Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Làm sao để doanh nghiệp ít “được” quản lý

Làm sao để doanh nghiệp ít “được” quản lý

Doanh nhân góp ý đề án chính quyền đô thị


Làm sao để doanh nghiệp ít “được” quản lý


SGTT.VN - Tại hội nghị “Doanh nhân TP.HCM góp ý đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị thành phố” do Thành uỷ TP.HCM tổ chức sáng 3.9, một lần nữa câu hỏi về lợi ích, vai trò của người dân, trong đó có doanh nghiệp được đưa ra.


Ông Nguyễn Xuân Hàn, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) cho rằng, trong đề án chỉ thấy nếu được chấp thuận thì thẩm quyền của thành phố tăng lên, trong cái tăng lên đó thì (chủ yếu) là tăng thu. “Vậy người dân sẽ được gì…? Nhất là sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tại TP.HCM với các tỉnh và địa phương lân cận, nó có được tăng lên hay không?”, ông Hàn đặt vấn đề.


Theo ông Hàn, một số doanh nghiệp cảm thấy sống tại TP.HCM sao ngột ngạt quá, “được” quản lý nhiều quá. “Các doanh nghiệp đang có quá nhiều cấp quản lý, từ ông trật tự đô thị phường cho đến ông thanh tra các bộ, ngành đều có thể quản lý được. Do đó, điều quan trọng nhất của việc xây dựng chính quyền đô thị (CQĐT) là vấn đề phân quyền, phân cấp, để khi hình thành CQĐT thì người dân, doanh nghiệp cảm thấy tốt hơn, ông Hàn nói.


Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Huỳnh Văn Minh cho rằng vấn đề hiện nay người dân và doanh nghiệp bức xúc nhiều là về cải cách hành chính. Do đó, việc xây dựng CQĐT phải làm sao đơn giản nhất, phục vụ dân nhiều nhất. “Muốn vậy phải quyết liệt kiến nghị Trung ương phân cấp cho thành phố, là đô thị đặc biệt, thì quyền hạn cho thành phố phải rõ. Phải có cơ chế và trao quyền cho người đứng đầu một cách thực chất, rõ rệt hơn, nhiệm vụ phải kèm theo quyền hạn. CQĐT phải giao quyền quyết liệt hơn thì mới giúp dân và doanh nghiệp được”, ông Minh nói.


Ở một góc nhìn khác, ông Đặng Đức Thành, tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Căn nhà Mơ ước cho rằng, xây dựng CQĐT thì phải công khai minh bạch, nhất là minh bạch về thông tin quy hoạch. “Bên cạnh đó xây dựng CQĐT mà đời sống cán bộ công chức không đảm bảo là không được. Giảm các cấp thì phải tăng lương cho người ta, đó là cơ sở số một để người thực hiện có sức mà làm. Sau đó mình quy định điều kiện anh vi phạm thì bị chế tài, lúc đó người ta mới sợ”, ông Thành nói.


PGS.TS.KTS Phạm Tứ, hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cho rằng, trong mô hình CQĐT, thành phố cần làm rõ và chuẩn mực về cấu trúc và hình thái. Điều băn khoăn nhất của KTS Phạm Tứ là khi có một hình thái mới liệu có đánh mất đi giá trị cũ, không phải một thế hệ mà rất nhiều thế hệ mới xây dựng được. “Ví dụ chỉ một cái tên như Thành phố Đông thì một thời gian là các địa danh khác nó không còn, mà cái địa danh ở Sài Gòn nó đã đi vào văn hoá và tiềm thức của người dân”, ông Tứ nói.


Cũng theo KTS Phạm Tứ, việc xây dựng CQĐT của TP.HCM phải tránh được tư tưởng “chia nhỏ để dễ quản lý”, mà thay vào đó là việc thực hiện trao quyền có kiểm soát cho uỷ ban hành chính địa phương ở cấp xã/phường, nhằm phát huy dân chủ và quyền tham gia của cộng đồng dân cư bằng hình thức trực tiếp hay thông qua cơ chế đại diện.


“Để đề án thành công thì sự cạnh tranh có tính bổ sung giữa các khu đô thị đòi hỏi cơ chế tự chủ và trao quyền thực sự để phát huy vai trò của người đứng đầu, tránh xa nguyên tắc điều hành tập thể và không xác định vai trò trách nhiệm của người đứng đầu…”, ông Tứ nhấn mạnh.


Đoàn Quý






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ