Bác sĩ cũng phải học kê đơn thuốc
SGTT.VN - Việt Nam bước đầu đã xây dựng hệ thống cảnh giác dược. Bộ Y tế luôn khuyến cáo: bác sĩ cần chú trọng đến thông tin cảnh giác dược trước khi kê toa cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những sai sót trong quá trình kê đơn cho bệnh nhân.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động cảnh báo dược 2013, theo TS Nguyễn Hoàng Anh, trung tâm ID & ADR quốc gia (Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc), việc theo dõi an toàn thuốc giai đoạn hậu marketing rất cần thiết nhằm đánh giá lại chỉ định: mở rộng hoặc hạn chế chỉ định; phát hiện những tác dụng phụ hiếm gặp; độc tính của thuốc khi dùng dài hạn; đánh giá chi phí/lợi ích. Ví dụ, Vastarel với hoạt chất Trimetazidine được lưu hành tại Pháp năm 1980 với chỉ định: điều trị dự phòng cơn đau thắt ngực; điều trị bổ trợ cho các trường hợp ù tai, chóng mặt... Qua quá trình nghiên cứu theo dõi an toàn thuốc giai đoạn hậu marketing, đánh giá lợi ích/nguy cơ của Vastarel, cơ quan Quản lý dược phẩm Pháp quyết định chỉ định được cảnh báo ở mức độ 2: chỉ định cần cân nhắc. Tại Việt Nam, cục Quản lý dược Việt Nam khuyến cáo: “Thận trọng cân nhắc lợi ích/nguy cơ khi sử dụng Trimetazidine đường uống cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân có tiền sử Parkinson”.
BS Hoàng Thanh Mai, phó trưởng phòng Quản lý thông tin quảng cáo thuốc, cục Quản lý dược (bộ Y tế) cho biết, trong năm 2013, cục Quản lý dược đã ban hành 14 văn bản liên quan đến an toàn thuốc và cảnh giác dược. Trong 14 văn bản trên có sáu văn bản liên quan về phản ứng có hại của thuốc và hai văn bản liên quan đến việc đình chỉ lưu hành và thu hồi khỏi thị trường một số loại thuốc. Trường hợp thuốc bị đình chỉ là dịch truyền Relab 20% do sau truyền bệnh nhân có biểu hiện sốc phản vệ như rét run, huyết áp tăng, mạch nhanh và sốt cao. Trường hợp thuốc tiêm chứa Tolperidon (thuốc giãn cơ, tăng trương lực cao) do hiệu quả của thuốc không được chứng minh rõ ràng và thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn.
PGS.TS Nguyễn Đăng Hoà, hiệu trưởng trường đại học Dược Hà Nội cho biết, Việt Nam bắt đầu có những hoạt động thiết lập hệ thống cảnh báo dược. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có hướng dẫn cụ thể trách nhiệm của nhân viên y tế khi gặp phản ứng có hại của thuốc. Do đó, hoạt động giám sát phản ứng có hại của thuốc cần sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng viên nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề an toàn trong sử dụng thuốc, và khuyến khích cán bộ y tế báo cáo phản ứng có hại của thuốc như là nhiệm vụ chuyên môn trong thực hành lâm sàng và là một phần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Phát hiện sớm các vấn đề an toàn thuốc, kịp thời xử trí và chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng các biến cố bất lợi xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc trên người bệnh, tăng cường việc sử dụng thuốc hợp lý, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong liên quan đến thuốc trong thực hành.
Lệ Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét