hàng đến chơi ở chợ không muốn nêu tên cũng nói, điều khiến anh thích thú nhất khi đến với chợ này là không lo bị lừa hay hố giá dù mình không có kiến thức nhiều trong lĩnh vực này, “tôi mê đồ cổ, chứ ít khi nào dám mua đồ ở các phố đồ cổ của thành phố, càng không dám mua trên mạng vì chỉ bằng cảm quan hay hình ảnh thì làm sao biết được thật giả thế nào”. Tiếng lành đồn xa, đó cũng là lý do vì sao Trung Nguyên, một người mê chơi đồ xưa ở tận Trảng Bàng vượt 60km có mặt tại chợ ve chai từ 8 giờ sáng hôm chủ nhật 3.11 vừa rồi.
bài và ảnh: Gia Hoà
Năm 2009, xuất phát từ ý tưởng của anh Trần Dũng, chủ trang web saigonvechai.com, chợ ve chai đã được hình thành, mỗi tuần họp một lần vào ngày chủ nhật ở quán càphê sân vườn do ca sĩ Cao Minh làm chủ. Sau khoảng ba năm làm cầu nối cho những người yêu đồ cổ, chợ tạm gián đoạn vì quán cho người khác thuê lại, anh em giới sưu tầm đồ cổ tản mát giao lưu ở những địa điểm khác. Một số trở về trao đổi và mua bán trên mạng hoặc nhà riêng. Từ ngày 13.10.2013 chợ ve chai đã được tái lập tại càphê Cao Minh 255/47 bis Nơ Trang Long, Bình Thạnh vào chủ nhật hàng tuần. Gọi chợ ve chai là cách gọi khiêm nhường của những người tổ chức vì thực tế, những sản phẩm ở đây có thứ giá trị từ vài ngàn đô thậm chí là… vô giá. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét