Chợ bệnh viện, đời bệnh nhân
SGTT.VN - Quá tải bệnh viện vẫn mãi mãi là chuyện thường ngày. Quá tải, bệnh viện đôi khi không khác gì cái chợ – theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong chợ bệnh viện đó, đời bệnh nhân sao quá chua chát!
Khuôn viên BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM với 4.000 bệnh nhân khám mỗi ngày. Ảnh: TNO |
1. Đến bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, người ta có cảm giác đây là cái “chợ” chứ không phải là bệnh viện. Cái mà ai nhìn bằng mắt thường cũng thấy và... sợ, đó là sự quá đông đúc, quá ồn ào, quá xô bồ. Còn là “chợ” bởi có nhiều thứ bệnh nhân không nhìn thấy, nó được xuất phát từ sự buông lỏng quản lý. Không ai biết nạn gian lận phim X-quang có từ bao giờ, nhưng ít ra cũng từ năm 2007 và không thể nói ban giám đốc không hề hay biết! Nhưng làm sao chấn chỉnh vì ngay cả thành viên ban giám đốc cũng có vấn đề. Trong chín trường hợp bác sĩ ở các khoa tham gia phẫu thuật dịch vụ khi có lịch phân công trực, thanh tra sở Y tế phát hiện có hai phó giám đốc và bốn trưởng, phó khoa! Vậy còn gì để nói? Phát biểu trên báo chí, ông giám đốc bệnh viện cho biết: “Lượng mổ dịch vụ chỉ chiếm 40 – 45 ca/ngày”, và “đây là cách để cải thiện đời sống nhân viên”. Nhưng thực tế lại khác, có thời điểm mỗi ngày bệnh viện mổ đến 70 ca dịch vụ nhưng chỉ có 30 ca chương trình!
Không chỉ loạn như thế, việc cung cấp vật tư tiêu hao ở đây cũng không theo quy định nào: đại diện các công ty cung cấp vật tư tiêu hao (khớp nhân tạo, đinh, vít...) tuỳ tiện mang sản phẩm đến phòng mổ để cung cấp, thậm chí vào tận các phòng mổ, tham gia phụ bác sĩ, khi bác sĩ phẫu thuật yêu cầu loại dụng cụ nào thì sẽ được cung cấp. Ai lợi, ai thiệt quá rõ!
2. Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình là một trong số ít bệnh viện được thành phố chọn xây dựng khoa vệ tinh ở những nơi khác để giảm tải. Nhưng cả năm qua chương trình này dường như chỉ làm lấy tiếng. Ở khoa vệ tinh của bệnh viện An Bình, bệnh nhân nằm ở đây để giữ chỗ trước mổ và nghỉ dưỡng sau mổ. Nếu mổ, bệnh nhân cũng phải qua bệnh viện chính, như thế có khá gì? Hỏi tại sao, người ta đổ thừa không có phòng mổ. Khoa vệ tinh của bệnh viện Tân Phú còn thê thảm hơn, chỉ lèo tèo chục bệnh nhân. Ở đây có phòng mổ hẳn hoi, nhưng không bệnh nhân nào được mổ vì không có trang thiết bị. Như thế có mở khoa vệ tinh cũng chẳng giải quyết được quá tải bệnh Chấn thương chỉnh hình, bệnh nhân ở đâu cũng phải về bệnh viện chính để mổ!
Câu chuyện thất bại (đến thời điểm này) của chương trình khoa vệ tinh chấn thương chỉnh hình có thể được nhìn ở nhiều góc cạnh khác nhau, nhưng có một góc cạnh cần nhìn thẳng: Quá tải bệnh viện là nỗi khổ của người này nhưng lại là “niềm vui” của người khác. Bởi có quá tải mới có chuyện chụp X-quang bát nháo (để nhân viên khoa chẩn đoán hình ảnh mỗi năm có thể bỏ túi đến 3,3 tỉ đồng – theo đánh giá của cơ quan chức năng), có chuyện bệnh nhân xin mổ dịch vụ vì sợ chờ quá lâu, từ đó tạo cơ hội cho một nhóm nhân viên y tế lừa gạt.
Quá tải bệnh viện, câu chuyện gây nhiều bức xúc vì tạo ra quá nhiều hệ luỵ cho người dân, nhưng thực tình chẳng biết khi nào mới được giải quyết. Mới nhất, trong cuộc họp với ban Kinh tế – ngân sách, HĐND TP.HCM ngày 8.10 về tiến độ thực hiện các dự án công trình trọng điểm và dự án chuyển tiếp của ngành y tế thành phố năm 2013, đại diện sở Y tế cho biết trong chín dự án trọng điểm y tế, hầu hết đều vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng. TP.HCM sắp tròn 40 năm giải phóng, nhưng trong chừng ấy năm đó không một bệnh viện tầm cỡ nào được xây dựng, những bệnh viện nhi đồng, ung bướu, chấn thương chỉnh hình hoành tráng hoàn toàn chỉ nằm trên giấy.
Vì thế, quá tải bệnh viện vẫn mãi mãi là chuyện thường ngày. Quá tải, bệnh viện đôi khi không khác gì cái chợ – theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong chợ bệnh viện đó, đời bệnh nhân sao quá chua chát!
Bình Yên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét