Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Chống bão phải khác

Chống bão phải khác

Chống bão phải khác


SGTT.VN - Câu chuyện “siêu bão” đổ bộ vào miền Trung ngày 1.10, không khỏi khiến người ta đắng lòng khi công tác chuẩn bị phòng chống thảm hoạ đã được ráo riết thực hiện từ trước, thậm chí là đích thân phó thủ tướng đã “xắn tay áo” vào cuộc nhưng hậu quả vẫn quá nặng nề. Trong số đó có những “thảm hoạ kèm theo” chưa được báo trước.


“Chống bão” hay “né bão”?










Nếu thuỷ điện đồng loạt xả lũ, hoặc hồ chứa thuỷ lợi bị “bão” ép xả lũ thì thiệt hại về người và của sẽ là một câu chuyện lớn. Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: TNO



Trước khi càn quét nặng nề nhiều tỉnh miền Trung, đã có dự báo từ trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương rằng siêu bão lần này có sức công phá ngang ngửa cơn bão Xangsane đã càn quét và để lại hậu quả nặng nề tại miền Trung vào năm 2006. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là bão Xangsane cũng vào Việt Nam đầu tháng 10 và báo chí năm đó cũng để lại những từ khoá “tơi bời, tan nát, sạch sành sanh” như báo chí hiện nay đang mô tả thảm hoạ từ cơn bão Wutip.


Năm nay, kinh nghiệm từ Xangsane, Chanchu cho phép Việt Nam có nhiều thời gian để chuẩn bị chu đáo và hiệu quả hơn. Tuy nhiên dường như những bài học hơn sáu năm trước không thể cứu vãn được tình thế.


Điểm mấu chốt không phải là “bỏ ra bao nhiêu thời gian” để chuẩn bị, mà câu hỏi quyết định chính là “chuẩn bị như thế nào.” Ngoài công tác di dời dân được thực hiện rất khẩn trương, dường như các công tác chống bão khác còn quá đơn giản, bình dân. Nhiều hộ gia đình để chuẩn bị chống lại “hung bão” chỉ dựa vào phương thức cổ điển – chằng chống, giằng bao cát lên mái nhà. Giải pháp “vườn không nhà trống” tuy giảm thiệt hại về người, nhưng về “của” thì khó cứu vãn.


Và những quả “bom nước nổ chậm”


Điều đáng nói hơn chính là công tác phòng bị với những thảm hoạ chưa báo trước – thuỷ điện. Một điều dễ nhận thấy sau hàng loạt các xìcăngđan thuỷ điện trong năm 2012 và 2013, chính là chất lượng của thuỷ điện Việt Nam nằm ở mức độ an toàn không cao. Điều này được minh chứng rõ khi thuỷ điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai) “chưa dùng đã vỡ” vào hồi tháng 6 vừa qua. Gần nhất, kênh dẫn thuỷ điện Sêrêpốk 4A cũng vỡ trong sự bị động của tất cả những người dân xung quanh. Trong khi đó, hàng loạt các “quả bom nước” khác đang chờ ngày nổ, thậm chí là chờ những kích thích từ môi trường bên ngoài như bão, lũ đi qua. Điển hình như các hồ chứa thuỷ lợi đã sắp đầy, hoặc đã đầy và tràn qua từ Quảng Bình tới Thừa Thiên – Huế. Thế nên, nếu thuỷ điện đồng loạt xả lũ, hoặc hồ chứa thuỷ lợi bị “bão” ép xả lũ thì thiệt hại về người và của sẽ là một câu chuyện lớn.


Vây mà công tác chống bão năm nay cũng chưa động chạm nhiều đến những “cột nước tử thần” – vốn vẫn luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ.


Trong công tác chống bão, nhất thiết phải chú ý đến hai yếu tố quan trọng: i) là ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão đối với đời sống và tài sản người dân; ii) là những ảnh hưởng gián tiếp của nó, điển hình như khả năng “kích nổ” những “quả bom nước” giáng tai họa xuống đầu người dân. Để chống lại thiệt hại từ cả hai yếu tố trên không chỉ đòi hỏi những biện pháp tình thế như di dời, giằng bao cát… mà quan trọng hơn cả chính là các biện pháp cứng mang tính dài hơi: cách thức thiết kế hạ tầng, thuỷ điện, nhà cửa chống thảm hoạ, cũng như các giải pháp mềm: tâm lý và cách ứng phó tình huống thảm hoạ xảy ra thông qua diễn tập.


Để làm được điều đó, nhất thiết phải có sự chủ động trong khâu chuẩn bị thông qua các hoạt động nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế, và triển khai ứng dụng kịp thời.


Irys Nguyễn






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ