Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Đón nắng và tránh nắng

Đón nắng và tránh nắng

Đón nắng và tránh nắng


SGTT.VN - Có thể nói rằng ánh nắng là thứ cần thiết và vô giá với tất cả. Mặt trời và ánh nắng tồn tại như một điều hiển nhiên cần phải thế. Chẳng thế mà có một nhạc sĩ chợt thốt lên lo lắng tưởng tượng “Một ngày nào đó, nếu ánh dương không còn, loài người chìm trong đêm giá băng…” (Bài hát Nếu điều đó xảy ra – nhạc sĩ Ngọc Châu).










Tấm mành tre vẫn không bao giờ cũ và chứa nhiều ký ức.



Nắng, hay mặt trời là sự vật, hiện tượng, và cũng là một phạm trù triết học phương Đông; thuộc về dương. Để tồn tại thì âm dương phải cân bằng, như thể có mặt trời phải có mặt trăng, có ngày và có đêm, có ánh sáng và có bóng tối. Nhưng chắc rằng ai cũng thích sự sáng sủa của ban ngày, sự rực rỡ của ánh nắng mặt trời; và thiên nhiên, cuộc sống con người hẳn sẽ đẹp đẽ, vui tươi hơn trong ánh nắng. Nhưng nắng không phải lúc nào cũng có, không phải mùa nào cũng nhiều. Trong ngày, cùng nơi có khi nắng khi không; có chỗ này nắng, chỗ khác không nắng. Và nhiều khi, nắng cũng rất là… đỏng đảnh.


Nắng là một món quà vô giá mà con người nhận từ thiên nhiên hào phóng. Nắng toả lên làm tất cả sự vật lung linh và rực rỡ. Nắng chiếu vào những ngôi nhà, những công trình kiến trúc làm cho kiến trúc đẹp hơn, sâu hơn. Kiến trúc sẽ buồn hơn khi không có nắng chiếu vào, không nổi bật được các đường nét, mảng khối, màu sắc, vật liệu; không có sự tương phản sáng tối; không có bóng đổ trên những bề mặt… Nắng – ánh sáng cũng là một yếu tố tạo nên giá trị thẩm mỹ và tính nghệ thuật trong kiến trúc. Những công trình đẹp là những công trình biết “đón nắng” một cách khéo léo; để nắng vừa đủ đẹp cho bề mặt ngoài công trình, đủ sáng cho bên trong; tận dụng được nắng để tạo nên hiệu quả ánh sáng, tạo nên những giá trị thẩm mỹ và hiệu quả sử dụng.


Nắng cũng cần cho cuộc sống theo một nghĩa rất cụ thể, không phải là cái gì quá xa vời hay triết lý. Trong cuộc sống, từ sinh hoạt hàng ngày tới lao động sản xuất người ta cần nắng để hong, để phơi, để làm khô quần áo, đồ dùng hay sản phẩm. Nắng cũng để sưởi ấm. Nắng luôn được chào đón!


Tất nhiên, nắng thì cũng nóng…


… Và tránh nắng.


Việt Nam là xứ nhiệt đới nóng ẩm, ai cũng biết điều đó, kiến trúc sư lại càng biết rõ. Nắng đem đến những điều tuyệt vời, nhưng nắng cũng đem đến cái nóng cùng những phiền toái và bất lợi. Tránh nắng và tránh những sự bất lợi từ thiên nhiên, để cho môi trường sống tốt hơn, an toàn hơn là điều ngàn xưa cha ông đã làm với ngôi nhà truyền thống. Một “ngôi nhà giữa nắng”, ngôi nhà tràn ngập ánh nắng có thể là một hình ảnh đẹp, nhưng không phải như thế là tốt nhất, cũng như trong cuộc sống không phải lúc nào, chỗ nào cũng cần đón nắng. Có rất nhiều khi, ta cần tránh nắng!


Về cơ bản, với khí hậu nhiệt đới, Việt Nam là đất nước nhiều nắng; đặc biệt có những nơi như dải đất miền Trung luôn… thừa nắng, và tất nhiên thừa nóng. Nắng vẫn rất cần cho cuộc sống (và dĩ nhiên vẫn làm đẹp cho kiến trúc) nhưng cũng là yếu tố bất lợi cần khắc phục, hạn chế. Tránh nắng cho ngôi nhà, cho môi trường sinh hoạt, làm việc là điều cần thiết. Ở ngôi nhà truyền thống xưa kia, hướng nhà “né” hướng chiếu của mặt trời (hướng đông, tây) là một trong những giải pháp cơ bản để tránh nắng, tránh nóng. Câu “lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng nam” vẫn không bao giờ cũ. Và kiến trúc luôn gắn liền với yếu tố môi trường không tách rời; đó là cây xanh, là mặt nước, là mặt đất tự nhiên. Những “vật liệu” này có hệ số bức xạ nhiệt nhỏ, làm giảm sức nóng của nắng chiếu tới môi trường sinh sống. Những giải pháp kiến trúc luôn được ưu tiên trước hết cho sự thích ứng với thiên nhiên. Tường dày, hiên sâu, mái rộng… là cái cách để ngôi nhà tránh nắng, dù vẫn phải đứng giữa nắng. Cho tới bây giờ, ta vẫn có thể thấy những giải pháp chắn nắng, chống nóng truyền thống ở nông thôn rất hiệu quả và trong những trường hợp cụ thể có thể ứng dụng cho kiến trúc hiện đại. Bên cạnh đó, còn nhiều giải pháp linh hoạt khác như cây xanh, các hệ kết cấu nhẹ như mành, giại, liếp… giúp tránh nắng, cản nhiệt và giảm độ chói sáng của ánh nắng.










Ảnh minh hoạ.



Kiến trúc hiện đại ngày nay thừa hưởng nhiều thành quả và giá trị của khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; nhưng xem ra việc phát huy những giá trị truyền thống chưa thực sự như mong muốn. Ví dụ như việc tránh nắng và chống nóng, phải chăng chúng ta vẫn đang loay hoay lạm dụng công nghệ với những máy lạnh, điều hoà nhiệt độ trong khi chưa giải quyết thấu đáo vấn đề cốt lõi là kiến trúc? Hoặc có đôi khi, ở đâu đó; có những phản ứng cực đoan theo kiểu bịt kín, “không cần” đón nắng???


Trở lại với câu chuyện kiến trúc sẽ đẹp hơn khi được nắng chiếu lên bề mặt (đương nhiên rồi). Đó chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Nắng là ánh sáng, cũng cần cho cả bên trong nữa. Việc “lọc nắng” đưa vào nhà là một điều cần thiết và thật cần tới bàn tay của kiến trúc sư. Khi đó, ta thấy ranh giới của việc “đón nắng” và “tránh nắng” như nhoà vào nhau.


Với việc phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng tất yếu sử dụng năng lượng sạch, thì nguồn năng lượng mặt trời dồi dào vô tận luôn được xếp hàng đầu. Những hệ thống bình nước nóng, hệ thống pin năng lượng mặt trời… đang trở nên rất phổ biến trong các công trình dân dụng. “Đón nắng” cho những thiết bị này là công việc, nhiệm vụ khoa học rất nghiêm túc để có những kết quả nhiều ý nghĩa cho cuộc sống.


Nhưng, trái đất đang nóng lên, băng ở hai cực đang tan, thiên tai khắc nghiệt hơn; và nắng cũng gay gắt, dữ dội hơn. “Tránh nắng” cũng là một vấn đề đặt ra nhiều thách thức mới!


Bài & ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ