Phát triển nông nghiệp khu vực Nam Bộ: Tiến bộ kỹ thuật chưa gắn với hiệu quả
SGTT.VN - Vì sao thời gian qua, các sản phẩm ngành nông nghiệp ở Nam bộ, đặc biệt là vùng ĐBSCL luôn giữ vai trò chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong GDP cả nước mỗi năm nhưng người làm nông nghiệp vẫn nghèo? Có nhiều loại giống với những ưu thế cao, nhưng vẫn chưa có được giống lúa nào đột phá làm nên thương hiệu quốc gia?
Ngày 18.9, tại Hội nghị Giới thiệu tiến bộ kỹ thuật nỗi bật phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực vùng Nam bộ (TP Cần Thơ), bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt vấn đề như vậy.
TS Lê Văn Bảnh, viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng, khi xuất khẩu khó khăn hay nói về thương hiệu người ta hay đỗ lỗi do giống. Hoạt động xuất khẩu theo 3 hướng (gạo thơm, gạo chất lượng cao, gạo chất lượng trung bình thấp) nhưng chưa xác định đi theo hướng nào. Ông Bảnh dẫn chứng điển hình trường hợp thị trường xuất khẩu gạo thơm (nước ta đang chiếm 10-15% thị phần) nhưng cạnh tranh không lại Ấn Độ và Thái Lan. Sản xuất trong nước đang đi ngược thị trường thế giới: Ở nước ngoài, những doanh nghiệp xúc tiến thương mại sau khi tìm hiểu thị trường cần chất lượng gạo như thế nào, sau đó họ đặt hàng cho những người làm nghiên cứu. Còn tại Việt Nam, doanh nghiệp có đơn đặt hàng rồi mới quay qua thu mua, mối liên kết giữa doanh nghiệp và những người làm nghiên cứu từ vấn đề giống, chất lượng, yêu cầu thị trường rất lỏng lẻo. “Một nhà kiến trúc sư có thể thiết kế nhiều ngôi nhà đẹp nhưng giá trị của ngôi nhà là do doanh nghiệp xây dựng quyết định”, ông Bảnh nói.
Bà Nguyễn Giang Thu, phó vụ trưởng vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho rằng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay còn chú trọng đến năng suất, chưa chú trọng chất lượng, nhất là giống lúa chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, tính bền vững chưa cao.
Từ năm 2007-2012, số giống lúa được đưa vào sản xuất kinh doanh là 55 giống (24 giống chính thức và 31 giống dùng thử), hầu hết các giống lúa được nghiên cứu chọn tạo mang bản quyền Việt Nam có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 85-100 ngày), năng suất cao; 12 giống cây ăn quả mới, hàng trăm cây đầu dòng, 8 loại gốc ghép,…được nghiên cứu tuyển chọn, lai tạo để áp dụng sản xuất.
Tuy nhiên, cũng theo bà Thu, tương tự hoạt động nghiên cứu giống lúa, việc nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật chưa gắn liền với nâng cao hiệu quả kinh tế, chưa gắn kết chặt chẽ với chuyển giao kết quả nghiên cứu cho người sản xuất; một số kết quả nghiên cứu chưa bám sát với phát triển sản phẩm chủ lực của vùng.
NGỌC BÍCH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét