Đằng sau chuyện nông dân bỏ ruộng
SGTT.VN - Từ chỗ mùa màng bị thất bát, thu nhập không xứng với công cán bỏ ra, nông dân ở nhiều nơi tại khu vực Bắc Trung bộ đã bỏ ruộng hoang, có nơi nhà nông viết đơn xin trả lại ruộng để tha hương kiếm ăn. Bờ xôi ruộng mật một thời phấn đấu cho người cày có ruộng, nay lại xảy ra chuyện có không ít mảnh đất chẳng có ai ngó ngàng đến.
Bài 1: Ngàn năm một phương thức canh tác
Do làm lúa bị lỗ, nông dân không còn tâm huyết với việc gieo trồng mùa vụ mới. |
Tình cảnh của nông dân khó khăn trăm bề, nhiều hộ dân để ruộng hoang khiến cho xã hoặc thôn phải “ép” vào điều kiện: làm ruộng mới được vào hộ nghèo, hoặc cận nghèo. Thế nhưng, mặc dù hiện đang ở thế kỷ 21, phương thức canh tác của nông dân ở đây vẫn như xưa, điển hình ở vựa lúa có tiếng của Bắc miền Trung là xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình: vẫn con trâu đi trước, cái cày đi sau!
Sản xuất còn manh mún
Cuộc sống của người nông dân hiện nay luẩn quẩn trong điệp khúc: được mùa mất giá. Bi kịch hơn khi vụ lúa hè thu ở tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh...nông dân lại bị mất mùa do nạn chuột hoành hành, phá hoại ruộng đồng. Chúng tôi trở về với các cánh đồng cò bay thẳng cánh để tìm hiểu chuyện vì sao người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời hiện vẫn không đủ sống bằng nghề nông.
Không riêng gì tỉnh Quảng Bình, các cánh đồng lúa ở khắp miền Trung đều được cắt thửa, chia lẻ ra cho từng hộ cá thể, những bờ ruộng được be lên để phân biệt ruộng của hộ này với hộ kia. Các cánh đồng cò bay thẳng cánh đã được chia như thế và nay ruộng đồng nhìn lút mắt, nhưng trên thực tế canh tác rất khó cho máy móc hiện đại vào cày bừa lớn, hoặc gieo trồng tự động.
Bà Nguyễn Thị Lý, ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh có bốn sào ruộng, nói: “Ruộng xã chia cho từng hộ thì mạnh ai nấy làm, mạnh ai đắp bờ ruộng nhà nấy, máy móc khó vô thì phải làm thủ công”. Cách làm ruộng thủ công của bà Lý vẫn áp dụng từ kinh nghiệm từ ngàn vạn đời trước truyền lại: ngâm giống, ủ giống đều làm thủ công trong nhà, gieo sạ đều từng thúng, vãi lúa bằng tay, vùng sâu trũng lại dàn hàng ngang khom lưng cấy lúa bằng tay.
Đến mùa thu hoạch, bà Lý cũng như hàng vạn hộ nông dân miền Trung khác đều đến lò rèn ở xã, hoặc huyện để đi đặt mua từng cái liềm nhỏ bé, hoặc những cái hái cho vùng lúa nước sâu để gặt từng gốc lúa. Sau khi trừ đi chi phí như: công cán bỏ ra mỗi ngày trong từng vụ là rất lớn cộng với các khoản khác về phân, giống, cày, bừa, thuốc trừ sâu, nhổ cỏ, tính ra, mỗi vụ, mỗi sào lúa ở khắp các cánh đồng tại huyện Quảng Ninh chỉ thu lời chưa đến 100.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Công, bí thư chi bộ thôn Thu Thừ (Quảng Ninh) nói: “100.000 đồng tiền lời cho bốn tháng ròng, không hề tính bất cứ ngày công nào cả, thế là lỗ sặc gạch. Phải tính như thế nào, chứ công cán trần ai, làm ăn manh mún, con trâu cái cày, liềm hái nhỏ bé từ mấy ngàn năm trước để lại, chừ vẫn thế thì có qua thế kỷ 22, nông dân vẫn cực. Nhà nước cần nghĩ mần răng có phương thức canh tác lúa kiểu mới thôi, chứ cứ làm ăn manh mún mãi thì chẳng cất đầu lên được”.
Chúng tôi về các làng quê giữa vụ hè thu, nhìn quanh vẫn chỉ những tốp phụ nữ làm nông bằng liềm và hái, họ gánh gồng từng bó lúa lên bờ, về nhà, thi thoảng mới thấy chiếc máy gặt đập liên hợp giữa vùng ruộng lớn, còn lại ai nấy cứ dàn đều hàng ngang cần mẫn dùng liềm cắt lúa.
Nông dân mất trắng lúa
Mùa vụ năm nay với miền Trung quả là cực hình khi đi đâu cũng gặp thông điệp mất mùa. Người nông dân khốn đốn với lũ chuột, một loại “địch hoạ” biến mùa màng thành công cốc trong vài đêm khi lúa chưa được mang vào nhà. Toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 2.000ha lúa bị chuột tấn công, có nơi nông dân bị mất trắng vụ lúa nhưng chỉ biết nhìn trời ứa nước mắt.
Ngoài cánh đồng khóm đội thôn Thu Thừ, ông Nguyễn Văn Công vừa nói vừa khóc: “Cực lắm chú ơi, bọn tui là cán bộ thôn, đi vận động dân làm ruộng từ đầu vụ. Nói thiệt đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng người để tránh bỏ ruộng, có khi tui bị người dân chửi như xát muối vô mặt, bởi vì, họ nói, họ làm không có lời nên không làm, họ nói các ông là cán bộ thôn ưng thì ra đó mà làm, bày tui càng làm càng mất thì làm để làm gì, làm vì thành tích mà đói meo bụng thì làm cái gì. Chừ thấy dân bị chuột phá trắng mỗi đêm 20ha lúa thì tui ứa khóc, tui cũng vì gương mẫu, làm được mấy sào, nhưng bị chuột phá sạch”.
Cạnh bên là hợp tác xã Hoành Vinh cùng xã An Ninh, ông Võ Doãn Dực, chủ nhiệm hợp tác xã cho biết: “Hợp tác xã tui làm 193ha lúa, nhưng hơn 160ha lúa bị mất trắng, không còn cọng nào hết, số còn lại cũng mất kiểu loang lổ, chẳng gặt được gì, coi như sạch trơn do chuột phá hoại.
Cả vựa lúa của huyện, nổi tiếng cả vùng Bắc miền Trung bị mất sạch do chuột”.
Theo thống kê sơ bộ của xã An Ninh, có hơn 200ha lúa bị chuột phá hoại. Đứng trước tình hình nghiêm trọng này, địa phương đã tổ chức hội nghị vào ngày 28.8 để bàn về việc làm cách nào để diệt chuột. Đại diện một số đơn vị nông nghiệp từ Nghệ An cũng vào cùng nông dân giữa cái nắng chang chang để “tính sổ” với lũ chuột. Ông Nguyễn Văn Đồng, chủ tịch xã An Ninh, cho biết: “Lúc chuẩn bị làm ruộng, xã thôn đi vận động dân làm ruộng, nhưng họ từ chối vì nói làm ruộng bị lỗ, nhưng cán bộ cứ đến nói cả đêm, khiến cho dân đuổi về, hoặc có khi cán bộ doạ là nếu dân làm ruộng thì họ mới được vô danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo thì cũng có người dân đồng ý làm ruộng. Riêng tui, do gương mẫu làm 5 sào ruộng, thì bị mất trắng cả 5 sào”.
Cụ ông Hồ Công Tất, 81 tuổi, trách: “Lãnh đạo huyện lẽ ra phải về với nông dân một ít phút khi khắp nơi bị mất mùa do lũ chuột phá hoại mùa màng nhằm để an dân, trong khi họ cứ để người dân bơ vơ giữa ruộng đồng trắng tay thế này coi răng được!”
Chuột chạy tràn đồng
Sau khi những nỗi khó khăn thường xuyên của nông dân trong bao năm qua chưa vơi thì vụ mùa năm nay, lũ chuột lại xuất hiện nhiều vô số kể. Dù cho người dân sử dụng đủ mọi phương cách, nhưng họ lại không thể nào tiêu diệt được nạn chuột hoành hành, phá hoại mùa màng. Ông Nguyễn Viết Ánh, chủ tịch huyện Quảng Ninh cho biết: “Chuột chạy từng đoàn như giặc, đi từ đồng lúa này sang đồng lúa khác, đen đặc, nhìn khiếp lắm”. Còn ông Võ Doãn Dực cho biết: “Chúng cắn xé đến chóng mặt, ở làng tui cứ ba đêm, chúng cắn nát 40ha lúa. Chỉ trong vòng một ngày, cả làng đã diệt được 3 tạ chuột, mười ngày qua, làng đã diệt đến 3 tấn chuột. Chưa kể các vùng khác ở Lệ Thuỷ, mỗi ngày cũng có đến hàng tấn chuột bị bắt bẫy”.
Không chỉ có nạn chuột hoành hành ở đây, mà chuột có mặt khắp huyện vựa lúa Lệ Thuỷ, rồi cả huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới. Ở tỉnh Hà Tĩnh, 12 huyện thị xã cũng bị chuột tàn phá dữ dội. Có những hộ dân đầu tư vụ hè thu từ 18 – 20 triệu đồng, nhưng bị chuột càn quét mất trắng. Riêng hợp tác xã Hoành Vinh đã ký bảo lãnh cho nông dân vay giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu... hơn 1,5 tỉ đồng, thì nay đã không còn do chuột phá hoại mùa màng khiến cho khoản nợ này, theo ông Dực, không biết khi nào trả được, có khi ông còn bị kiện, chắc phải chịu trách nhiệm thay cho nông dân làng này, bởi chẳng có ai thu hoạch được lúa để trả khoản nợ trên.
bài và ảnh Quốc Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét