Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Kinh doanh mạng di động: phải chuyển mới sống

Kinh doanh mạng di động: phải chuyển mới sống

Kinh doanh mạng di động: phải chuyển mới sống


SGTT.VN - Doanh thu hiện nay của các nhà mạng Việt Nam, phần lớn đến từ các dịch vụ truyền thống là thoại và nhắn tin. Trong khi đó, nhiều tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới đã chuyển qua kinh doanh dữ liệu theo hình thức gói dịch vụ… Đến lúc các nhà mạng Việt Nam phải thay đổi.










Nhiều trẻ đã bắt đầu sử dụng nội dung giáo dục trên các thiết bị di động trong cuộc sống hằng ngày. Ảnh: Minh Phúc



Ông Phạm Văn Việt, giám đốc công ty VietPace, từ nhiều năm nay đã dành thời gian nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ thông tin – viễn thông và truyền thông (gọi tắt là ICT). Theo số liệu khảo sát của ông Việt, quý 1/2013, doanh thu từ tin nhắn SMS và MMS của China Mobile hiện chỉ còn 7,4% so với 8,3% hồi quý 1/2012; trong khi đó doanh thu từ dịch vụ dữ liệu đã tăng từ 28,5% (quý 1/2012) lên 33,5% (quý 1/2013), lưu lượng kết nối không dây đã tăng từ 11% của quý 1/2012 lên 16,6% vào quý 1/2013. Quý 1/2013, chỉ riêng dịch vụ thoại và nhắn tin SMS, nhà mạng China Mobile đã giảm 3,3 tỉ nhân dân tệ (RMB) so với quý 1/2012, còn dịch vụ kết nối không dây tăng 18,1 tỉ RMB, mảng ứng dụng tăng 2,5 tỉ RMB, chia sẻ quyền lợi với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung khác tăng 794 triệu RMB.


Ông Việt đã cập nhật thông tin đến 30.9.2013, kết nối không dây của AT&T (Mỹ) đã chiếm tỷ trọng 54%, dữ liệu trên cáp: 29%, còn dịch vụ thoại cố định: 17%. Xét về hiệu quả kinh doanh, trong quý 3/2013, doanh thu từ dịch vụ cung cấp dữ liệu của AT&T là 5,5 tỉ USD, tăng 200 triệu USD so với quý 2/2013; thoại và nhắn tin giảm 43 triệu USD, còn 9,95 tỉ USD; mảng kinh doanh thiết bị di động tăng 100 triệu USD, có doanh số 2,02 tỉ USD.


Từ những con số trên, ông Việt nhận định: “Nhiều tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới từ nhiều năm nay đã không còn tập trung kinh doanh những dịch vụ truyền thống như thoại và nhắn tin. Họ đã chuyển qua kinh doanh dữ liệu theo hình thức gói dịch vụ (thoại/nhắn tin/ mobile internet/dữ liệu), gia tăng giá trị kinh doanh phần cứng…”


Viettel “nổ súng” trước


Dù chưa có những việc làm cụ thể, nhưng các nhà mạng Việt Nam cũng cho rằng, phải chuyển đổi phương thức kinh doanh như nhiều nhà mạng khác trên thế giới đang làm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) phân tích: “Từ khi có mạng viễn thông, chúng ta chỉ kinh doanh dịch vụ “alô” (tức là thoại) và tin nhắn SMS. Những dịch vụ truyền thống này đã từng chiếm 100% doanh thu của các nhà mạng. Hiện nay, doanh thu của những dịch vụ trên dao động từ 65 – 75%, dự kiến vài năm nữa chỉ còn 25%. Điều đó có nghĩa, doanh thu chính của nhà mạng sẽ không còn là miếng bánh chính nữa”.


Cũng từ quan niệm trên, theo ông Hùng, khái niệm “nhà mạng” phải chuyển thành “nhà cung cấp dịch vụ”. Hiện nay niềm tự hào của doanh nghiệp viễn thông là mạng lưới nhưng trong tương lai gần đây, niềm tự hào lớn nhất của nhà mạng là có nhiều gói dịch vụ hấp dẫn người tiêu dùng, sức tăng trưởng mạnh mẽ, có lực lượng nghiên cứu và phát triển ứng dụng mới đông đảo và giỏi nghề... Ông Hùng chia sẻ: “Nhiều chuyên gia cho rằng mạng cố định sẽ chết. Nhưng Viettel có quan điểm riêng, mạng cố định, ở đây là cố định băng rộng sẽ phát triển. Viettel có thể là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới từ lĩnh vực kinh doanh chính là di động đã tuyên bố chuyển lĩnh vực sang cố định băng rộng”. Viettel hiện là nhà sở hữu hạ tầng cố định băng rộng lớn của Việt Nam, chỉ đứng sau tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).


Không chỉ kinh doanh thiết bị đầu cuối, lãnh đạo Viettel cho rằng, phải có kết hợp giữa viễn thông, công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử để tạo ra những hiệu ứng xã hội, phục vụ đời sống con người. Hiện nay Viettel đang làm việc với Điện lực Việt Nam dự án côngtơ điện thông minh. Theo ông Hùng, với dự án trên, phần viễn thông sẽ giải câu chuyện về truyền số liệu, phần điện tử lo thiết bị côngtơ điện số hoá, còn phần việc của công nghệ thông tin là tính cước, trừ tiền thời gian thực, giờ cao điểm và giờ không cao điểm…


Viettel cũng là nhà mạng thẳng thắn ủng hộ quan điểm hợp tác với các nhà phát triển ứng dụng, không chỉ học hỏi sự sáng tạo của họ mà còn tạo ra chuỗi ứng dụng cung ứng cho người tiêu dùng. “Các nhà mạng phải học cách hợp tác, làm ăn với hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ để chia sẻ những giá trị, doanh thu”, ông Hùng nói.


Khởi động cuộc đua mới


Còn những nhà mạng khác như Mobifone, Vinaphone, Gtel, Vietnamobile sẽ như thế nào? “Chúng tôi đã nhìn thấy những gì mà các nhà mạng lớn trên thế giới như AT&T, Springs, China Mobile đã và đang làm. Đến lúc phải chuyển hướng kinh doanh, không chỉ đó là những cơ hội để tồn tại mà còn là điều kiện quan trọng để tăng trưởng”, đại diện một nhà mạng chia sẻ.


Trên thực tế, với Mobifone, Vinaphone và Vietnamobile, muốn chuyển hướng kinh doanh, không chỉ là nội lực, ý chí của nhà mạng mà còn có yếu tố quyết định từ lãnh đạo chủ quản. Được biết, VNPT, cơ quan chủ quản của Mobifone và Vinaphone đang trong quá trình tái cấu trúc, còn số phận của hai công ty thành viên “đi” hay “ở” chưa rõ ràng, sẽ rất khó xác định chiến lược kinh doanh trong thời kỳ mới cho hai nhà mạng này. “Sau khi thân phận rõ ràng, lúc đó chúng tôi sẽ công bố những chiến lược kinh doanh mới cũng không muộn”, một nguồn tin từ Mobifone chia sẻ như vậy.


Không sớm thì muộn, chắc chắn các nhà mạng sẽ khởi động cuộc đua mới...


Gia Vinh






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ