Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Cái alô trong nhịp sống đời thường

Cái alô trong nhịp sống đời thường

Cái alô trong nhịp sống đời thường


SGTT.VN - Vừa dứt lời mời: “Anh ơi! Mua giùm tờ vé số. Cả ngày nay mới bán được mấy tờ”, ông Tuấn (sau này mới biết tên họ đầy đủ là Trương Văn Tuấn, quê An Nhơn, Bình Định) đã lấy chiếc điện thoại đang đổ chuông, tế nhị quay ra đường, nói: “alô, cha nè, có gì không con?” Đầu dây bên kia nói gì đó, ông trả lời ngắn gọn: “Vài hôm nữa cha gởi về”. Ông cười khổ sở: “Ở nhà đang kẹt tiền”.










Chiếc điện thoại là cầu nối giữa người “tha phương cầu thực” với người thân ở quê. Trong ảnh: tranh thủ không có khách, chơi game đỡ buồn. Ảnh: Minh Phúc



Với những người nghèo “tha phương cầu thực”, chiếc điện thoại di động là cầu nối giữa người xa xứ và người thân ở quê nhà.


Thiết bị kết nối tình thân


Ông Tuấn khoe vừa mua chiếc điện thoại với giá 500.000 đồng. “Mình có rành đâu, nhờ mấy đứa nhỏ ở chung nhà trọ mua giùm. Nó nói, điện thoại Nokia nhưng là hàng nhái nên mới có giá đó. Tui có biết gì đâu, chỉ nghe và gọi là được rồi”, ông Tuấn kể. Từ khi có điện thoại, ông Tuấn và gia đình thường xuyên gọi cho nhau, từ chuyện hỏi thăm sức khoẻ, nhắc nhở những chuyện ở quê như đi đám giỗ, đám cưới, nhất là chuyện gởi tiền cho con đi học… Theo ông Tuấn, mỗi tháng ông tiêu hết 50.000 đồng cho điện thoại, cứ lựa lúc nhà mạng nhắn tin khuyến mãi, ông mua thẻ 50.000 đồng là đủ gọi một tháng.


Ông Nguyễn Văn Thương và bà Võ Thị Lan (quê ở huyện Tây Hoà, Phú Yên) là “cặp đôi hoàn hảo” xa quê đã hai năm nay. Chồng làm nghề đánh giày. Vợ bán vé số. Chồng xài điện thoại Trung Quốc, nhưng là hàng mua lại với giá 300.000 đồng. Còn vợ sang hơn, xài Nokia C2-03 giá 2,15 triệu đồng, mua cách đây hai năm khi còn đi chặt mía thuê và làm công nhân chế biến hạt điều ở Phú Yên. Bà Lan kể, từ khi hai vợ chồng đặt chân vào đất Sài Gòn, chiếc điện thoại dùng để gọi cho chồng với những thông tin thường ngày của một gia đình tha phương: hôm nay ai nấu cơm, vé số đã bán hết hay chưa… “Cả hai vợ chồng đi suốt ngày, có chiếc điện thoại tiện lắm. Hôm nào bán chưa hết thì gọi cho ổng để bán giúp. Có hôm tui bán được, ổng ế thì gọi ổng về nhà nấu cơm trước”, bà Lan cười kể. Theo lời bà Lan, một tháng, mỗi máy xài hết 20.000 đồng, hễ canh có khuyến mãi là nạp thẻ. “Thỉnh thoảng, cả hai thay phiên nhau gọi về cho cha mẹ ở quê. Mà có gọi gì nhiều đâu, hỏi thăm vài câu là cúp máy. Tiết kiệm mà”, bà Lan kể thêm.


Vợ chồng ông Toàn (Buôn Ma Thuột) làm nghề bán càphê dạo ở đất Sài Gòn gần một năm nay cũng vậy, sử dụng chiếc điện thoại để “hỗ trợ” nhau bán hàng. Từ sáng sớm, chồng một nơi, vợ một nẻo. Theo ông Toàn, hễ chỗ của người nào bán đắt hàng thì gọi để người kia kịp thời “ứng cứu” phục vụ khách. “Vì cả hai vợ chồng cùng chung nghề bán càphê dạo nên có điện thoại tiện lắm. Số điện thoại dán trên xe để cho khách hàng biết. Có nhiều người uống quen, ghi số điện thoại, họ cần gọi cho mình, tui chạy tới”. Còn chuyện gia đình, ông Toàn cười nói: “Thường buổi chiều tui gọi cho vợ để kêu vợ về trước nấu cơm, mình bán trễ hơn”.


Có tiền sẽ mua cái alô


Ông Trịnh Văn Khương, quê ở Đông Hoà (Phú Yên) bước chân vào Sài Gòn, bán vé số cách đây một năm. Ông Khương than thở: “Già rồi, nhớ quê lắm nhưng ở ngoải làm ăn khó khăn quá nên mới vào trong này bán vé số để kiếm tiền nuôi gia đình”. Mấy tháng mùa mưa bán ế, mỗi tháng được 3 triệu đồng, còn mấy tháng trước, có tháng kiếm được 5 triệu đồng. Được chủ bao ăn ở nên ông yên tâm, còn khi nhớ con cháu, ông mượn điện thoại của cô cháu họ cũng đi bán vé số, ở chung nhà để gọi về quê. “Dù là con cháu nhưng mượn hoài cũng kỳ, thỉnh thoảng mới mượn. Mỗi lần gọi được mấy câu rồi thôi. Muốn mua cái alô mà không có tiền”. Ông Khương tâm sự tiếp, ông sẽ cố gắng dành dụm rồi mua một chiếc điện thoại để có cái mà gọi về quê, lỡ có chuyện gì bất trắc còn có cái để gọi về cho chủ nhà. “Bây giờ trong túi tui lúc nào cũng có miếng giấy ghi số điện thoại của đứa cháu, mình có chuyện gì cũng có người biết mà giúp mình”.


Bà Nguyễn Thị Sáu (quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi) bán dạo gương lược, quẹt, kính... ở Sài Gòn đã được ba năm. Cũng như ông Khương, trong túi bà Sáu lúc nào cũng có một miếng giấy ghi sẵn mấy số điện thoại của những đứa con ở quê. Bà nói rằng, bà không biết xài điện thoại. Có gì cần, bà nhờ mấy đứa nhỏ trong phòng gọi giùm. “Tui đưa miếng giấy, tụi nó bấm số rồi tui nghe. Mấy đứa con nói tui mua một chiếc điện thoại nhưng tui không có tiền và sợ bọn cướp giựt”, bà Sáu cười vui. Bà xốc quầy hàng “lưu động” trên vai rồi chậm chạp lê từng bước chân trên đường phố chật ních người và xe…


Trọng Hiền






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ