Ghi nhận từ chuyến tham dự hội chợ quốc tế thực phẩm Interfood – Jakarta lần thứ 13:
Interfood Indonesia và bài học tương tác liên kết của hàng Việt
SGTT.VN - Ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch HĐQT – tổng giám đốc công ty Vinamit nói với phóng viên trước cuộc gặp gỡ kết nối cơ hội kinh doanh hai nước Việt – Indonesia chiều 28.8.2013 tại Jakarta: “Thế giới đã phẳng, tất cả quân bài hầu như đều lật ngửa, doanh nghiệp Việt phải tương tác và liên kết để cùng đưa hàng ra thị trường”. Nhiều doanh nghiệp tham gia đoàn đến với hội chợ Interfood khai mạc hôm 28.8 cũng gật gù chia sẻ.
Nhà phân phối Indonesia xem hàng và đưa ra yêu cầu mới với Bích Chi. Ảnh: Hoàng Lan |
Những bất ngờ “quá đã”
Cuộc gặp gỡ do đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cùng hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, từ đầu đã xác định là đi thẳng vào chuyện làm ăn, bàn sâu các hành động cần làm để cùng có lợi. Ông Nguyễn Xuân Thuỷ, đại sứ Việt Nam tại Indonesia nói: “Tôi rất muốn cùng hội DN.HVNCL làm nhiều hơn cho điều lớn lao là xây dựng cho được hình ảnh hàng Việt ở đây”.
Vinamit gần như “thắng lớn” khi vừa mới mang hàng từ Việt Nam sang Jakarta hỗ trợ nhà phân phối thì thấy hàng bán ổn và mọi việc tại Interfood đã lo xong rồi. Tại cuộc gặp gỡ, một nhà nhập khẩu càphê hứng thú đề nghị sớm gởi mẫu để bàn kế hoạch nhập khẩu.
Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi thông qua BSA thuê gian hàng tại Interfood. Nhưng chị Bùi Thị Ngọc Tuyền, phụ trách xuất nhập khẩu của Bích Chi cho biết, thật bất ngờ, có một gian hàng nữa cũng quảng bá hàng Bích Chi mà do nhà phân phối tại đây tự làm, ông chủ công ty TTS nhập hàng và bán lẻ ở Indonesia, vui vẻ nói: “Mỗi tháng chúng tôi lấy hàng đều đặn 5 – 6 container từ Bích Chi. Lần này, tôi đề nghị, đợt hàng mới, bao bì nên ghi thành phần dinh dưỡng bằng tiếng Indonesia”. Và ông mời mọi người dùng thử món hủ tíu ăn liền của Bích Chi vừa xào nóng hổi, có dầu hào, nước mắm… đúng kiểu Indonesia.
Bất ngờ nữa là tại gian hàng Inofish có một số sản phẩm chả lụa hình con cá, giống y sản phẩm của công ty chả hoa Năm Thuỵ. Phản ứng của ông chủ trẻ của chả hoa Năm Thụy? Anh Nguyễn Trường Chinh, giám đốc công ty chả lụa Năm Thuỵ – tham gia đoàn, nói vui: “Thôi tạm gọi đây là “cuộc đụng đầu lịch sử” đi, dù chưa đủ cơ sở để kết luận điều gì, nhưng “tôi rất tin, có thể sao chép mẫu mã một lần, nhưng rồi người tiêu dùng sẽ phán đoán xem nhà cung cấp nào chăm sóc tốt hơn, khác biệt hơn. Vấn đề là làm sao để người tiêu dùng nhận diện thấy doanh nghiệp tận tuỵ qua cách luôn luôn tự làm mới”. Chinh không lấy chuyện bất ngờ vì “trùng” mẫu mã làm băn khoăn mà thích thú, mê mẩn tìm xem đủ loại dây chuyền tự động để hoàn thiện cho cửa hàng bánh mì tự chọn của anh mới mở, rất đông khách ở Trà Vinh.
Thấm thía hai từ “tương tác”
Ông Juan Gondokusumo – chủ tịch uỷ ban hợp tác kinh tế Indonesia – Việt Nam thuộc phòng Thương mại – công nghiệp Indonesia (KADIN) nói rằng năm 1985, ông là người đầu tiên dẫn đoàn doanh nhân Indonesia sang Việt Nam và bây giờ đẩy mạnh giao thương thì có lợi cho cả hai.
Phó chủ tịch ban Quan hệ quốc tế của hiệp hội Giới chủ của Indonesia (Apindo), ông Gautam Naraindas nói: “Cả Việt Nam và Indonesia đều được xem là con hổ châu Á, nhưng giá trị thương mại hai bên chưa đáng kể. Đây nên là thời điểm thúc đẩy mối quan hệ này, bắt đầu từ những buổi kết nối doanh nghiệp như hôm nay”.
Ông Lê Nguyên Hoà, phó chủ tịch HĐQT công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, khi cùng chuyên gia nghiên cứu thị trường của BSA và cả đoàn phân tích thực tế thị trường kể rằng, ông đã may mắn gặp người dày dặn kinh nghiệm về ngành hàng, tốt bụng chỉ ra những đặc điểm nên lưu ý của thị trường Indonesia và cung cấp các đầu mối tốt nhất...
Ngành hàng thực phẩm và nước giải khát Indonesia có doanh số mỗi năm 850 tỉ USD. Nhưng thị trường phân cực rất rõ rệt. Điều mà Nutifood muốn giải mã là mức giá khá mềm của các cửa hàng, rẻ hơn cả tiệm tạp hoá. “Nutifood muốn tìm hiểu xu hướng tiêu dùng và cách làm để có giá mềm cho người thu nhập thấp ở Indonesia. Sau đó tiếp tục vận dụng để làm gì đó cho người thu nhập thấp ở nông thôn Việt Nam”, ông Lê Nguyên Hoà cho biết.
Công ty Bích Chi muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng ăn liền sang Indonesia sau khi đã thành công ở Singapore và Malaysia. Chứng nhận Halal không phải quá khó xin ở Indonesia. Mỗi năm công ty đều đăng ký Halal nên đòi hỏi chứng nhận này là dễ chịu khi mà Bích Chi đã nhìn xa và biết nhiều hơn những tính toán lời lỗ khi mở mang thị trường.
Indonesia có 240 triệu dân, có những đặc điểm thị trường khác Thái Lan và các nước lân cận. Đặc điểm mỗi thị trường đang buộc doanh nghiệp Việt phải liên kết, tương tác để chia sẻ giá trị của những trải nghiệm tốt hoặc xấu. Kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp lặng lẽ thâm nhập và thành công như cân Nhơn Hòa, nông cơ khí Bùi Văn Ngọ, trái cây sấy Vinamit… càng thúc giục doanh nghiệp Việt hay liên kết, tương tác để cùng tận dụng các cơ hội thị trường.
Hoàng Lan - Hà Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét