Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Tiêu làm cay mắt của người trồng

Tiêu làm cay mắt của người trồng

Tiêu làm cay mắt của người trồng


SGTT.VN - Ít nhất từ mười năm nay, dân xuất khẩu tiêu Việt Nam đã biết đến “hạt tiêu Chư Sê” của tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, hiện nay, người dân trồng tiêu ở huyện Chư Sê đang khóc do nhiều vườn tiêu đột ngột chết. Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội tiêu Chư Sê, hiện vùng đất này có khoảng 5.000ha tiêu kinh doanh. Niên vụ 2012 – 2013, vùng tiêu Chư Sê có sản lượng 20.000 tấn, chiếm 20% sản lượng tiêu toàn quốc.










Tiêu chết hàng loạt trên vùng tiêu Chư Sê. Ảnh: Hoàng Vinh



Đòi ly dị vợ… vì tiêu chết


Người dân thôn 1 (xã IaBlang, Chư Sê) đang xôn xao chuyện ông Tính đòi ly dị vợ vì lý do “vợ không hạp với tiêu nên tiêu chết” dù đã có hai mặt con. Theo cư dân địa phương, do tiêu bị chết nhiều, nên ông Tính hoá điên như vậy. Trong một lần tỉnh táo, ông Tính cho biết tính đến nay đã chết 2.000 trụ tiêu đang vào giai đoạn sung sức (năm kinh doanh thứ 7).


Niên vụ 2011 – 2012, bà Nguyễn Thị Tiếp (thôn 2, xã IaBlang, Chư Sê) thu được 12 tấn tiêu khô trên 3.000 trụ kinh doanh năm thứ 11, bình quân một trụ là 4kg tiêu khô. Nhưng sau khi thu hoạch xong, tháng 6.2012, vườn tiêu của bà Tiếp bắt đầu xuống sức, nhiễm bệnh và chết nhanh. Bà Tiếp không tiếc tiền mua thuốc về xử lý, nhưng bà không ngăn chặn được hiện tượng trên. “Năm ngoái, chết khoảng 500 trụ, tôi đã trồng mới. Chỉ riêng trong năm nay, tôi mất 2.000 trụ tiêu”, bà Tiếp nói trong nước mắt. Cứ tính theo năng suất của năm trước, bà Tiếp đã mất 1,2 tỉ đồng. Đó là chưa kể tiền mua phân, thuốc chữa bệnh và xăng dầu tưới trong mùa khô vừa qua.


Ông Đỗ Văn Bảo (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) vay mượn vốn của ngân hàng để trồng tiêu. Ông Bảo nhẩm tính, với 1.500 trụ tiêu kinh doanh năm thứ 5, năm nay sẽ thu 4,5 tấn với số tiền khoảng 600 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí, sẽ lãi khoảng 400 triệu đồng, đủ sức trả vốn gốc và lãi cho ngân hàng, còn dư chút đỉnh chuẩn bị cho mùa khô tới. Tuy nhiên, cơn bão số 11 vừa dứt, ông Bảo đi thăm vườn tiêu ở xã Ia Vê (huyện Chư Prông, Gia Lai), cách nhà 20km, thì hỡi ôi, 500 trụ tiêu của ông trồng đã chết khô cành từ lúc nào!


Sẽ còn “chết” tiếp!


Giới “chuyên gia” về tiêu của vùng tiêu Chư Sê đã nhận định như vậy. “Có những vườn tiêu, nhìn thấy “đã con mắt”, nhưng chỉ vài tuần là tiêu thiệt. Có những vườn chết đến 75%. Đau quá! Xót lắm! nhưng đành bó tay”, một lão nông nhận định. Giới trồng tiêu ở Chư Sê và Chư Puh (huyện mới tách từ Chư Sê) không thể tin rằng năm nay tiêu lại chết nhiều và nhanh như vậy. Đầu mùa mưa (tháng 5), khi nhìn thấy tiêu trổ cành dài, những người trồng tiêu đã nghĩ tới một niên vụ được mùa. Nhưng từ tháng 9, lượng mưa ngày càng tăng, làm cho mực nước ngầm tăng khủng khiếp, mực nước ở nhiều giếng đã ngang với mặt đất. Nhiều vùng đất ngập nước, nước mạch xì ra trên mặt đất. Lúc đó, nhiều hộ trồng tiêu đã nhanh tay đào rãnh thoát nước, nhưng đã muộn!


Ông Hoàng Phước Bính, phó chủ tịch Hiệp hội tiêu Chư Sê cho biết: “Năm nay, Chư Sê mưa nhiều thiệt, nên mới có hiện tượng úng ngập. Nhiều gò đất cao, mà cũng có mạch. Với cây tiêu, úng là chết. Rễ tiêu mẫn cảm với nước lắm, chỉ cần ngậm nước vài ngày là thối”. Theo ông Bính, những vườn tiêu bị úng ngập, nấm Phytophthora sẽ phát triển nhanh, là tác nhân chính gây ra hiện tượng chết nhanh của tiêu.


Lỗi do dân?


Ông Bính nói rằng, hơn 1.600 hội viên của Hiệp hội tiêu Chư Sê thường xuyên được cảnh báo về kỹ thuật canh tác, thổ nhưỡng cho cây tiêu… nhưng không ít hội viên, vì chạy theo lợi nhuận của cây tiêu, mà họ bất chấp những cảnh báo trên, nên việc tiêu chết nhanh, úng thối rễ là do người dân. “Hiện tượng tiêu chết nhiều có yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Khách quan là do mưa nhiều. Nhưng quan trọng là người trồng tiêu đã không tuân thủ theo những biện pháp canh tác, sử dụng thuốc đã được khuyến cáo. Nhiều hộ dân cứ thấy đất trống là trồng, không cần biết đất đó có phù hợp với tiêu hay không. Người dân trồng tiêu quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hoá học, mà ít đầu tư phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, sinh học”, một cán bộ kỹ thuật của công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại Chư Sê nói.


Tuy nhiên, nhiều hộ trồng tiêu cho rằng, do không có thu thuế từ cây tiêu, nên lãnh đạo huyện đã không mặn mà việc hỗ trợ người dân trồng tiêu. Còn theo một lãnh đạo huyện Chư Sê, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đang yêu cầu các xã báo cáo diện tích và số lượng tiêu chết để có giải pháp hỗ trợ nông dân như cử cán bộ kỹ thuật, cho vay vốn…


Song Minh – Hoàng Vinh






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ